“Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài thực hiện hành vi sai phạm” một nhà nghiên cứu tại một trường đại học tinh hoa của Trung Quốc thừa nhận. Tiết lộ gây sốc này được ghi lại trong một tuyển tập gồm hàng chục cuộc phỏng vấn sâu ẩn danh, cung cấp những câu chuyện trực tiếp, hiếm hoi về các nhà nghiên cứu đã có hành vi phi đạo đức – và lý giải bối cảnh khiến họ chọn vượt qua ranh giới này. Một bài báo dựa trên các cuộc phỏng vấn này đã được công bố vào tháng 4 trên tạp chí Research Ethics.
Người phỏng vấn, nhà xã hội học Zhang Xinqu, và đồng nghiệp của ông, Wang Peng, một nhà tội phạm học, đều làm việc tại Đại học Hồng Kông, cho rằng các nhà nghiên cứu cảm thấy bị ép buộc, thậm chí được khuyến khích, tham gia vào các hành vi sai phạm để bảo vệ công việc của họ. Theo kết luận của hai tác giả, áp lực đến chủ trương của Trung Quốc nhằm xây dựng các trường đại học được công nhận trên toàn cầu. Chủ trương này đã thúc đẩy một số trường đại học Trung Quốc đặt ra các mục tiêu công bố đầy tham vọng.
Một số cho rằng bài báo đã cho thấy một góc nhìn về cảm giác đấu tranh và tội lỗi của các nhà nghiên cứu khi họ buộc phải đưa ra các quyết định sai phạm. Nhưng một số khác cho rằng những phát hiện này đã vẽ ra một bức tranh quá tiêu cực về chương trình của Trung Quốc. Zheng Wenwen, người chịu trách nhiệm về tính liêm chính trong nghiên cứu tại Viện Thông tin Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, ở Bắc Kinh, nói rằng cỡ mẫu quá nhỏ để đưa ra kết luận đáng tin cậy. Nghiên cứu này dựa trên các cuộc phỏng vấn với các học giả đến từ ba viện cơ sở giáo dục tinh hoa. Trong khi đó, có hơn 140 trường đại học nằm trong kế hoạch của sáng kiến nhằm tạo ra các trường đại học và lĩnh vực nghiên cứu có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Trò chơi xếp hạng
Năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra Sáng kiến Song nhất lưu (Double First-Clas) nhằm thành lập các trường đại học và ngành học “đẳng cấp thế giới”. Wang cho biết, các trường đại học được chọn để đưa vào chương trình sẽ nhận được thêm tài trợ, trong khi những trường hoạt động kém có nguy cơ bị loại khỏi danh sách.
Từ tháng 5 năm 2021 đến tháng 4 năm 2022, Zhang đã thực hiện các cuộc phỏng vấn trực tuyến ẩn danh với 30 giảng viên và 5 sinh viên ngành khoa học tự nhiên tại ba trong số những trường đại học ưu tú này. Những người được phỏng vấn bao gồm một hiệu trưởng, một số là trưởng khoa và trưởng bộ phận. Các nhà nghiên cứu cũng phân tích cả các tài liệu nội bộ của trường đại học.
Những người nắm vai trò đưa ra quyết định của trường đại học được phỏng vấn ở cả ba cơ sở cho biết họ hiểu trách nhiệm của mình là giải thích các mục tiêu của chương trình Song nhất lưu. Họ xác định rằng, để tiếp tục tham gia chương trình, các trường đại học của họ cần nâng cao vị thế của mình trong bảng xếp hạng quốc tế – và để điều đó xảy ra, các nhà nghiên cứu của họ cần xuất bản nhiều bài báo hơn trên các tạp chí quốc tế được lập chỉ mục trong cơ sở dữ liệu như Sicence Citation Index.
Wang cho biết, một số trường đại học coi việc xếp hạng đại học thế giới như một “trò chơi” để giành chiến thắng. Các khoa của trường đại học đặt ra các tiêu chí xuất bản cụ thể và khó đạt được cho việc thăng chức và duy trì biên chế.
Một số nhà nghiên cứu thừa nhận đã tham gia vào các hoạt động nghiên cứu phi đạo đức vì sợ mất việc. Trong một cuộc phỏng vấn, một trưởng khoa nói: “Nếu ai không thể đáp ứng được tiêu chí [liên quan đến xuất bản phẩm], tôi đề nghị họ nên rời đi càng sớm càng tốt”.
Zhang và Wang mô tả cách các nhà nghiên cứu sử dụng dịch vụ viết bài thuê, làm sai lệch dữ liệu, đạo văn, lợi dụng sinh viên mà không cung cấp quyền tác giả và hối lộ các biên tập viên tạp chí.
Một người được phỏng vấn thừa nhận đã trả tiền để truy cập vào tập dữ liệu. “Tôi đã mua quyền truy cập vào kho lưu trữ chính thức và thay đổi dữ liệu để hỗ trợ các giả thuyết của mình.”
