Sự tham gia của các cán bộ giảng viên, cán bộ nghiên cứu vào quản trị trường đại học

Giáo dục Đại học tại Việt Nam đã được đổi mới mạnh mẽ từ năm 2013, ngay sau khi Luật Giáo dục Đại học năm 2012 được ban hành. Từ đó, tự chủ trong công tác quản trị và tổ chức bộ máy đã trở thành xu hướng tất yếu tại các cơ sở giáo dục đại học. Một thành tố quan trọng trong công tác này là sự tham gia của các cán bộ giảng viên và cán bộ nghiên cứu. Trong điều kiện hệ thống Giáo dục Đại học Việt Nam đa dạng các phân loại theo quy mô trường như đại học Quốc gia, đại học Vùng, và loại hình sở hữu như đại học công lập, tư thục và quốc tế, hai tác giả Phạm Thị Thanh Hải và Lê Thị Kim Anh nghiên cứu về mức độ tham gia của các giảng viên, cán bộ nghiên cứu trong các khía cạnh quản trị đồng thời đánh giá mức độ hiệu quả của những hoạt động tham gia này tại các phân loại Đại học khác nhau như nêu trên. Bài báo với tựa đề “Academic staff’s participation in university governance – a move towards autonomy and its practical problems” (tạm dịch: Sự tham gia của các cán bộ giảng viên, cán bộ nghiên cứu vào quản trị trường đại học – một bước tiến tới tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn) được đăng trên tạp chí Studies in Higher Education (Q1 Scopus, CiteScore = 6.8) ngày 28/06/2021.

Nghiên cứu của hai tác tác giả tập trung vào một số khía cạnh của công tác quản trị như: quản trị thể chế, nhân sự, chương trình đào tạo, nghiên cứu và quản lý tài chính. Sử dụng dữ liệu khảo sát  gần 2.000 cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu (bằng phiếu hỏi) tại 17 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thuộc nhiều loại hình khác nhau vào năm 2018, nghiên cứu đã chỉ ra mức độ tham gia của các cán bộ vào công tác quản trị còn thấp. Trong các khía cạnh quản trị nêu trên, các cán bộ này tham gia vào khía cạnh nhân sự và các vấn đề học thuật nhiều hơn là vào khía cạnh tổ chức bộ máy và tài chính. Nghiên cứu cũng góp phần kiểm chứng và tái khẳng định một phân loại về bốn nhóm cán bộ giảng dạy và nghiên cứu tại trường đại học, bao gồm:

  • Nhóm một, nhóm “chức năng” (functional) gồm khoảng 15% cán bộ, có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo trường, và thấy rằng ý kiến tham gia của họ có hiệu quả cao, có tính quyết định trong cả 4 khía cạnh: Tổ chức, nhân sự, học thuật và tài chính.
  • Nhóm hai, nhóm “ảnh hưởng” (influential) gồm khoảng 25% cán bộ, là những nhân tố năng nổ trong công tác quản trị đặc biệt là khía cạnh nhân sự và chương trình đào tạo.
  • Nhóm ba, nhóm “hình thức” (ceremonial) gồm khoảng 40% cán bộ, hợp tác với các chủ trương, hoạt động chung của trường, tham gia mức độ trung bình vào việc đưa ra quyết định.
  • Nhóm cuối cùng, nhóm “lật đổ” (subverted) gồm khoảng 20% cán bộ còn lại, thường có phản ứng tiêu cực và tập trung phê phán một số khía cạnh học thuật ở cấp độ trường thành viên, khoa, viện, bộ môn.

Ngoài ra, tuy hình thức quản trị tại các loại hình cơ sở giáo dục đại học là khác nhau, dữ liệu hiện tại của nghiên cứu chưa thể chỉ ra tại loại hình nào sự tham gia của cán bộ giảng dạy và nghiên cứu là tích cực và có tầm ảnh hưởng hơn.

Bên cạnh những phát hiện nêu trên, bài báo đã cung cấp một bức tranh tương đối tổng quan về tình hình thực hiện tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, những văn bản pháp luật chính điều chỉnh tiến trình này, từ đó cũng nêu một số đề xuất về hành lang pháp lý để việc thực hiện tự chủ tại các trường thuộc các loại hình được tối ưu hóa hơn nữa.  

Chi tiết nghiên cứu: Hai, P. T. T., & Anh, L. T. K. (2021). Academic staff’s participation in university governance – a move towards autonomy and its practical problemsStudies in Higher Education, DOI: 10.1080/03075079.2021.1946031

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh