Bình duyệt mở (Open Peer Review – OPR) là một thành phần quan trọng trong phong trào khoa học mở hiện nay. OPR được kỳ vọng có thể nâng cao tính minh bạch của việc bình duyệt, từ đó giảm thiểu sự thiên vị và nâng cao độ tin cậy tổng thể của quá trình này. Bên cạnh đó, bình duyệt mở cũng có thể thúc đẩy bầu không khí mang tính xây dựng và hợp tác hơn giữa những bên tham gia, khuyến khích người bình duyệt coi nhiệm vụ của mình không đơn thuần chỉ là “gác đền”, mà còn là hợp tác để cải thiện chất lượng của bản thảo. Hơn nữa, OPR đưa ra sự công nhận thích đáng đối cho những người bình duyệt, góp phần tạo nên động lực và sự tham gia của họ vào quá trình quan trọng này.
Để thực hiện bình duyệt mở một cách hiệu quả, nhiều hướng dẫn và thực hành tốt đã được đề xuất. Trong số này, FOSTER Open Science, một dự án do Ủy ban Châu Âu tài trợ, đã có những đóng góp đáng kể. FOSTER đã phát triển các khuyến nghị toàn diện dành cho người bình duyệt để đảm bảo tính toàn vẹn và hiệu quả của OPR.
Những khuyến nghị này bao gồm việc bổ sung Tuyên bố OPR trong mỗi báo cáo bình duyệt. Tuyên bố này đóng vai trò như sự cam kết của người đánh giá trong việc duy trì các nguyên tắc của bình duyệt mở, bao gồm 4 điều sau:
1. Tôi sẽ công khai danh tính của mình
Người bình duyệt được khuyến nghị ký tên vào báo cáo bình duyệt của họ, bao gồm tên, chức vụ, nơi làm việc, và mã nhận dạng (ORCID). Đây là cách mà tác giả và người đọc tìm hiểu về lý lịch của người phản biện, cũng như hiểu thêm về bối cảnh mà báo cáo được đưa ra. Tuy nhiên, người phản biện cần kiểm tra kỹ các chính sách xuất bản của tạp chí trước khi đưa vào các thông tin liên hệ của mình, vì mỗi tạp chí sẽ có chính sách khác nhau về biên bản bình duyệt.
2. Tôi sẽ phản biện dựa trên sự tuân thủ về đạo đức học thuật
Trước khi bắt đầu phản biện, người phản biện cần đảm bảo rằng không có bất kỳ xung đột lợi ích nào (xung đột cá nhân, tài chính, quan điểm, nghề nghiệp, chính trị, tôn giáo) với tác giả. Nếu không thể đảm bảo điều này, hãy báo cho ban biên tập và từ chối lời mời phản biện một cách thẳng thắn.
Trong quá trình phản biện, người phản biện cần giảm thiểu các thành kiến vô thức và không chủ ý khi phản biện (thiên vị về cá nhân, chủ đề, phong cách viết) bằng cách tuân theo một quy trình nhất quán và có cấu trúc (có thể tham khảo theo mẫu của Publons).
3. Tôi sẽ phản biện như thể đang thảo luận trực tiếp với tác giả bài viết và đưa ra những phê bình đóng góp nhất có thể
Ý nghĩa của việc phản biện là giúp tác giả cải thiện bản thảo của mình. Cách ủng hộ và tôn trọng nhất để làm điều này là tham gia vào một cuộc đối thoại bằng văn bản với tác giả, trong đó người phản biện cung cấp được những phản hồi mang tính xây dựng và công bằng nhất có thể cho tác giả bản thảo.
4. Tôi sẽ là đại diện cho phong trào thực hành khoa học mở
- Với tư cách là người phản biện: tuân theo các nguyên tắc nêu trên để biến việc phản biện thành một quá trình hỗ trợ và hợp tác.
- Với tư cách là tác giả: xuất bản preprint và yêu cầu cộng đồng đánh giá bản thảo ấy và/hoặc nộp bản thảo của bạn cho một tạp chí hỗ trợ phản biện mở.
Các cam kết mà FOSTER nêu ra được tham khảo từ bài báo của Aleksic và cộng sự (2015), trong đó, bao gồm một hướng dẫn dành cho phản biện viên khi tham gia vào quá trình bình duyệt mở. Bộ hướng dẫn là một danh sách các điều mà bình duyệt viên cần phải cam kết khi thực hành OPR, cụ thể:
- Tôi sẽ làm việc với bạn để giúp cải thiện nghiên cứu của bạn, vì tôi tin rằng bình duyệt phải là một quá trình cởi mở, hỗ trợ và hợp tác. Do đó, tôi sẽ ký tên vào báo cáo bình duyệt và nêu rõ danh tính bản thân.
- Trước khi bắt đầu, tôi sẽ đảm bảo rằng tôi có đầy đủ thông tin (dữ liệu thô, phương pháp/giao thức chi tiết, v.v.) cần thiết để thực hiện đánh giá một cách độc lập, đầy đủ.
- Tôi sẽ khuyến khích ứng dụng và, khi cần thiết, cung cấp hướng dẫn cho các thực hành tốt nhất về khoa học mở có liên quan đến lĩnh vực của tôi để giúp tăng tính minh bạch, khả năng tái thực hiện, và tính toàn vẹn cho nghiên cứu của bạn.
- Tôi sẽ kiểm tra xem mọi tài liệu và mã phần mềm có nhất quán với văn bản hay không, mọi mã DOI số đăng ký đều chính xác và được trích dẫn đầy đủ, cũng như mọi mô hình được trình bày đều được lưu trữ, tham chiếu và có thể truy cập được.
- Tôi sẽ kiểm tra xem dữ liệu cũng như mọi mã phần mềm và tài liệu cốt lõi cho công bố của bạn có đang được cung cấp ở hình thức có thể truy cập lâu dài, không gặp bất kỳ hạn chế nào hay không.
- Tôi sẽ tư vấn, khi cần thiết, về cách đạt được tính minh bạch và tính sẵn có tốt hơn (về tài liệu hay phương pháp luận, dữ liệu hay đoạn mã, thuật toán, tham số hay tiêu chuẩn phần mềm), với sự hiểu biết rằng việc tuân thủ các thực hành khoa học mở tốt nhất có thể đòi hỏi nỗ lực hơn nữa từ bạn.
- Tôi sẽ hỗ trợ người khác viết báo cáo bình duyệt mở mở khi tôi thấy thích hợp.
- Tôi sẽ từ chối bình duyệt nếu tôi không phải là người thích hợp (vì chuyên môn của tôi hay vì mối quan hệ của tôi với (các) tác giả). Tôi sẽ trình bày cho các biên tập viên của tạp chí một cách thẳng thắn nhất về những vấn đề này, đồng thời giải thích một cách công khai lý do tôi đưa ra quyết định của mình để có thể tìm được những người bình duyệt thay thế.
Trong bối cảnh phát triển của khoa học mở, bình duyệt mở đang trở thành một con đường hứa hẹn để nâng cao sự minh bạch, hợp tác và trách nhiệm trong quá trình bình duyệt. OPR không chỉ thúc đẩy sự thay đổi trong cách tiếp cận bình duyệt mà còn khuyến khích một thái độ mới đối với việc nghiên cứu và phản biện. Các nguyên tắc và hướng dẫn đã được đưa ra để đảm bảo hiệu quả và tính toàn vẹn của OPR. Những cam kết này không chỉ giúp người bình duyệt hiểu rõ hơn về nhiệm vụ của họ, mà còn tạo ra một khung để họ thực hiện công việc một cách chính xác và hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
Foster (n.d.). Open Peer Review.
Aleksic J, Alexa A, Attwood TK et al. (2015). An Open Science Peer Review Oath [version 2; peer review: 4 approved, 1 approved with reservations]. F1000Research, 3:271
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 1
Chưa có đánh giá.