Số lượng tiến sĩ Nhật Bản giảm 20% trong hai thập kỷ

Dữ liệu từ chính phủ và nhiều nguồn khác cho thấy số học viên đăng ký theo học các chương trình tiến sĩ ở Nhật Bản đã giảm hơn 20% trong 20 năm qua, phản ánh tình trạng thiếu cơ hội việc làm hấp dẫn đối với các tiến sĩ.

Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) và các nguồn khác, trong năm tài chính 2022, có 14.382 học viên đăng ký theo học các chương trình tiến sĩ trên khắp Nhật Bản, giảm 21% so với mức đỉnh điểm là 18.232 trong năm tài chính 2003.

Việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tiến sĩ đặt ra thách thức cho Nhật Bản khi quốc gia này đang nỗ lực đảm bảo nguồn lao động lành nghề cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh công nghiệp trong bối cảnh các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh chóng. Vào tháng Một năm nay, chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ áp dụng một chính sách giảm thuế mới để khuyến khích các công ty tuyển dụng nghiên cứu sinh tiến sĩ – một động thái phản ánh một “tình trạng đáng buồn”, theo bình luận của một nhà nghiên cứu trong phỏng vấn với Times Higher Education .

Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia Nhật Bản báo cáo rằng, trong số các nền kinh tế lớn, Nhật Bản chỉ có 123 người có bằng tiến sĩ mới trên 1 triệu người trong năm tài chính 2020, thấp hơn nhiều so với con số 315 của Đức, 313 của Vương quốc Anh và 285 theo dữ liệu năm tài chính 2019 của Hoa Kỳ. Số lượng tiến sĩ ở Nhật Bản đạt tổng cộng 25.386 vào năm ngoái, trong khi ở Hoa Kỳ, con số này cao gấp 8 lần, lên tới 201.750 vào năm 2021.

Sự sụt giảm dần dần số lượng tiến sĩ diễn ra ngay cả khi Tokyo đang tìm cách đào tạo thêm nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực quan trọng, bằng việc tung ra quỹ tài trợ trị giá 10 nghìn tỷ Yên, được thiết lập để tạo ra “các trường đại học nghiên cứu quốc tế xuất sắc”.

Akiyoshi Yonezawa, phó giám đốc văn phòng chiến lược quốc tế tại Đại học Tohoku, cho biết hiện tượng suy giảm số lượng tiến sĩ “đi ngược lại” với các sáng kiến của chính phủ Nhật Bản trong chính sách khoa học, công nghệ và giáo dục đại học trong hai đến ba thập kỷ qua.

Ảnh: Viện nghiên cứu quốc tế về khoa học thiên tai, Đại học Tohoku | Wikimedia Commons

Tỷ lệ sinh giảm là một yếu tố khiến Nhật Bản gặp khó khăn trong việc đào tạo thêm tiến sĩ. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra một số yếu tố văn hóa đằng sau sự suy giảm này, từ việc các công ty Nhật Bản thích thuê sinh viên tốt nghiệp sớm và đào tạo họ nội bộ, cho đến quan điểm tiêu cực trong xã hội về những người vợ có bằng cấp cao hơn chồng. 

GS. Yonezawa cũng nhận xét rằng ngày càng có ít cơ hội làm việc trong lĩnh vực học thuật, nhất là cơ hội cho các vị trí biên chế. Mặc dù chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp cũng đang cố gắng mở rộng cơ hội cho các nhân lực có bằng tiến sĩ, những nỗ lực này vẫn là chưa đủ để thúc đẩy học viên Nhật Bản theo học tiến sĩ. GS. Yonezawa cho rằng thách thức lớn nhất với các trường đại học và doanh nghiệp Nhật Bản là có các khen thưởng và chế độ đãi ngộ cho những người có bằng tiến sĩ tương đương với tiêu chuẩn thế giới.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng bức tranh tiến sĩ ở Nhật Bản còn nhiều khía cạnh khác. Ttrong 20 năm qua, ngay cả khi số lượng tiến sĩ người Nhật Bản giảm, số lượng tiến sĩ là người nước ngoài theo học tại Nhật Bản vẫn tăng đáng kể, với tỉ lệ nghiên cứu sinh quốc tế tăng từ 19% vào năm 2012 lên 27% vào năm 2022, theo dữ liệu của MEXT.

Ian Wilson, giám đốc Trung tâm Toàn cầu hóa tại Đại học Aizu, một trường đại học công lập địa phương chuyên về lĩnh vực STEM, cho biết, số lượng nghiên cứu sinh ngoại quốc tại trường của ông đã tăng gần gấp đôi so với trước đại dịch. Ông đề xuất: “Có lẽ các trường đại học Nhật Bản cần nhận ra rằng vẫn có nhu cầu về nghiên cứu sinh quốc tế và trọng tâm có thể cần phải thay đổi”.

Giáo sư Yonezawa cũng tin rằng việc xoay trục ra ngoài có thể là cần thiết, mặc dù ông đưa ra một tiếp cận có phần biệt. Theo đó, ông cho rằng “Việc hướng tất cả tiến sĩ vào hệ thống công nghiệp Nhật Bản là không thực tế. Để thúc đẩy các tiến sĩ của mình đến với thị trường nhân tài toàn cầu, các cơ sở giáo dục cần có kết nối quốc tế phong phú với cộng đồng học thuật và chuyên môn toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, việc tuyển dụng giảng viên quốc tế và giảng viên Nhật Bản có hồ sơ nghề nghiệp quốc tế cần được đẩy nhanh.”

Lược dịch từ Times Higher Education

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh