Nhà nghiên cứu học được gì từ xưởng mộc

Cách đây 5 năm, khi hoàn thành xong luận án tiến sĩ, về nước và bắt đầu gây dựng nhóm nghiên cứu cho riêng mình, tôi có cơ duyên đến thăm một xưởng mộc của một anh bạn. Tại đây, tôi chú ý đến một dãy tượng khá “lạ” đặt trang trọng trên giá ngay lối vào.

Gọi là “lạ” bởi vì dường như tất cả các bức tượng này đều hơi bị lỗi. Tượng Phật Di Lặc thì có vẻ hơi gầy, tượng Quan Công thay vì nghiêm trang lại hình như đang cười mỉm, tượng 3 ông Phúc – Lộc – Thọ như có kích cỡ không đều nhau …. Thấy lạ, tôi mới hỏi anh chủ xưởng mộc thì được biết đây đều là những bức tượng bị lỗi do anh và các cộng sự, học viên trong xưởng làm. Tuy bị lỗi, nhưng anh quyết định cho hoàn thành và để các sản phẩm lỗi này ở ngay lối vào sao cho hàng ngày, khi đi qua đi lại, các thành viên của xưởng đều thấy để khỏi quên các lỗi mình đã mắc: Có những lỗi phát sinh ngay từ đầu, có những lỗi lại được phát hiện ra trong quá trình tạc tượng, có những lỗi vì chọn sai loại gỗ, có những lỗi lại do vấn đề kỹ thuật của người tạc…

Cuộc gặp với anh chủ xưởng mộc là một cơ duyên giúp tôi thay đổi nhận thức và cách làm việc khi xây dựng nhóm nghiên cứu của mình khi đó. Cụ thể, cũng như nhiều người được học tiến sĩ ở nước ngoài, tôi khi đó có tâm lí và quan điểm về xuất bản khoa học không làm thì thôi, đã làm phải định hướng các tạp chí thật tốt, thật đỉnh cao, đăng ở tạp chí hàng đầu, không được top 5, top 10 thì cũng phải Q1, hoặc cùng lắm Q2 (trong khoa học, người ta phân loại các tạp chí thành 4 Q, từ Q1 đến Q4, trong đó s|ố càng nhỏ thì tạp chí càng tốt).

Hình minh hoạ: Hand Crafted via flickr | CC BY-NC-ND 2.0 DEED

Tâm lí như vậy thực ra cũng là dễ hiểu, bởi khi ở nước ngoài, tôi và nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam khác thường được làm việc với các giáo sư và đồng nghiệp hàng đầu, chưa kể điều kiện hỗ trợ, tài trợ cho nghiên cứu dồi dào. Hướng đến các nghiên cứu đỉnh cao, nghiên cứu tốt là chuyện hiển nhiên.

Nhưng khi về Việt Nam thì tình hình lại hoàn toàn khác, cùng nhóm nghiên cứu với tôi chỉ là các bạn sinh viên hoặc sinh viên mới ra trường hầu như chưa có kỹ năng nghiên cứu, kể cả là các kỹ năng cơ bản nhất như tìm kiếm tài liệu hay trích dẫn sao cho đúng. Một vài đồng nghiệp khác hầu hết cũng chỉ là các giảng viên trẻ kinh nghiệm xuất bản khoa học hầu như chưa có gì. Còn về các nguồn lực hỗ trợ thì khỏi phải nói, đương nhiên là không có nhiều, kể cả những thứ căn bản nhất như phần mềm phân tích dữ liệu có bản quyền, phần mềm kiểm tra đạo văn hay thư viện điện tử truy cập vào các tạp chí quốc tế. 

Tôi nhớ đến câu chuyện ở xưởng mộc nhân gần đây xuất hiện một số tranh luận như “xào xáo” kết quả nghiên cứu để có được nhiều công bố có phải là vi phạm đạo đức khoa học hay tranh luận về việc nghiên cứu khoa học nên chăng chỉ đăng ở các tạp chí hàng đầu (Q1)?

Bài học từ xưởng mộc là sản phẩm lỗi thì tất nhiên không được đưa ra thị trường, nhưng quan trọng hơn không vì lỗi mà giấu đi, ngược lại cần có thái độ công khai những sai sót của mình để rèn luyện đội ngũ luôn có ý thức kiểm tra chất lượng sản phẩm và tất cả đều minh bạch, từ đó giúp tổ chức và mỗi cá nhân đi đến chất lượng cao hơn. 

Sau cuộc gặp gỡ tại xưởng mộc, tôi thay đổi định hướng xuất bản của nhóm theo hướng đã mở ra là phải cố gắng hoàn thành báo cáo, bản thảo, rồi từ đó gửi đi đăng ở bất kỳ tạp chí nào cũng được, không nhất thiết phải là Q1, Q2, mà Q3, Q4 cũng không sao, miễn là tạp chí có quy trình phản biện nghiêm túc, tài liệu do chúng tôi thực sự viết, dữ liệu thực sự thu thập và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của nghiên cứu, tuyệt đối không gian lận.

Tôi nói với các cộng sự rằng nếu không đăng được ở các tạp chí quốc tế thì tìm cách đăng ở các nguồn xuất bản khác như hội thảo, chương sách hoặc tạp chí trong nước cũng rất tốt. Quan trọng nhất là các đầu việc đều được hoàn thành, và nếu bài viết chưa tốt thì sẽ chỉ đăng được ở các tạp chí thứ hạng thấp, hoặc ở các dạng ấn phẩm khác như blog, preprint (ấn phẩm tiền xuất bản – một dạng lưu trữ đối với tài liệu của giới nghiên cứu). Với mỗi bài viết, chúng tôi đều trân trọng, không chỉ ở việc nó hoàn thành, được công bố mà còn ở các hạn chế, các “lỗi” mà bài viết đó có, cần rút kinh nghiệm cho lần sau.

Bằng cách tiếp cận như vậy, tôi vẫn có thể “đẩy” các cộng sự trẻ của tôi, những người vốn chưa có nhiều kinh nghiệm và được học bài bản về nghiên cứu trước đó, từng bước đi sâu vào thế giới khoa học, ban đầu chỉ là bài hội thảo, bài đăng ở tạp chí trong nước, rồi vào tới Q4, Q3… cứ thế tăng dần lên. Những kết quả nghiên cứu có thể là chưa tốt, thậm chí là không đáng quan tâm với nhiều người nhưng đem lại sự tự tin ban đầu, trở thành những hành trang, những trải nghiệm và làm dày hơn hồ sơ khoa học để các cộng sự đó hoàn thành được luận văn, luận án tiến sĩ, xin được học bổng đi du học ….

Về phía cá nhân, nhờ vậy, tôi cũng gây dựng được nhóm nghiên cứu của mình, có được một số nghiên cứu tạm gọi là tốt hơn (thuộc tạp chí Q1) mà tôi cũng không chắc là nếu trước đây, nếu tôi giữ quan điểm chỉ nhằm vào các tạp chí này (mà bỏ qua các tạp chí hạng dưới) thì liệu có đạt được không.

Cách tiếp cận trên của tôi nhận được sự đồng thuận của nhiều đồng nghiệp khác. Chúng tôi tâm đắc với cách nhìn nhận của một GS người Việt ở Mỹ, rằng nếu coi các nghiên cứu đỉnh cao là cái cây cao 10m, các nghiên cứu tốt là cái cây 7,5m thì các cây này không thể mọc trơ trọi giữa một mảnh đất. Xung quanh đó phải là nhiều cây 5m, rất nhiều cây 2m và rất nhiều cây dưới 1m. Tất cả các cây đó, đặt cạnh nhau sẽ tạo thành một cánh rừng. Và bản thân từng nhà khoa học – cũng như từng cái cây, giả sử đang ở độ cao 5m, muốn vươn lên độ cao 7,5m thì cũng cần sự hỗ trợ của cây 10m; đồng thời cũng phải giúp được những cây dưới 1m vươn lên thành 2m và từ 2m vươn lên thành 5m.   

Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có những người phản đối cách tiếp cận của chúng tôi khi giữ quan điểm, đã không nghiên cứu thì thôi, đã nghiên cứu là phải đạt đỉnh cao, chứ không có nghiên cứu ra kết quả làng nhàng. Hai luồng ý kiến đối lập nhau này thậm chí đã trở thành chủ đề cho những cuộc tranh luận nảy lửa trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội và truyền thông, không chỉ tại Việt Nam và trên toàn thế giới (từ Tạp chí khoa học như Nature, Science, đến báo phổ thông như Times Higher Education hay mạng xã hội như Quora…) trong những năm qua, mà cho đến tận hôm nay vẫn chưa có hồi dứt như tôi đã nêu ở trên.

Mới đây, gặp lại anh chủ xưởng mộc, tôi cũng đem câu chuyện tranh luận này ra kể. Tôi hỏi anh trong nghề mộc, liệu có hiện tượng tồn tại song song 2 cách tiếp cận, một là làm nhiều, làm liên tục như anh, ra sản phẩm chất lượng không cao cũng không sao, cứ làm liên tục đi, kết quả tốt sẽ đến; và hai là, làm ít, nhưng đã làm là phải thật tinh xảo, thật đẳng cấp. Anh trả lời là “Có”. Nhưng đồng thời anh cũng mắng tôi “các bạn rắc rối quá, ai thích làm theo cách nào thì cứ kiên trì làm theo cách mình cho là đúng, sao cứ phải soi xét người kia làm như thế nào?”

Lời mắng của anh bạn chủ xưởng mộc, lại một lần nữa làm thức tỉnh bản thân tôi. Tôi phát hiện ra bấy lâu nay, dường như mình hơi mất quá nhiều thời gian để lo lắng cho việc thực ra không phải của mình. Tôi nhận ra rằng, để hành nghề chuyên nghiệp, giới nghiên cứu vẫn phải học nhiều từ giới làm mộc nói riêng và tầng lớp lao động nói chung nhiều lắm.

Tác giả: TS Phạm Hiệp là nhà nghiên cứu giáo dục đại học và chính sách khoa học. Năm 2022, ông nhận giải thưởng thường niên dành cho nhà khoa học xuất sắc của Hiệp hội Giáo dục so sánh và quốc tế – Mạng lưới Du học và Sinh viên Quốc tế (Comparative and International Education Society – The Study Abroad and International Student).

Theo Báo Dân Trí

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 1

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh