Nhật Bản khuyến khích các trường đại học trong nước mở chi nhánh của mình ở nước ngoài

Ảnh: Patreon page just launched | CC BY-NC-ND 4.0

Quốc tế hóa là một trong những xu hướng quan trọng của giáo dục đại học hiện tại. Quốc tế hóa không chỉ là việc tăng cường hợp tác, trao đổi sinh viên và giảng viên giữa các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới, mà còn là việc mở rộng phạm vi hoạt động của các trường đại học ra ngoài biên giới quốc gia. Một trong số đó là xu hướng mở các trường đại học chi nhánh quốc tế (international branch campuses – IBCs).

IBCs là các cơ sở giáo dục đại học được thành lập bởi một trường đại học ở nước ngoài và hoạt động dưới sự quản lý của trường đó. Sinh viên theo học sẽ được cấp bằng hoặc chứng chỉ có giá trị tương đương với bằng hoặc chứng chỉ của trường “mẹ”. Theo cập nhất mới nhất của C-Bert (Nhóm Nghiên cứu Giáo dục Xuyên Biên giới) vào tháng 3/2023, có tổng cộng 333 IBCs trên toàn thế giới, gấp đôi so với hai thập kỷ trước, với khoảng 225.000 sinh viên theo học. 

Các IBCs mang lại nhiều lợi ích cho cả nước sở tại (home country) và nước chủ nhà (host country). các IBCs có thể giúp thu hút sinh viên đến chính đại học mẹ, đa dạng hóa thành phần sinh viên, gia tăng tên tuổi và uy tín của trường đại học mẹ. Còn với các nước chủ nhà, các IBCs bù vào khoảng trống giữa nhu cầu học đại học ngày càng tăng của sinh viên và sức chứa của hệ thống đại học truyền thống, cũng như mang lại trải nghiệm quốc tế cho sinh viên. De Wit & Altbach (2021) lập luận rằng các lý do về tài chính cũng đóng vai trò quan trọng cho xu thế này, và một số nhỏ quốc gia còn dùng IBCs để gia tăng “quyền lực mềm”, gia tăng ảnh hưởng quốc tế.

Ảnh: HGi Magazine – Global Finance | CC BY-NC 4.0

Xu hướng hiện tại cho thấy các trường “xuất khẩu” các cơ sở chi nhánh chủ yếu là các nước nói tiếng Anh như Mỹ, Anh, Úc, Canada… Các cơ sở từ các khu vực này chiếm 86% số lượng IBCs trên thế giới. Trong khi đó, các nước châu Á lại “nhập khẩu” các IBCs mạnh mẽ, chiếm 55% số lượng nước chủ nhà của các IBCs. Trong số này, các nước Trung Đông như Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Qatar, Oman… là những điểm đến phổ biến. Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây đã vượt qua UAE để trở thành quốc gia tiếp nhận nhiều chi nhánh đại học quốc tế nhất (De Wit & Altbach, 2021).

Nhật Bản, vốn là quốc gia Châu Á có giáo dục đại học phát triển trong khu vực, với nhiều cơ sở được xếp thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng phổ biến như QS World University Rankings hay Times Higher Education World University Rankings, lại có những bước chậm trễ trong việc bắt kịp các xu hướng quốc tế hóa này. Những nỗ lực quốc tế hóa được Nhật Bản tiến hành từ những năm 80 thế kỷ trước. Cho đến nay, có rất nhiều chính sách quan trọng góp phần thay đổi giáo dục đại học, như dự án Top Global University (TGU), chương trình 300.000 du học sinh, hay chương trình Global 30.

Tuy nhiên, Nhật Bản đóng góp rất ít vào số lượng các chi nhánh đại học trên toàn thế giới. Theo báo cáo của C-Bert, Nhật Bản chỉ có sáu chi nhánh đại học ở nước ngoài, chủ yếu là từ các cơ sở tư lập, nhỏ lẻ. 

Trong bối cảnh này, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) đang khuyến khích các trường đại học mở các cơ sở chi nhánh tại nước ngoài, và có kế hoạch hỗ trợ tài chính cho các trường góp phần hoàn thành mục tiêu trên. Đây được coi là nỗ lực đầu tiên mang cấp độ quốc gia, thể hiện quyết tâm của chính phủ Nhật Bản trong quá trình tham gia sâu hơn vào quá trình quốc tế hóa trong giáo dục đại học. Chính sách của chính phủ Nhật Bản ý nghĩa quan trọng đặc biệt khi Nhật Bản đang chuẩn bị đối phó với tác động của sự suy giảm dân số, với dự báo số sinh viên sẽ giảm 140.000 người vào giữa thế kỷ này, theo số liệu được MEXT công bố vào tháng 7.

Chính vì thế, vào tháng 4 năm 2023, Đại học Tsukuba, thành viên của dự án TGU, đã triển khai dự án mở trường đại học chi nhánh ở nước ngoài đầu tiên của Nhật Bản tại Malaysia. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc quốc tế hóa giáo dục đại học của Nhật Bản, cũng như trong việc tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản và các nước khác. Chi nhánh được kỳ vọng sẽ “xuất khẩu” giáo dục đại học của Nhật Bản ra quốc tế, đặc biệt đến các nước đang phát triển, tạo ra môi trường học tập Nhật Bản nhằm thu hút thêm nhiều sinh viên tiếp tục đến Nhật sau khi theo học tại các chi nhánh, cũng như thúc đẩy việc sinh viên Nhật Bản học tập tại nước ngoài ở các chi nhánh sẽ mở trong tương lai. 

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, mục tiêu này sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi Nhật Bản không mang lợi thế về ngôn ngữ như các nước nói tiếng Anh, cũng như vẫn còn tồn tại các trở ngại về tài chính, cơ sở vật chất, và nhân lực. 

Tài liệu tham khảo

Cross-Border Education Research Team (2023) C-BERT International Campus Listing. [Data originally collected by Kevin Kinser and Jason E. Lane]. Available: Oxford, OH: Author.

De Wit, H., & Altbach, P. G. (2021). Internationalization in higher education: Global trends and recommendations for its future. Policy Reviews in Higher Education, 5(1), 28–46.

Lem, P. (2023, September 8). Tokyo is keen on overseas university branch campuses for Japan. Times Higher Education (THE).  

OBHE. (2016). International Branch Campuses – Trends and Developments 2016. Observatory of Borderless Higher Education.  

University of Tsukuba. (2023). University of Tsukuba to establish a branch campus in Malaysia.  

文部科学省ホームページ. (n.d). 中央教育審議会大学分科会(第174回)会議資料:文部科学省.  

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số đánh giá: 1

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh