Trong khoảng 5-6 năm trở lại đây, tôi thường xuyên dùng dịch vụ biên tập (proofread) của một nhóm các thủ thư người bản ngữ các nước nói tiếng Anh (như Anh, Úc, New Zealand) để giúp soát lỗi, hoàn thiện các bản thảo khoa học của mình trước khi gửi đến các tạp chí quốc tế.
Trong nhiều trường hợp, các thủ thư này còn giúp tôi kiểm tra một số kỹ thuật tính toán, phân tích dữ liệu hoặc các vấn đề mang tính lý thuyết.
Vì dịch vụ này uy tín nên tôi cũng thường xuyên giới thiệu cho các đồng nghiệp có bài báo khoa học cần biên tập. Nhiều đồng nghiệp đã rất ngạc nhiên khi biết nghề chính của bên cung cấp dịch vụ là các thủ thư.
Việc ngạc nhiên này là dễ hiểu, bởi trong suy nghĩ chung của người Việt, thủ thư thường được xem là một công việc hành chính, gắn liền với hình ảnh hoặc là đang đi xếp sách vào đúng chỗ trên giá, hoặc là đang đứng ở quầy làm thủ tục cho bạn đọc mượn sách. Mặc dù vậy, ở các nước phương Tây, hai hình ảnh trên đều chỉ còn có ý nghĩa lịch sử bởi đơn giản, trong bối cảnh chuyển đổi số, các công việc như xếp sách lên giá hay cho bạn đọc mượn sách nhìn chung đã được tự động hóa, không cần sự tham gia của con người.
Trong bối cảnh đó, công việc thủ thư ở thư viện các nước phát triển, đặc biệt là thủ thư ở các trường đại học đã có nhiều thay đổi về mặt bản chất.
Về mặt truyền thống, vai trò quan trọng nhất của thủ thư có tính chất “tĩnh”, chủ yếu tập trung là lưu giữ và quản lý sách, tài liệu chuyên môn. Trong bối cảnh hiện đại, vai trò của thủ thư trở nên “động” hơn, tập trung vào việc hỗ trợ quá trình luân chuyển thông tin, tri thức một cách hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn từ phía các nhà xuất bản, các tạp chí, các tác giả đến phía bạn đọc bao gồm học sinh, sinh viên, giảng viên, giáo viên, nhà khoa học…
Người thủ thư truyền thống có thể chỉ cần trình độ trung bình (đại học) thì trong bối cảnh hiện nay, người thủ thư cần có trình độ cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ). Trong nhiều trường hợp, người ta không gọi là thủ thư thông thường nữa, mà là thủ thư học thuật (academic librarian).
Thậm chí, có nhiều thủ thư vốn là giảng viên, nhà khoa học, nhưng sau họ không còn yêu thích công việc nghiên cứu, giảng dạy nữa, mà chuyển sang một công việc tương tự là thủ thư. Với công việc mới, người thủ thư thực tế vẫn dùng các kỹ năng vốn có của giảng viên trước đây (nghiên cứu, giảng dạy) để làm việc hàng ngày. Họ sẽ phải nghiên cứu để tham mưu cho lãnh đạo mua các đầu sách, tạp chí phù hợp cho đối tượng độc giả của họ, họ cũng sẽ phải hướng dẫn, đào tạo bạn đọc các kiến thức, kỹ năng liên quan đến học thuật như khai thác, đánh giá các nguồn tài liệu, sử dụng các phần mềm chuyên dụng, nâng cao kỹ năng viết học thuật.
Nhiều thư viện thậm chí còn mở hẳn các trung tâm đào tạo, dịch vụ để tập trung vào các hoạt động chuyên môn này. Vì vậy, không có gì lạ khi có nhiều thủ thư học thuật trên thế giới hiện làm thêm nghề biên tập bài báo khoa học như nhóm các thủ thư vẫn đang hỗ trợ chúng tôi trong những năm vừa qua.
Tại Việt Nam, nhìn nhận của xã hội về nghề thủ thư nói riêng và thư viện nói chung vẫn còn khá truyền thống, như đã phân tích ở trên. Mặc dù vậy, qua quan sát cá nhân tôi thấy gần đây cũng đã có khá nhiều biến chuyển tích cực. Luật thư viên mới được Quốc hội thông qua năm 2019 đã tạo dựng được một hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho thư viện các cấp, các loại hình theo hướng lưu trữ, bảo quản, và thúc đẩy các dòng lưu chuyển thông tin và tri thức hơn là chỉ là nơi lưu trữ và quản lý sách, báo như trước kia.
Điểm đầu vào tại các chương trình đào tạo đại học về thư viện tại các cơ sở giáo dục đại học như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ở cả Hà Nội và TPHCM) hay Trường Đại học Văn hóa có xu hướng tăng cao trong vài năm gần đây. Các chương trình đào tạo về thư viện học tại các cơ sở giáo dục đại học cũng có những điều chỉnh theo hướng đưa nhiều hơn các môn về công nghệ, về quản lý và xử lý thông tin.
Từ góc độ xã hội hóa, nhiều thư viện tư nhân có mô hình hoạt động hiện đại, ví dụ như thư viện Khoa học và Giáo dục mở OESR tại Trường Đại học Thành Đô nơi tôi đang công tác (mở hoàn toàn cho đại chúng có thể truy cập), cũng góp phần làm xã hội nhìn nhận khác hơn về thư viện.
Còn rất nhiều việc phải làm, nhưng tôi tin là ngành thư viện của Việt Nam đang đi đúng hướng và thúc đẩy sự đổi mới nghề thủ thư cũng như góc nhìn của xã hội về nghề này.
Đăng lại từ Dân trí
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 1 / 5. Số đánh giá: 2
Chưa có đánh giá.