Một BXH đại học “trung thực” sẽ trông như thế nào?

Bảng đánh giá thứ bậc trường đại học hay BXH liên quan cho thấy sự phân cấp cơ cấu trên dưới rõ ràng giữa các cơ sở giáo dục và việc trình bày thông tin theo phương thức này sẽ giúp sinh viên xác định ngôi trường tiềm năng phù hợp với mình. Sau khi triển khai một phương pháp so sánh và đánh giá tương tự như các BXH đại học, Kyle Grayson và Paul Grayson đã đưa lập luận rằng các trường đại học ở Anh chủ yếu được chia thành hai nhóm không phân cấp với các đặc điểm tương đương

Ảnh: Ambiguity via Behance | CC BY-NC-ND 4.0

Sự xuất hiện mạnh mẽ của văn hóa xếp hạng trên toàn cầu, nhưng chỉ dựa vào các thông số không xác thực, các phương pháp gây tranh cãi hay các thuật toán thiếu minh bạch do các bên tư nhân phát triển, đã dấy lên những quan ngại nghiêm trọng về những giá trị tích cực hay những ảnh hưởng tiêu cực của các bảng xếp hạng (BXH) ấy đối với các hệ thống giáo dục đại học trên toàn cầu.

Tại Anh, một trong các lý do hợp lý hóa sự tồn tại của các BXH đại học là chúng cung cấp các chỉ số đánh giá chất lượng. Những thông tin từ các BXH ấy sẽ cung cấp cho sinh viên những thông tin thiết yếu giúp các em đưa ra những lựa chọn trường đại học sáng suốt và phù hợp. Điều này là hoàn toàn hợp lý khi đặt trong bối cảnh của nước Anh khi trên trung bình, hệ cử nhân tại các trường đại học công ở đây có học phí trung bình thuộc hạng đắt đỏ nhất trên thế giới (theo báo cáo từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế).

Trong một bài báo mở được xuất bản gần đây, hai tác giả Kyle Grayson và Paul Grayson đã kiểm tra độ uy tín của các BXH bằng cách thử xem xét rằng liệu những thông số và thứ hạng được cung cấp có thực sự đưa ra các chỉ số riêng biệt và đầy đủ về chất lượng để làm nổi bật lên những đặc điểm khác nhau của từng trường hay không?  

Đáng tiếc thay câu trả lời là “Không”. Các tổ chức xếp hạng đã tạo ra những chỉ số làm phóng đại những khác biệt không đáng kể giữa các cơ sở giáo dục. Nói cách khác, các BXH đã lợi dụng các kỹ năng trình bày để kiến giải các kết quả sao cho khẳng định giả thuyết căn bản của họ, là có tồn tại sự phân hóa cấp bậc giữa các cơ sở trong hệ thống giáo dục đại học của nước Anh. Tuy nhiên, những BXH này lại không chỉ ra hay có lời giải thích hợp lý nào cho việc liệu thứ bậc xếp hạng của trường có được đưa ra dựa trên số liệu thống kê hay thể hiện sự khác biệt thực sự trong môi trường nghiên cứu hoặc quá trình học tập của sinh viên hay không.

Kyle & Paul Grayson đã tiến hành phương pháp phân tích theo cụm (cluster analysis) để kiểm tra xem liệu nhóm các trường đại học Anh Quốc có những đặc điểm tương tự nhau hay không bằng cách sử dụng chung nguồn dữ liệu và chỉ số cung cấp bởi GuardianComplete University Guide giai đoạn 2018-19, chủ yếu để tránh những ảnh hưởng tạm thời do dịch Covid-19.  Sử dụng phương pháp này, các trường đại học chia sẻ nhiều đặc điểm tương đồng với nhau hơn so với các nhóm trường đại học khác sẽ được sắp xếp vào chung một nhóm. Nếu tìm thấy bất kỳ nhóm tương đồng nào thông qua phân tích này, điều đó sẽ chỉ ra sự thiếu mạch lạc trong việc xếp hạng các tổ chức theo kiểu phân cấp.

Để kiểm tra xem liệu sự khác biệt giữa các nhóm có tạo nên ảnh hưởng về mặt thống kê, hai tác giả đã xem xét và nghiên cứu các chỉ số bao gồm: những giá trị gia tăng trong học tập, mức độ hài lòng của sinh viên, chất lượngcường độ nghiên cứu, sử dụng phương pháp phân tích theo cụm. Ngoài ra, hai tác giả cũng đã tiến hành phân tích hồi quy để xác định mối quan hệ tiềm ẩn (nếu có) giữa kết quả thống kê và các biến khác như sinh viên, nhân viên và/hoặc tổ chức khác. Sau đó, nhằm xác định liệu các số đo về chất lượng nghiên cứu có bị ảnh hưởng bởi sự dồi dào của tài nguyên nghiên cứu sẵn có, hai tác giả đã thêm vào một biến số là “chi phí nghiên cứu”. 

