Khi nói về “biết” trong nghiên cứu, chúng ta cần làm rõ các mức độ hiểu biết khác nhau. Có thể phân thành hai mức độ sau:
- Biết từ A-Z: Là khi nghiên cứu sinh (NCS) có khả năng tự mình thiết kế nghiên cứu, thu thập dữ liệu, chạy phân tích, và diễn giải kết quả từ đầu đến cuối.
- Biết từ A đến O (hoặc M, N, P, Q…): Là khi NCS chỉ nắm vững một phần của quy trình nghiên cứu. Họ cần sự hỗ trợ từ người khác (giáo viên, bạn học,…) để hoàn thành nghiên cứu, nhưng vẫn có thể đọc và hiểu cơ bản các bài báo sử dụng phương pháp đó.
Vậy, NCS cần biết bao nhiêu phương pháp nghiên cứu? Theo quan điểm của tôi:
- Biết từ A-Z: NCS cần biết ít nhất một phương pháp (tối thiểu). Đó cũng chính là phương pháp mà NCS sử dụng trong luận án của mình. Tất nhiên, nếu trong luận án, NCS dùng hai phương pháp thì con số trên trở thành hai tương ứng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khái niệm biết từ A-Z cũng không ngừng biến đổi. Bản thân từng phương pháp cũng có những biến đổi liên tục, cái gọi là A-Z của hôm nay, có thể trong tương lai lại trở thành từ A-R vì các nhà nghiên cứu về phương pháp họ cũng cải tiến phương pháp liên tục. Vì vậy, A-Z ở đây cũng phụ thuộc vào nơi mà NCS học hoặc Journal mà NCS định submit bài vào. Gần đây tôi tham gia một số Hội đồng Luận án Tiến sĩ sử dụng phương pháp SEM. Khi tôi đề xuất sử dụng kết hợp thang đo Likert 5 và 7 giữa các tiểu thang đo, nhiều người đã rất ngạc nhiên. Thậm chí, tôi còn nghe được ý kiến cho rằng ai làm như vậy còn bị chê! Trong khi nếu cập nhật, nhiều tạp chí khoa học quốc tế hiện nay sẵn sàng reject nếu tác giả không kết hợp thang đo Likert với mục đích thu được kết quả khách quan.
- Biết từ A-O (hoặc M, N, P, Q…): NCS cần biết ít nhất hai phương pháp khác ngoài phương pháp đã biết từ A-Z. Tức là ngoài phương pháp đã biết từ A-Z thì NCS cần biết thêm tối thiểu hai phương pháp khác ở mức độ đọc hiểu được. Tại sao? NCS cần hiểu rằng một câu hỏi nghiên cứu có thể được xử lý bằng nhiều phương pháp khác nhau. Phương pháp mà NCS dùng trong luận án có thể chỉ là một phương pháp thôi, và NCS cũng cần ý thức rằng một nghiên cứu khác với câu hỏi nghiên cứu tương tự có thể sử dụng phương pháp khác, cách thiết kế nghiên cứu khác để xử lý. Mỗi phương pháp lại có ưu nhược điểm khác nhau. NCS cần ý thức được ưu nhược điểm của phương pháp mình định dùng trong luận án của mình so với các ưu nhược điểm của phương pháp khác. Bên cạnh đó, sẽ có những phương pháp chẳng liên quan nhưng chủ đề nghiên cứu cũng sẽ vẫn có điểm chung với luận án của NCS. Nếu NCS không biết một chút nào về các phương pháp khác, tự nhiên sẽ dẫn đến hạn chế trong việc đọc tài liệu tham khảo. Vì vậy, việc biết nhiều hơn mỗi một phương pháp mình định dùng trong luận án sẽ giúp NCS mở rộng phạm vi tài liệu mà NCS sẽ đọc trong quá trình làm luận án, giúp NCS hiểu biết sâu hơn, rộng hơn, và chắc chắn hơn về luận án của mình.
Hiện nay, nhiều trường đại học đã chú trọng dạy các phương pháp nghiên cứu trong các khóa học chuyên đề dành cho tiến sĩ. Đây là một điều tích cực. Bên cạnh đó, các cộng đồng học thuật như Research Coach In Social Sciences và nhiều nền tảng học trực tuyến như Coursera cũng cung cấp nhiều khóa học về phương pháp nghiên cứu. Điều này giúp NCS có thêm nguồn tài liệu và cơ hội để nâng cao hiểu biết của mình.
Việc biết nhiều phương pháp nghiên cứu không chỉ giúp NCS mở rộng phạm vi tài liệu tham khảo mà còn giúp họ có cái nhìn đa chiều hơn về các câu hỏi nghiên cứu, từ đó nâng cao chất lượng và độ tin cậy của luận án.
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 1
Chưa có đánh giá.