Achala Gupta thảo luận về những phát hiện từ dự án Eurostudents, chỉ ra cách nhận thức của sinh viên về giá trị và mục đích của giáo dục đại học phản ánh mức độ thị trường hóa (marketisation) trong các hệ thống giáo dục đại học khác nhau ở châu Âu.
Đại dịch COVID-19 trở thành tiền đề để thúc đẩy những hoạt động tái quan sát và tái đánh giá hệ thống giáo dục đại học trên toàn cầu được thực hiện triệt để hơn. Ở nhiều thời điểm, những hoạt động này mang tới những cuộc tranh luận mới về mục đích của giáo dục đại học, với chủ đề trải dài từ “sự cam kết đối với dịch vụ công của các trường đại học” cho tới “liệu những điều chỉnh về mặt thể chế tại các trường đại học có thay đổi cách giáo dục ở bậc đại học hay không”.
Nhưng, bản thân sinh viên nghĩ gì về mục đích thực sự của trường đại học? Vào năm 2017 – 2018, Achala Gupta – nhà nghiên cứu Xã hội học tại Đại học Surrey (Anh Quốc) – và các đồng nghiệp đã thực hiện khảo sát với 295 sinh viên đến từ 6 quốc gia châu Âu khác nhau — Đan Mạch, Anh, Đức, Ireland, Ba Lan và Tây Ban Nha — về điều mà họ tin là mục đích của việc học đại học. Những phản hồi từ họ đã thắp sáng một tương lai đầy hứa hẹn cho nền giáo dục đại học châu Âu.
Nghiên cứu này, với vai trò là một phần của dự án Eurostudents, tìm hiểu về những cách hiểu của sinh viên đại học về mục tiêu của giáo dục đại học. Đối với nhiều sinh viên, giáo dục đại học mang ba chức năng cụ thể: cơ hội có việc làm tử tế, cơ hội được phát triển bản thân, và cơ hội được góp phần cải thiện xã hội.
Song, tồn tại những biến động thú vị giữa các góc nhìn khác nhau của những sinh viên này, và những biến động ấy lại thường tương quan với số tiền họ phải chi trả cho việc học đại học.
Nấc thang sự nghiệp
Ý kiến phổ biến nhất về mục đích của giáo dục đại học mà sinh viên nói đến là để chuẩn bị bản thân trước khi bước chân vào thị trường lao động. Nhiều sinh viên cho biết, bằng cấp là điều rất cần thiết nếu họ muốn tránh những công việc phổ thông đòi hỏi kỹ năng thấp. Tuy vậy, cũng có nhiều sinh viên cho rằng chỉ bằng Cử nhân là không đủ cho những vị trí đòi hỏi chuyên môn và kỹ năng cao.
Tại đây, chúng ta thấy được sự chuyển dịch trong cái nhìn về giáo dục đại học, khi điều từng là một khoản đầu tư để tiến đến tầng lớp xã hội cao hơn giờ đây được coi là bảo hiểm chống lại sự thoái trào của xã hội.
Một sinh viên tại Anh nói: “Tôi không nghĩ chúng tôi có nhiều lựa chọn. Nếu tôi muốn có một công việc tử tế trong xã hội bây giờ, tôi cần đi học đại học. Bởi nếu tôi không làm thế, sẽ chẳng ai để mắt đến tôi.”
Giữa các quốc gia khác nhau cũng tồn tại những khác biệt. Niềm tin rằng giáo dục đại học đóng vai trò như một sự chuẩn bị cần thiết cho thị trường lao động được ghi nhận mạnh mẽ nhất tại ba trong tổng sáu quốc gia mà chúng tôi khảo sát, đều là nơi sinh viên cần có những khoản góp tài chính cá nhân rất lớn cho việc đi học: Anh, Ireland và Tây Ban Nha.
Phát triển bản thân
Các sinh viên tham gia nghiên cứu cũng đưa ra góc nhìn về việc phát triển và làm giàu cho bản thân. Câu trả lời này được ghi nhận tại cả 6 quốc gia, trong đó có Anh — nơi nền giáo dục đại học vốn đã thị trường hoá sâu sắc. Tại những đất nước như vậy, nền giáo dục đại học được xây dựng như một thị trường đầy cạnh tranh, nơi sinh viên trả học phí và được bảo hộ bởi luật về quyền lợi của người tiêu dùng, và các chỉ số, các bảng xếp hạng trở thành mục tiêu để các cơ sở giáo dục đại học cạnh tranh lẫn nhau.
