Chứng chỉ vi mô (micro-credential) gần đây xuất hiện ngày càng nhiều trong các chương trình nghị sự của các bên liên quan đến giáo dục đại học trên toàn thế giới. Ngày càng nhiều trường đại học cung cấp các chứng chỉ vi mô bên cạnh những chương trình cấp bằng chính thức của họ. Các cơ quan lập pháp cũng đã bắt đầu cập nhật hệ thống tuyển sinh quốc gia để công nhận chứng chỉ vi mô. Các tổ chức siêu quốc gia (supranational organization), ví dụ như OECD và Uỷ ban Châu Âu, cũng bắt đầu khám phá những ứng dụng của chứng chỉ vi mô cho hệ thống giáo dục đại học của các quốc gia thành viên.
Mặt khác, những nhà tuyển dụng cũng đã bắt đầu sử dụng chứng chỉ vi mô trong quy trình tuyển dụng của mình. Trong một nghiên cứu gần đây, Coursera, nhà cung cấp chứng chỉ vi mô dẫn đầu thế giới, cùng với hai công ty nghiên cứu thị trường là Repdata và Dynata, đã khảo sát 5000 sinh viên đại học, người vừa tốt nghiệp đại học, những nhà tuyển dụng ở 11 quốc gia. Kết quả cho thấy 72% nhà tuyển dụng có xu hướng tuyển những ứng viên có chứng chỉ nào đó. Tương tự, 90% sinh viên và người vừa tốt nghiệp đồng tình rằng các chứng chỉ vi mô giúp họ nổi bật hơn với những nhà tuyển dụng tiềm năng.
Hàng loạt công ty trên toàn cầu đã bắt đầu tuyển dụng những ứng viên có chứng chỉ vi mô hơn là những người có bằng đại học. Trong một cuộc phỏng vấn với Auto Bild, Elon Musk đã cho rằng “việc có bằng đại học thậm chí là không còn cần thiết” để có thể làm việc tại Tesla, một nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu thế giới. Tương tự, Joanna Daley, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Nhân tài tại IBM trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, cho biết “khoảng 15% nhân viên tại chi nhánh Hoa Kỳ của công ty không có bằng cử nhân.” Và bà cũng nhấn mạnh thêm “bên cạnh việc chỉ tìm kiếm những ứng viên đã tốt nghiệp đại học, IBM hiện tại còn tìm kiếm cả những ứng viên có kinh nghiệm thực tế,” thứ có thể được thể hiện qua những chứng chỉ người đó có được.
Chứng chỉ vi mô là gì?
Vì vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển, nên vẫn chưa có một khái niệm nào về chứng chỉ vi mô đạt được sự đồng ý của tất cả mọi người. Nhằm giải quyết tình trạng này, UNESCO đã tổ chức một hội thảo cho các chuyên gia toàn cầu đạt đến một sự đồng thuận chung về định nghĩa của chứng chỉ vi mô, được báo cáo trong tài liệu tựa đề Hướng đến Định nghĩa Chung của Chứng chỉ Vi mô công bố vào năm 2022.
Trong báo cáo, định nghĩa được đề xuất của chứng chỉ vi mô là “sự ghi nhận cho một thành tích học tập cụ thể nhằm xác nhận những gì người học biết, hiểu, hay có thể thực hành.” Chứng chỉ vi mô cũng “bao gồm một bài đánh giá dựa trên những tiêu chuẩn được định nghĩa rõ ràng”, “được trao bởi một bên cung cấp tin cậy”, “cũng có thể đóng góp hoặc bổ sung cho một chứng chỉ vi mô khác thông qua những gì đã được học trước đó” và “đáp ứng các tiêu chuẩn được yêu cầu bởi các cơ quan đảm bảo chất lượng liên quan”.
Chứng chỉ vi mô được cấp từ những khóa học ngắn, nhưng không phải khoá học ngắn nào cũng cấp chứng chỉ. Theo định nghĩa của UNESCO, những tiêu chuẩn được xác định từ trước sẽ được áp dụng để đánh giá thành tích của người học, và những tổ chức cấp chứng chỉ cũng cần đáp ứng các tiêu chuẩn để được công nhận là một bên cung cấp chứng chỉ tin cậy. Không như nhiều khoá học ngắn thông thường khác, các khoá học cấp chứng chỉ có thể được tích luỹ, tức là chúng có thể được dùng để cấp bằng cấp chính quy. Trong khi nhiều khóa học ngắn thông thường thiếu đi quy trình đánh giá chất lượng do tổ chức bên ngoài nào đó thực hiện, các khoá học cấp chứng chỉ vi mô sẽ phải trải qua các quy trình kiểm định chất lượng.
Tại sao chứng chỉ vi mô lại trở nên phổ biến?
Một khảo sát gần đây bởi Robert Half International Inc, một công ty dẫn đầu thế giới về tư vấn nguồn nhân lực được thành lập từ năm 1948, đã cho thấy một lượng lớn các nhà lãnh đạo (95%) báo cáo rằng họ đã gặp phải các vấn đề khi tìm kiếm những người lao động có tay nghề đáp ứng cho những nhu cầu đặc biệt của công ty.