Một phó trưởng khoa nhấn mạnh việc ưu tiên của mục tiêu công bố. “Chúng ta không nên quá nghiêm khắc trong việc xác định và trừng phạt những hành vi sai phạm trong nghiên cứu, vì nó cản trở hiệu quả nghiên cứu của các học giả của chúng ta.”
Không phải toàn bộ bức tranh
Wang Fei, nhà nghiên cứu chính sách liêm chính trong nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Đại Liên, nhận xét rằng các tác giả đã thực hiện một công việc xuất sắc khi mô tả rõ nét mối quan hệ giữa áp lực thể chế và hành vi sai phạm trong nghiên cứu.
Nhưng cô cũng cho rằng đó không phải là toàn bộ bức tranh. Khuyến khích xuất bản nghiên cứu chất lượng cao là một phần của những cải cách rộng lớn hơn đối với hệ thống giáo dục đại học “phần lớn mang tính tích cực”. “Bài báo hầu như chỉ tập trung vào các khía cạnh tiêu cực, có khả năng khiến người đọc hiểu lầm rằng cải cách giáo dục đại học của Trung Quốc có sai sót nghiêm trọng và thúc đẩy hành vi sai phạm trong nghiên cứu.”
Tang Li, nhà nghiên cứu chính sách khoa học và đổi mới tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải cũng đồng ý với nhận định này. Theo Li, những lời kể trực tiếp rất có giá trị, nhưng những phát hiện có thể bị sai lệch, bởi vì những người chấp nhận tham gia một cuộc phỏng vấn như vậy có thể đã mang sẵn những thái độ mạnh mẽ về các vấn đề này và do đó không đại diện cho quan điểm của những người từ chối phỏng vấn.
Trong khi đó, Zheng không đồng ý với kết luận của nghiên cứu. Trong hướng dẫn ban hành năm 2020 dành cho các trường đại học nằm trong khuôn khổ sáng kiến Song nhất lưu, chính phủ Trung Quốc nêu rõ cần thực hiện đánh giá toàn diện chứ không chỉ tập trung vào số lượng bài báo. Zheng cho biết, hành vi sai phạm trong nghiên cứu không phải là kết quả của sáng kiến Song nhất lưu mà là do “không chú trọng đầy đủ đến đào tạo tính liêm chính trong nghiên cứu”.
Trừng phạt hành vi sai phạm
Vấn đề lớn hơn, theo Xiaotian Chen, một nhà khoa học thông tin và thư viện tại Đại học Bradley ở Peoria, Illinois, là sự thiếu minh bạch và thiếu các hệ thống để phát hiện và ngăn chặn hành vi sai phạm ở Trung Quốc. Chen, người đã nghiên cứu các hành vi sai phạm trong nghiên cứu ở Trung Quốc, cho biết, hầu hết mọi người đều làm điều đúng đắn, bất chấp áp lực phải xuất bản. Áp lực được mô tả trong bài báo có thể chỉ là “cái cớ để gian lận”.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một số biện pháp nhằm trấn áp các hành vi sai phạm, bao gồm việc xác định những gì cấu thành hành vi vi phạm và quy định các hình phạt thích hợp. Họ cũng cấm thưởng tiền mặt cho việc xuất bản trên các tạp chí có chỉ số tác động cao.
Wang Peng cho rằng các chính sách của chính phủ cần phải cụ thể hơn về cách xác định và trừng phạt các loại hành vi sai phạm khác nhau. Tuy vậy, theo Zheng, so với những biện pháp được áp dụng ở các quốc gia khác, “các biện pháp mà chính phủ Trung Quốc hiện đang áp dụng để trừng phạt hành vi sai phạm trong nghiên cứu là đã rất nghiêm khắc”.
Các tác giả cũng phớt lờ hướng dẫn gần đây của chính phủ dành cho các cơ sở tinh hoa của Trung Quốc để chống lại xu hướng đánh giá giảng viên chỉ dựa trên cơ sở số lượng công bố và chức danh học thuật của họ.
Tang chỉ ra rằng con đường đạt được sự liêm chính trong nghiên cứu còn rất dài. Theo bà, việc nuôi dưỡng tính liêm chính trong nghiên cứu cần có thời gian và đòi hỏi nỗ lực phối hợp từ tất cả các bên liên quan.
Và áp lực xuất bản nhiều bài báo hơn để nâng cao thứ hạng của các trường đại học “không phải chỉ có ở Trung Quốc”, Bik nói. “Bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào, nếu có các biện pháp khuyến khích và yêu cầu được đưa ra để thúc đẩy mọi người công bố nhiều hơn, sẽ có người ‘lợi dụng các chỉ số’.”
Lược dịch từ Nature
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 1
Chưa có đánh giá.