Những báo cáo mới nhất cho thấy: Trí tuệ nhân tạo (AI) là “chuẩn mực mới” mà các trường Đại học cần dựa vào đó để cải thiện những chính sách tuyên truyền thông tin của mình.
“Việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) ngày một phổ biến trong giáo dục đại học có thể khiến sinh viên phải đặt câu hỏi về chất lượng và giá trị của những tri thức họ được tiếp nhận.” – Một nghiên cứu về chủ đề này đã lên tiếng cảnh báo.
Theo báo cáo khảo sát sinh viên về AI toàn cầu của Hội đồng Giáo dục Số (DEC) năm 2024 với hơn 3800 sinh viên đến từ 16 quốc gia khác nhau trên thế giới, có đến hơn một nửa (55%) tin rằng sự lạm dụng AI trong hoạt động giảng dạy đã làm mất đi ý nghĩa của “giáo dục”, và 52% cho rằng hiện tượng này cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập của họ. Khảo sát cũng chỉ ra rằng những lớp học được lập ra và đứng lớp bởi AI cũng nhận được cái nhìn kém tích cực hơn của sinh viên, khi chỉ 18% những người trả lời khảo sát cho rằng những lớp này có giá trị hơn mô hình lớp học truyền thống.
Báo cáo này chỉ ra: “Sinh viên không muốn trở nên quá phụ thuộc vào AI, và họ cũng không muốn các giáo sư của mình phụ thuộc vào nó. Hầu hết sinh viên đều muốn AI được đưa vào chương trình giảng dạy, nhưng cũng nhận thức được những nguy cơ khi quá phụ thuộc vào nó.”
Dù vậy, số lượng sinh viên thừa nhận sử dụng công nghệ này vẫn là con số lớn. Khoảng 86% sinh viên được khảo sát cho biết họ “thường xuyên” sử dụng các nền tảng như ChatGPT trong quá trình học của mình, 54% cho biết họ sử dụng những công cụ này hàng tuần, và 24% sử dụng để viết bản thảo đầu tiên của các bài luận được giao. Danny Bielik, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Số (DEC), tin rằng con số này sẽ tiếp tục tăng lên không ngừng trong tương lai.
Ông cho biết, nhiều sinh viên lo lắng khi thừa nhận đã sử dụng AI trong bài luận của mình, do cái nhìn thiếu tích cực từ cộng đồng xung quanh cũng như việc họ thiếu chắc chắn về khả năng AI được trường đại học chấp nhận khi theo khảo sát, 86% sinh viên nói rằng họ không hoàn toàn biết rõ các chính sách về AI của trường đại học mà mình đang theo học. Đồng thời ông Bielik cũng khẳng định, sinh viên đang nhận được quá nhiều luồng thông tin mâu thuẫn với nhau, qua đó nhấn mạnh sự cấp thiết của việc truyền đạt thông tin hiệu quả giữa các đối tượng là sinh viên, nhân sự và hệ sinh thái rộng lớn nói chung của trường đại học.
“Sự truyền đạt thông tin này thường chỉ diễn ra ở cấp độ các giảng viên. Bởi vậy, sinh viên có thể rơi vào tình trạng mà họ học lớp của giảng viên này, được nghe về những gì nên làm và không nên làm liên quan đến các công cụ AI, sau đó khi học lớp của Khoa khác lại nghe được những điều hoàn toàn trái ngược.” Ông Bielik chỉ ra.
Báo cáo cũng được đưa ra trong bối cảnh các trường đại học đều đẩy mạnh nỗ lực “quét” AI trong các bài luận của sinh viên, khi “AI soạn thảo” ngày càng trở nên phổ biến. Turnitin tuyên bố 11% trong 200 triệu bài luận mà họ nhận được có tỷ lệ viết bởi AI từ 20% trở lên; một nghiên cứu khác cũng cho biết các đáp án trong bài kiểm tra do AI soạn thảo mà các công cụ không thể “quét” ra cũng đạt được điểm số cao hơn so với đáp án của sinh viên bình thường. Cũng trong bản khảo sát, 52% sinh viên tham gia cho biết họ cảm thấy mình thiếu kiến thức và kỹ năng về AI, và họ kỳ vọng được đào tạo về công cụ này trong chương trình học của mình. Do vậy, việc đào tạo nhân sự của các trường đại học về AI là một “kỳ vọng cơ bản”, trước khi đưa việc đào tạo công cụ này cho sinh viên vào các chương trình học. Báo cáo cho biết, “Việc ứng dụng và sử dụng AI trong giáo dục đang dần trở thành chuẩn mực mới, và các trường đại học cần phải hành động để đảm bảo họ có những phương pháp và sự chuẩn bị phù hợp để thúc đẩy tích hợp AI vào bộ máy vận hành.”
“Sinh viên cũng bối rối như chúng ta.” Ông Bielik nói. “Truyền đạt thông tin không chỉ là viết ra một loạt chính sách rồi đăng chúng lên website của trường; ta cần nhiều hơn thế.”
Dịch từ Times Higher Education
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.