Tình trạng lượng bài báo bị rút lại trong thời gian vừa rồi lên tới con số chục ngàn cũng như dày đặc tin tức về các hiện tượng sai phạm trong nghiên cứu đã trở thành chủ đề nóng được quan tâm trong thế giới xuất bản học thuật. Trang tin của Nature, Science và một số trang truyền thông chính thống như The Guardian, Forbes và The Irish Times liên tục đưa tin về các trường hợp này.
Không phải tất cả các bài báo bị rút đều xuất phát từ việc có sai phạm nghiên cứu, nhưng đương nhiên trong một số trường hợp là có. Nếu việc bài báo bị rút lại là sự phản ánh của hành vi sai phạm trong nghiên cứu thì sự gia tăng số bài báo bị rút cho thấy rằng liêm chính và đạo đức nghiên cứu đang ngày càng tồi tệ. Có 10,000 bài báo bị rút lại vào năm 2023, con số này bằng với tổng bài báo bị rút trong khoảng thời gian ba năm từ 2020 đến 2022. Điều này cho thấy hành vi sai phạm dường như đang trở nên ngày càng tồi tệ hơn ở mức đáng báo động.
Ngoài việc làm xói mòn nền tảng của các nghiên cứu tương lai, các sự kiện sai phạm này còn khiến công chúng có cái nhìn tiêu cực về các bên lên quan trong thế giới xuất bản học thuật. Các nhà nghiên cứu, cơ quan học thuật, nhà tài trợ, nhà xuất bản và các tổ chức cung cấp dịch vụ phải chịu tai tiếng là không còn đáng tin.
Nếu chỉ vào những con số như “hơn 10,000 bài báo bị rút trong 2023”, rõ ràng thật dễ hiểu khi chúng ta thấy mất niềm tin vào giới học thuật. Trong bài viết này, Christos Petrou (người sáng lập và là trưởng nhóm phân tích tại Scholarly Intelligence và là nhà phân tích chính tại Signals; cựu nhà phân tích của Web of Science Clarivate và danh mục tạp chí Truy cập Mở tại Springer Nature) cho thấy một cái nhìn khác, rằng những tin tức như trên có vẻ là đang bị làm quá. Thông qua các phân tích định lượng, Petrou chỉ ra rằng rằng sự gia tăng số lượng bài báo bị rút là không tương đồng ở mọi khu vực và lĩnh vực chủ đề, bởi nó chủ yếu được thúc đẩy bởi hoạt động quy mô công nghiệp của các xưởng sản xuất bài báo (chứ không phải hành vi cá nhân của từng nhà nghiên cứu) và sự tăng trưởng của xuất bản học thuật từ Trung Quốc.
Toàn cảnh
Đúng là số lượng bài báo bị rút đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2014, cứ 10,000 bài báo thì có 3.5 bài bị rút và tăng lên là 11.2 bài trong năm 2022. Nói cách khác, trong năm 2022, số bài bị rút lại trên mỗi 10,000 bài báo nhiều gấp ba lần so với năm 2014.
Phân tích này dựa trên dữ liệu từ Scimago và số lượng bài rút lại theo cơ sở dữ liệu Retraction Watch (RW). Nền tảng này theo dõi các bài bị rút thuộc dạng Research Articles, Review Articles, Clinical Studies và Case Reports; không bao gồm dữ liệu năm 2023 vì chưa hoàn chỉnh. Tỷ suất này dựa trên khối lượng xuất bản trung bình trong ba năm trước năm rút lại để tính đến độ trễ giữa lần xuất bản của một bài báo và việc rút lại bài báo đó. Cần lưu ý rằng, RW ghi nhận cả số lượng bài báo bị rút của cả các tạp chí có thể không được chỉ mục bởi Scimago, có nghĩa là tỷ lệ bài rút lại được hiển thị ở đây đang là đang không tương xứng với tổng số bài báo.
Tạp chí bị lạm dụng
Năm 2014, chỉ có hai tạp chí có hơn 20 bài bị rút lại, chiếm 10% tổng số bài bị rút lại, trong khi đó vào năm 2022, có 34 tạp chí có hơn 20 bài bị rút lại, chiếm 51% tổng số bài bị rút lại. Petrou gọi những trường hợp rút lại hàng loạt đó (>20 bài bị rút trong một năm dương lịch) là tạp chí bị “lạm dụng” (journal breaches). Tức khi quy trình phản biện của một tạp chí bị sai phạm nghiêm trọng và nó trở thành mục tiêu của các xưởng sản xuất bài báo và các nhà nghiên cứu không đứng đắn.
Từng không phổ biến, các tạp chí bị lạm dụng giờ đây góp một nửa số bài bị rút lại. Điều này phản ánh sự khéo léo nham hiểm của các xưởng sản xuất bài báo khi đã lợi dụng hiện tượng tiền thưởng cho việc công bố quốc tế của nhà nghiên cứu bị biến tướng để biến nó thành một mô hình kinh doanh và khai thác những điểm yếu trong quy trình làm việc của nhà xuất bản.
Như vậy, việc số lượng bài báo bị rút tăng không phải là một biểu hiện của việc các nhà nghiên cứu ngày càng không đáng tin, hay là kết quả của việc tăng các phần thưởng cho xuất bản, hay thể hiện sự suy yếu chung về quản lý xuất bản và tính nghiêm ngặt của biên tập, trừ các trường hợp ngoại lệ như danh mục tạp chí Hindawi của Wiley. Trong khi có niềm tin phổ biến là mô hình thu phí APC khuyến khích số lượng để rồi phải trả giá bằng sự đổ vỡ tính nghiêm ngặt trong biên tập, thì trong thực tế, 8 trong số 12 tạp chí (không xét danh mục Hindawii) mà có hơn 40 bài báo bị rút lại vào năm 2022 không phải là tạp chí truy cập mở hoàn toàn; chúng chủ yếu là tạp chí hỗn hợp (vừa mở vừa đóng) và 87% số bài bị rút lại là bài báo đóng.
Cũng có thể là các bài báo sai phạm trong các tạp chí bị lạm dụng sẽ dễ bị phát hiện và giải quyết hơn các bài báo sai phạm riêng lẻ. Việc phát hiện một nhóm các bài báo giả mạo được xuất bản trong cùng một số báo đặc biệt sẽ dễ dàng hơn so với các bài báo có vấn đề đơn lẻ len lỏi giữa hàng trăm bài báo hợp pháp.
“Tội phạm hàng loạt”
Số lượng bài báo bị rút lại của những “tội phạm hàng loạt” (các tác giả có hơn 10 bài bị rút lại trong sự nghiệp rút lại của họ) cũng trở nên phổ biến hơn (tăng hơn gấp ba lần từ 89 người vào năm 2014 lên 330 vào năm 2022). Nhưng số cá nhân này luôn chiếm tỷ lệ ổn định khoảng 11% trong tổng số lần rút lại. Đây là một mức đánh giá thấp, vì phép tính đã loại trừ các tác giả có tên tiếng Trung khó có thể phân biệt được (họ Li, Wang và Zhang chiếm khoảng 20-25% toàn bộ dân số Trung Quốc).
Tác động của những học giả vi phạm hàng loạt này được ghi nhận ở cả cấp độ khu vực. Ví dụ: các tên tuổi nặng ký có lượng bài bị rút lớn của Nhật Bản là Yoshitaka Fujii, Hironobu Ueshima và Yoshihiro Sato chiếm 38% tổng số lần rút lại bài viết của Nhật Bản từ năm 2011 đến năm 2022. Họ chưa bao giờ là đồng tác giả một bài báo, mặc dù cả ba đều là tác giả về Y học và hai trong số đó thuộc lĩnh vực Gây mê.
Trung Quốc
Trung Quốc (và nói rộng ra là cả thế giới) có vấn đề nghiêm trọng với hành vi sai phạm trong nghiên cứu. Đất nước này nhận thức được vấn đề này và đang hành động để giải quyết nó.
Tỷ suất bài bị rút của Trung Quốc rất ấn tượng, đạt 26.1 lượt bài bị rút trên mỗi 10,000 bài báo trong giai đoạn từ 2020 đến 2022, so với con số 5.9 của phần còn lại của thế giới. Trung Quốc có thể không phải là quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ suất bài báo bị rút lại (vị trí dẫn đầu thuộc về Ả Rập Saudi với 31.6 lượt bài bị rút trên mỗi 10,000 bài báo từ năm 2020 đến năm 2022), nhưng quốc gia này vẫn là một khu vực quan trọng vì quy mô và tốc độ tăng trưởng của nó. Số công bố của Trung Quốc chiếm 17% số bài báo toàn cầu và số bài bị rút chiếm 16% toàn cầu vào năm 2014, những con số này lần lượt tăng lên là 26% số bài báo và 54% số bài bị rút lại vào năm 2022.
Các vấn đề về hành vi sai phạm của Trung Quốc vượt qua biên giới và trở thành vấn đề của cả giới khoa học. Điều này đặc biệt đúng trong các lĩnh vực Y học và Khoa học Sinh học, những ngành có xu hướng có tỷ lệ bài bị rút cao ở bất kỳ quốc gia nào. Ví dụ, Trung Quốc đã đạt được tỷ suất đáng kinh ngạc là 113 bài rút lại trên mỗi 10,000 bài báo từ năm 2020 đến năm 2022 trong lĩnh vực Hóa sinh, Di truyền học và Sinh học phân tử. 1,1% bài báo được xuất bản trong lĩnh vực Hóa sinh, Di truyền học và Sinh học phân tử từ Trung Quốc cuối cùng đã bị rút lại.
Việc bài báo bị rút chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, rất có thể Khoa học Y học và Sinh học đang tràn ngập những nghiên cứu không đáng tin cậy từ Trung Quốc. Hơn nữa, có thể hình dung rằng công việc biên tập phải đặc biệt khó khăn khi giải quyết các bản thảo từ Trung Quốc. Bởi nếu hàng nghìn bài báo giả mạo đã được xuất bản, có thể đã có hàng chục nghìn bài báo bị từ chối trước khi xuất bản.
Vấn đề bài báo bị rút của Trung Quốc không phổ biến ở mọi lĩnh vực chủ đề. Ví dụ: tỷ lsuất bài báo bị rút lại của nó là dưới 5 bài trên mỗi 10,000 bài trong các lĩnh vực Hóa học, Năng lượng, Toán học, Khoa học Trái đất và Hành tinh, Vật lý và Thiên văn học, và Khoa học Vật liệu. Tỷ lệ này không phải là không đáng kể nhưng cũng không có gì nổi bật. Không nên có cái nhìn nghi ngờ tùy tiện về kết quả nghiên cứu của Trung Quốc.
Một khung cảnh bớt u ám
Vậy tỷ suất bài báo bị rút lại toàn cầu trông như thế nào khi loại trừ các tạp chí bị lạm dụng, những tác giả sai phạm hàng loạt, và Trung Quốc? Nó chắc chắn trông tích cực hơn. Bắt đầu ở mức 2.8 bài bị rút lại trên mỗi 10,000 bài báo vào năm 2014, con số này tăng lên 6.7 vào năm 2019 và sau đó giảm xuống còn 3.1 vào năm 2022. Nói cách khác, sau khi tính đến các tạp chí bị lạm dụng, những học giả vi phạm hàng loại và Trung Quốc, thế giới xuất bản ngày nay trông vẫn giống như tám năm trước.
Tương tự, một phân tích ở các quốc gia có nền văn hóa nghiên cứu lâu đời cho thấy các vấn đề về hành vi sai phạm (xem xét từ các bài báo bị rút) không hề tệ đi một cách nghiêm trọng. Hoa Kỳ, Đức và Nhật Bản duy trì tỷ suất bài báo bị rút thấp, thường không vượt quá 5 lượt bị rút trên mỗi 10,000 bài báo; và giảm xuống dưới 4 khi loại trừ các tạp chí bị lạm dụng, các học giả vi phạm hàng loạt; và dưới 3 khi loại trừ thêm các lượt bài rút không liên quan đến hành vi sai trái (ví dụ: do sai sót kiểm kê của RW). Đáng chú ý, các quốc gia này chỉ có tỷ suất bị rút lại dưới 1 trên mỗi 10,000 bài báo trong lĩnh vực Khoa học Vật liệu từ năm 2020 đến năm 2022.
Quản trị tạp chí và cân bằng việc khen thưởng cho công bố
Kết quả cho thấy rằng số lượng hành vi sai phạm không hề ngoài tầm kiểm soát đối với một số nhóm nhân khẩu học, và các biện pháp can thiệp có mục tiêu có thể giúp ích rất nhiều trong việc giải quyết các sai phạm nghiên cứu, và điều này có thể được nhận thấy từ số lượng bài báo bị rút.
Thứ nhất, vi phạm xảy ra thường xuyên hơn khi các tạp chí và nhà xuất bản không cảnh giác. Trái ngược với miêu tả của Wiley về vụ vi phạm đáng chú ý của Hindawi, các tạp chí hoạt động tốt khó có thể trở thành mục tiêu bị can thiệp bởi các xưởng sản xuất bài báo. Quản trị tạp chí chặt chẽ là điều cần thiết để phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công quy mô lớn của các xưởng sản xuất bài báo, và nó có thể làm giảm đáng kể sự hiện diện của các sản phẩm giả mạo của nó trong hệ thống tài liệu chính thống. Các giải pháp công nghệ có thể hỗ trợ các nỗ lực này nhưng sẽ không hiệu quả nếu thiếu cơ chế quản trị tốt.
Tiếp theo, Trung Quốc nên suy nghĩ lại về cơ cấu khen thưởng các nhà nghiên cứu Y học và Khoa học Sinh học. Lợi ích của một sự can thiệp thành công sẽ mang lại thay đổi ở cấp độ toàn cầui. Ví dụ: chỉ cần Trung Quốc giảm một nửa bài báo bị rút lại trong lĩnh vực Hóa sinh, Di truyền và Sinh học phân tử, tỷ suất bài báo bị rút lại toàn cầu sẽ giảm 14%.
Lược dịch từ Guest Post – Making Sense of Retractions and Tackling Research Misconduct – The Scholarly Kitchen (sspnet.org)
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 4
Chưa có đánh giá.