Các chứng chỉ vi mô góp phần lấp những khoảng trống kỹ năng này bằng cách nâng cao kỹ năng của nhân viên và các ứng viên trong thị trường nhân lực. Ví dụ như, một chuyên gia chăm sóc sức khoẻ có thể lấy một khoá học cấp chứng chỉ dài 6 tuần với tiêu đề Patient Journey and System Design (Hành trình của Bệnh nhân và Thiết kế Hệ thống), được cung cấp bởi Future Learn phối hợp với trường Đại học Deakin và hàng loạt các bệnh viện khác, để học những kỹ năng quản lý vận hành tổ chức.
Chứng chỉ này cho phép người học ứng dụng các lý thuyết về quy hoạch sức chứa, điều tra nguyên nhân cho sự chậm trễ ở các tình huống khẩn cấp, và những tài nguyên để nâng cao mức độ hài lòng của bệnh nhân. Trên hết, khóa học này còn giúp nâng cao tính cạnh tranh của người học trên thị trường lao động. Với những người đã có việc làm, chứng chỉ này có thể giúp họ nâng cao tay nghề và đáp ứng thêm những yêu cầu của chủ doanh nghiệp. Người học cũng có thể tích luỹ chứng chỉ này với những chứng chỉ khác, và dần đạt được bằng tốt nghiệp chính thức từ trường Đại học Deakin.
Liệu chứng chỉ vi mô có phải là mối nguy hiểm cho các trường đại học?
Hiện tai, xu hướng tuyển dụng dựa trên kỹ năng và các chứng chỉ liên quan của họ ở các nhà tuyển dụng đã đã gia tăng nhanh chóng. Điều này dẫn đến nhu cầu đạt được các chứng chỉ vi mô của người lao động ngày càng tăng theo.
Để nắm bắt được thị phần, hàng loạt những nhà cung cấp như các trung tâm học tập cho người đi làm, nền tảng học trực tuyến, công ty công nghệ, nghiệp đoàn, và các tổ chức phi chính phủ đã bắt đầu cung cấp những khóa học có chứng chỉ vi mô. Kết quả là các trường đại học không còn là nhà cung cấp độc nhất cung cấp các kiến thức dựa trên hệ thống tín chỉ, làm dấy lên câu hỏi liệu rằng các trường đại học có còn khả năng cạnh tranh hay sẽ rời bỏ cuộc đua này.
Chứng chỉ vi mô đang dần nhận được ngày càng nhiều sự quan tâm, các trường đại học cũng chú ý hơn trong việc cung cấp các khóa học độc lập hay đồng điều phối với các bên cung cấp khác. Một số trường đại học đã công bố những hướng dẫn về việc công nhận và tích hợp các chứng chỉ vi mô vào các chương trình cấp bằng chính quy, trong khi một số kết hợp chúng trực tiếp vào chương trình của mình.
Mặt khác, các nhà hoạch định chính sách cũng đang cân nhắc về khả năng đưa các chứng chỉ vi mô trở nên được công nhận trên cấp độ quốc tế. Liên minh Châu Âu đã khởi động Dự án Chứng chỉ Vi mô liên kết với các Cam kết Bologna Chủ chốt (Micro-credentials linked to the Bologna Process Key Commitments – MICROBOL) để nghiên cứu cách chứng chỉ vi mô có thể được tích hợp vào Khu vực Giáo dục Đại học Châu Âu (European Higher Education Area – UHEA).
Một kết quả của dự án MICROBOL là Khung Lý luận Chung cho Chứng chỉ Vi mô tại khu vực giáo dục đại học Châu Âu (MICROBOL Common Framework for Micro-credentials in the European Higher Education Area – EHEA), trong đó nghiên cứu về kiểm định chất lượng, đánh giá, và mô tả về chứng chỉ vi mô qua các nguyên tắc của Công ước Công nhận Lisbon và Hệ thống Chuyển đổi và Tích luỹ Tín chỉ Châu Âu.
Những nỗ lực này của các bên liên quan đến giáo dục đại học cho thấy rằng họ nhận thức được sự gia tăng quan tâm gần đây đối với chứng chỉ vi mô. Tại thời điểm hiện tại, các trường đại học đang là những nhà cung cấp chính của chứng chỉ vi mô. Các chứng chỉ vi mô đang đóng một vai trò quan trọng trong các trường đại học khi nó là một phần của các chương trình chính quy, hay bổ trợ cho các chương trình dành cho người học đã hoàn thành bậc học đại học.
Tuy nhiên, nếu các chứng chỉ vi mô trở nên được chấp nhận rộng rãi hơn, và tạo điều kiện cho các quyết định tuyển dụng dựa trên chứng nhận kỹ năng thay vì dựa trên bằng cấp, sẽ có hai kết cục cho các trường đại học. Thứ nhất, nhu cầu về giáo dục đại học sẽ suy giảm khi các kỹ năng có thể học được một cách linh hoạt và nhanh hơn thông qua các chứng chỉ vi mô. Hai là, người học có thể quay lưng lại với các trường đại học và chọn các nhà cung cấp ngoài trường đại học, vốn có thể cung cấp những khóa đào tạo thực tế và phù hợp với thị trường.
Trong khi vẫn còn rất khó có thể tiên đoán những gì có thể xảy ra một cách chắc chắn, độ hiệu quả của chứng chỉ vi mô trong việc trang bị người học kỹ năng với thời gian ngắn hơn đã cho thấy tương lai rất hứa hẹn của chúng.
Dịch từ University World News
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.