“Tôi nhìn nhận bản thân như… một bông hoa nở rộ qua quá trình học đại học. Và lý do tôi sử dụng những màu khác nhau ở những cánh hoa khác nhau, là bởi tôi nghĩ rằng… tôi không chỉ học được những kiến thức về điều dưỡng, mà còn học được về chính mình trong khi học những kỹ năng xã hội.” (Một sinh viên Đan Mạch)
“Tôi đã làm một ngôi nhà. Tôi nghĩ nó khá lý tưởng, ngôi nhà ấy. Chúng được làm với tỷ lệ hoàn hảo, nhìn giống trong phim hoạt hình, tôi nghĩ những phần khác nhau của ngôi nhà khá lớn đại diện cho cách tôi nhìn nhận bản thân như một cá thể độc lập, một người trẻ trưởng thành bước vào cuộc sống độc lập của riêng mình, một người có lý tưởng rõ ràng về ý nghĩa của sự trưởng thành và ý nghĩa của việc sống một mình.” (Một sinh viên Anh)
Nhiều sinh viên nhấn mạnh cách họ đang “trưởng thành” qua những kiến thức họ nhận được. Một số sinh viên khác lại đặt sức nặng trong những khía cạnh của việc học tập “mở” mà họ đang trải nghiệm từ khi theo đuổi bằng đại học. Những trải nghiệm ấy bao gồm cả việc được tiếp xúc với những nhóm người đa dạng hơn trước, và việc có một cuộc sống độc lập hơn.
Các sinh viên tại Đan Mạch, Đức và Ba Lan nói nhiều về kiểu phát triển này — điều chủ yếu diễn ra ngoài lớp học — hơn các sinh viên từ các nước còn lại. Đáng chú ý, tại các quốc gia này, sinh viên cần phải đóng góp về mặt tài chính ít hơn vào việc chi trả cho tấm bằng đại học. Khi mục đích này được đề cập bởi các sinh viên Anh, chúng thường đi liền với trải nghiệm về cuộc sống độc lập.
Đóng góp cho phát triển xã hội
Sinh viên tại cả 6 quốc gia đều nói về cách mà giáo dục đại học có thể cải thiện xã hội họ đang sống. Ý này được nhắc đến nhiều nhất bởi các sinh viên từ Đan Mạch, Đức và Ba Lan – nơi sinh viên nhận được sự hỗ trợ tốt hơn từ chính phủ để giảm bớt gánh nặng tài chính cá nhân đối với việc học đại học.
Các sinh viên thường nói về sự đóng góp của họ tới xã hội bằng việc học đại học qua ba cách: đóng góp vào một xã hội tươi sáng hơn, tạo ra một xã hội công bằng và sâu sắc hơn, và giúp đất nước của họ trở nên cạnh tranh hơn trên trường quốc tế.
Một sinh viên Ba Lan nói: “[Giáo dục đại học rất quan trọng cho việc] tạo ra một xã hội có tính trách nhiệm và công bằng cao hơn… Một xã hội không mù quáng bước đi theo đường mòn được chỉ.”
Một sinh viên Đan Mạch cũng đề cập: “Chúng tôi là một đất nước nhỏ bé, chúng tôi cần phải làm tốt… Chúng tôi cần phải làm tốt hơn nữa, bởi thế giới này có rất quá nhiều người… chúng tôi cần làm việc chăm chỉ hơn nữa để cạnh tranh với họ.”
Chỉ có sinh viên Đan Mạch và sinh viên Ireland nói về khả năng cạnh tranh quốc gia theo cách này. Điều này có thể lý giải bởi những yếu tố đặc thù về địa chính trị và kinh tế, cụ thể là cả hai quốc gia đều có kích thước nhỏ khi so sánh với những người hàng xóm cùng châu lục, cả về diện tích và cấu trúc thị trường lao động của họ.
——————————
Sẽ không bất ngờ khi chúng ta thấy rằng, rất nhiều sinh viên ở khắp châu Âu tin rằng mục tiêu then chốt của việc học đại học là để trang bị những kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết cho việc bước chân vào thị trường lao động, bởi đây cũng chính là thông điệp phổ biến được tuyên truyền bởi chính phủ các nước.
Song, nghiên cứu trên cũng cho thấy rằng sinh viên có những góc nhìn rộng hơn rất nhiều. Họ nhìn nhận giá trị của việc học đại học ở việc quảng bá những tương tác dân chủ cấp thiết, với những đích đến mang tính tập thể nhiều hơn tính cá nhân.
Sự khác biệt giữa các quốc gia mà chúng ta đã phân tích cũng là dấu hiệu của sự khác biệt nguồn lực đang tồn đọng xuyên suốt châu lục, điều có thể ảnh hưởng đến cách hiểu của các sinh viên về giáo dục đại học.
Dịch từ LSE Blog
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.