Khác với các thứ hạng trên BXH, Kyle&Paul Grayson nhận thấy các trường đại học tại Vương quốc Anh chỉ được phân vào hai nhóm dựa trên những số liệu này. Để hạn chế tối thiểu những sai lệch, hai tác giả phân các trường thành hai nhóm là nhóm Xanh Lam và nhóm Xanh Lục, với 53% sinh viên đại học ở Vương quốc Anh theo học ở Nhóm Xanh lam và 47% vào Nhóm Xanh lục.

Có sự vượt trội lớn về những giá trị gia tăng trong học tập của các trường đại học thuộc nhóm Xanh Lục so với các trường thuộc nhóm Xanh Lam, cụ thể là 19%. Mức độ hài lòng của sinh viên hai nhóm thì khá tương đồng. Điểm nghiên cứu của nhóm Xanh Lam (77%) cao hơn nhiều so với điểm của nhóm Xanh Lục (43%). Mặc dù những sự chênh lệch này có ý nghĩa lớn về mặt thống kê, nhưng mặt khác, nhóm Xanh Lục chi cho việc nghiên cứu với chi phí chỉ bằng 1/10 của nhóm Xanh Lam. Những khác biệt này đều mang ý nghĩa thống kê. Mặc dù các sự khác biệt đó phần nào phản ánh chi phí khác nhau với những loại hình nghiên cứu khác nhau, nhưng chúng cũng chỉ ra sự hiệu quả và đa dạng trong công cuộc xuất bản tri thức của nhóm Xanh Lục. Cần có các nghiên cứu sâu hơn để có các phân tích chính xác.

Tiếp theo, Kyle&Paul Grayson bắt đầu nghiên cứu đặc điểm trường đại học và sinh viên của các nhóm này. So với nhóm Xanh Lục, các cơ sở giáo dục thuộc nhóm Xanh Lam có tỷ lệ sinh viên-giáo viên thấp hơn, mức độ chi của sinh viên cao hơn, thu nhập trung bình các tổ chức cao hơn, ngưỡng điểm đầu vào cao hơn, tỷ lệ sinh viên đến từ khu vực có thu nhập thấp hay đến từ trường công cũng thấp hơn, tỷ lệ sinh viên sinh sống tại nhà thấp hơn, tỷ lệ sinh viên tiếp tục học năm thứ hai cao hơn, và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp cao hơn (chỉ số áp dụng với cả nền tảng tầng lớp kinh tế xã hội và sự thịnh vượng của khu vực). Cần lưu ý rằng trong hầu hết các BXH đại học, các tiêu chí tỷ lệ sinh viên-giảng viên, mức độ chi tiêu của sinh viên, điểm đầu vào và tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp là những yếu tố chính khiến xếp hạng của nhóm này thấp hơn đáng kể.

Sau đó, hai tác giả phân loại các tổ chức trong nhóm Xanh Lam và Xanh Lục bằng cách sử dụng cách phân loại nhóm thông thường theo nhiệm vụ. 100% các cơ sở thuộc Russell Group – Nhóm hội tụ các trường hàng đầu tại Anh, và 93% các trường đại học chuyên sâu về nghiên cứu thì đều nằm trong nhóm Xanh Lam. Ngược lại, 96% các trường đại học trẻ tuổi đều thuộc nhóm Xanh Lục.

Những người không nghiêm túc trong vấn đề này sẽ cho rằng cả đội ngũ chỉ đang cố gắng chứng minh chỉ là sự tồn tại của một hệ thống phân cấp ở mức độ nhóm, và một hệ thống khác phản ánh những hiểu biết về bối cảnh giáo dục đại học. Tuy nhiên, hai tác giả không cho rằng sự thể chỉ có như vậy. Điều làm nên sự khác biệt của nhóm Xanh Lam là các nghiên cứu của họ, còn nhóm Xanh Lục thì nổi bật lên bởi kết quả học tập vượt trội của sinh viên. Tùy thuộc vào quan điểm và mục đích của mỗi người khi tìm hiểu về các trường đại học mà các trường đó sẽ có những giá trị khác nhau.

Kyle&Paul Grayson đưa ra các phát hiện của mình nhằm ủng hộ việc loại bỏ văn hóa BXH theo thứ bậc được sử dụng rộng rãi bởi các phương tiện truyền thông, chính phủ và các trường đại học. 

Thay vào đó, chúng ta hoàn toàn có thể tập trung vào những đóng góp cho giáo dục và nghiên cứu của hai nhóm tổ chức mà hai tác giả đã nêu bật, chẳng hạn như trên thực tế, nhóm Xanh Lục, tuy hoạt động trong những môi trường khó khăn hơn với ít nguồn lực hơn, nhưng họ cung cấp đầu ra với kết quả xuất sắc cho gần một nửa số sinh viên đại học tại Vương quốc Anh. Nếu như là tại một quốc gia khác, thì chính phủ, giới truyền thông và các cơ sở giáo dục đại sẽ đều coi sự đóng góp này như một thành công về mọi mặt. Nhưng thật không may, những khuyến khích ở cấp độ thị trường và khuynh hướng văn hóa mở trong xã hội Anh nhằm tái tạo các hệ thống phân cấp đã khiến chúng ta đang mắc kẹt với lối tư duy coi thường và xem nhẹ những đóng góp quan trọng về xã hội, văn hóa và kinh tế của nhóm Xanh Lục.

Dịch từ LSE

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh