Sự trỗi dậy của trích dẫn công bằng: hướng tới một viễn cảnh trích dẫn công bằng hơn

Christen Smith, một nhà nhân chủng học tại Đại học Texas ở Austin, đã tham dự một hội nghị vào tháng 10 năm 2017. Là một phụ nữ da đen, cô đã quen với việc các công bố của mình được người khác sử dụng mà không được trích dẫn. Khi sự bất mãn dồn đến đỉnh điểm, cô đã in những chiếc áo phông với dòng chữ “Cite Black Women” được in đậm ở mặt trước và mang đến hội nghị của Hiệp hội Nghiên cứu Phụ nữ Quốc gia (NWSA) ở Baltimore, Maryland. Những chiếc áo sơ mi đã được bán hết sạch tại cuộc họp của cả NWSA và Hiệp hội Nhân chủng học Hoa Kỳ hai tuần sau đó. Với Smith, việc này giúp cô hiểu rằng có rất nhiều người phụ nữ da đen đã đồng cảm với cô và gặp những việc tương tự như cô, đó cũng chính là lý do chiếc áo bán chạy như vậy.

Những nỗ lực của cô đã được chú ý và mở rộng thành nhiều cuộc tranh luận trên các nền tảng mạng xã hội. Smith chia sẻ rằng, thông qua Cite Black Women, cô đã khuyến khích mọi người bàn luận về vấn đề trích dẫn vốn đã diễn ra từ lâu trong cộng đồng học thuật, đặc biệt là đối với phụ nữ da màu.

Trích dẫn không chỉ là để ghi nhận những đóng góp của người khác trong nghiên cứu của mình. Cassidy Sugimoto, một nhà khoa học thông tin tại Viện Công nghệ Georgia ở Atlanta, cho biết: vì các nhà tài trợ và các trường đại học thường xem xét chỉ số trích dẫn khi đưa ra quyết định về tài trợ, tuyển dụng và thăng chức, nên các trích dẫn có thể có tác động đáng kể đến sự nghiệp của một học giả. “Các trích dẫn, theo nhiều cách, là đơn vị tiền tệ của thị trường học thuật”, Sugimoto nhận xét.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy những thiên vị tồn tại ​​dai dẳng trong việc trích dẫn – ví dụ như phụ nữ và người da màu có tỷ lệ trích dẫn thấp hơn nam giới. Ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu kêu gọi giới học thuật thừa nhận sự bất bình đẳng trong việc trích dẫn, và hành động để giảm bớt sự bất bình đẳng bằng cách chú ý hơn đến công trình từ các nhóm thường được trích dẫn ít hơn. Một số người gọi ý tưởng này là “đạo đức trích dẫn” hoặc “công lý trích dẫn”. Ngoài ra còn có rất nhiều sáng kiến đến từ các nhà khoa học và nhà xuất bản nhằm thúc đẩy sự bình đẳng trong trích dẫn.

Những ý tưởng này cũng có ít nhiều sự chỉ trích, nhưng nhiều người nói rằng việc tính toán như vậy là quá chậm trễ – cả đối với các học giả có công trình chưa được công nhận, và vì những lợi ích rộng lớn hơn cho giới học thuật.

Sugimoto nói: “Đối với tôi, công lý trích dẫn không chỉ là công lý. Đó là về việc thực hiện khoa học một cách nghiêm túc, mạnh mẽ, nơi bạn thực sự khám phá tất cả các lĩnh vực nghiên cứu tiềm năng và những gì đã được tiến hành trước đây để đẩy nhanh tiến độ của khoa học”.

Ai là người được trích dẫn?

Trong nhiều thập kỷ qua, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận ra sự không đồng đều trong việc ghi nhận và công nhận trong giới học thuật. “Hiệu ứng Matthew” phổ biến vào những năm 1960 đã mô tả việc lợi thế đã lớn sẽ càng lớn hơn ở các nhà khoa học đã thành công. Và trong những năm 1990, thuật ngữ “hiệu ứng Matilda” đã được nêu lên để mô tả hiện tượng những đóng góp của phụ nữ bị đánh giá thấp hơn hoặc bị gán sang là công sức của nam giới [1].

Trong hơn một thập kỷ qua, các đánh giá bibliometric đã cho thấy tỷ lệ trích dẫn trung bình ở nam giới cao hơn phụ nữ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm trong kinh tế học [2], thiên văn học [3], khoa học thần kinh [4]  và vật lý [5] – kể cả khi đã kiểm soát các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến các trích dẫn như thâm niên của tác giả, thời gian hoặc tạp chí mà một bài báo được xuất bản. Nam giới cũng tự trích dẫn công trình của họ thường xuyên hơn phụ nữ [6]. Khoảng cách cũng tồn tại giữa các chủng tộc và sắc tộc với nhau, với tỷ lệ các học giả da trắng được trích dẫn cao hơn người da màu trong một số lĩnh vực [7].

Nguồn: tài liệu [4]

Perry Zurn, một nhà triết học chính trị tại Đại học Mỹ ở Washington DC, cho biết: “Chúng tôi có những bằng chứng rất mạnh mẽ cho thấy phụ nữ và người da màu phải chịu việc có ít trích dẫn hơn bình thường”. 

Nghiên cứu của nhóm Sugimoto cũng cho thấy những kết quả rất ấn tượng. Các tác giả thuộc nhóm thiểu số (phụ nữ hoặc những người da đen và Latin) không chỉ vốn thường xuất bản về các chủ đề ít được trích dẫn – chẳng hạn như phân biệt chủng tộc, bạo lực trên cơ sở giới và người nhập cư – mà ngay cả trong các chủ đề đó, các ấn phẩm của họ cũng thường ít được trích dẫn hơn tác phẩm của các tác giả khác. Các tác giả da trắng và châu Á xuất hiện quá nhiều trong các trích dẫn, trong khi các tác giả da đen và Latin xuất hiện ít hơn. Và phụ nữ luôn ít được trích dẫn hơn nam giới ở tất cả các chủng tộc [8].

Nguồn: Tài liệu [8]

Đối với Thema Monroe-White, đồng tác giả của nghiên cứu, những phát hiện này không gây nhiều bất ngờ cho cô. Chúng đã xác nhận sự nghi ngờ của riêng cô với tư cách là một phụ nữ da đen trong giới học thuật. Tuy nhiên, sự phân tầng này đã phản ánh thành kiến ​​kéo dài suốt lịch sử ở Mỹ một cách “đáng kinh ngạc”, Monroe-White nói. “Nó xác thực hơn nữa bản chất xã hội được xây dựng từ các thể chế của chúng ta – bạn sẽ không thấy sự phân định rõ ràng từ nam giới da trắng cho đến phụ nữ da đen nếu mọi thứ không bám rễ sâu sắc trong xã hội như vậy.” Kể từ đó, nhóm đã vận hành một trang web để nâng cao nhận thức sâu hơn về những bất bình đẳng chồng chéo này (xem https://sciencebias.uni.lu/app)

Cũng có những dấu hiệu cho thấy rằng, ngay cả khi một lĩnh vực trở nên đa dạng hơn, những khoảng trống như vậy lại đang tăng lên thay vì thu hẹp lại. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2020 [4] của Bassett và cộng sự đã kiểm tra danh sách tài liệu tham khảo trong các bài báo được xuất bản từ năm 1995 đến năm 2018 trong năm tạp chí hàng đầu về khoa học thần kinh. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, dù tỷ lệ các bài báo có phụ nữ là tác giả đầu tiên hoặc cuối cùng tăng dần theo thời gian (dù rất chậm chạp), khoảng cách trích dẫn lại ngày càng lớn.

Có bằng chứng cho thấy những chênh lệch về trích dẫn này không liên quan đến chất lượng của tác phẩm. Trong một phân tích năm 2018 [9], đã kết luận rằng các tác giả có xu hướng trích dẫn những người họ biết, chẳng hạn như đồng nghiệp hoặc những người mà họ đã có tương tác chuyên môn. Ngoài ra, Bassett và cộng sự đã phát hiện ra rằng nam giới thường trích dẫn những người đàn ông khác và các tác giả da trắng thường trích dẫn các tác giả da trắng khác nhiều hơn – hành vi này được giải thích một phần là do họ có xu hướng đồng tác giả bài báo với các cá nhân cùng giới tính [4] hoặc chủng tộc [7] .

Các học giả cũng sử dụng các phương pháp thuận tiện khi tìm các nguồn để trích dẫn, chẳng hạn như ngôn ngữ mà bài báo được viết, tổ chức của nhà nghiên cứu và danh tiếng của tạp chí, Sugimoto nói. Việc này có thể vô tình làm một số tiếng nói bị bỏ quên – bởi vì các cá nhân từ các nhóm dân số có nhiều khả năng viết bằng một ngôn ngữ đặc biệt hơn và ít có khả năng làm việc tại các tổ chức uy tín hoặc xuất bản trên các tạp chí có tác động cao hơn. Những thành kiến ​​khác trong quá trình xuất bản, và nói rộng hơn là trong học thuật, cũng góp phần vào việc gia tăng khoảng cách trích dẫn này. 

Hiện có rất ít thông tin về ảnh hưởng của tỷ lệ trích dẫn đối với các nhà khoa học thuộc nhóm thiểu số, các nhóm giới tính khác nhau, hoặc đối với những tác giả khuyết tật. Nhưng các nhà khoa học có thể quả quyết rằng có sự bất bình đẳng xảy ra ở các nhóm đó.

Yếu tố địa lý cũng có thể đóng một vai trò nào đó: thiên vị trong ​trích dẫn có thể góp phần làm cho các tác phẩm của các tác giả ở một số quốc gia miền bắc và miền nam địa cầu bị đánh giá thấp hơn. Ngay cả các học giả ở Úc, Nhật Bản và một số khu vực của châu Âu cũng cảm thấy rằng các học giả ở Hoa Kỳ được trích dẫn nhiều hơn họ.

Đa dạng hóa các trích dẫn

Trong vài năm qua, nhiều nhà nghiên cứu đã nỗ lực nâng cao nhận thức về thiên vị ​​trích dẫn và cố làm giảm thiểu chúng. Một số tạp chí học thuật đã hành động. Bassett nói: Một trong những điều thú vị về công lý trích dẫn là “mọi nhà nghiên cứu đều có cơ hội đóng góp”.

Kể từ khi những bài đánh giá về vấn đề tài liệu tham khảo được xuất bản vào năm 2020 trên các tạp chí khoa học thần kinh, các tác giả những bài báo đó đã phát triển một số công cụ để giúp các nhà khoa học kiểm tra sự hiện diện các nhóm dân số trong phần tài liệu tham khảo của họ. Họ đã viết các đoạn code để các nhà nghiên cứu có thể chạy trên bài báo của mình, đoạn code này sẽ đánh giá giới tính và chủng tộc của các tác giả ở phần tài liệu tham khảo (xem go.nature.com/3qqdo3j). Việc đánh giá được tiến hành dựa vào phân bố xác suất theo cách tương tự như cách tiếp cận của Sugimoto và Monroe-White. (Đoạn code sẽ đánh giá “da trắng” hoặc “không phải da trắng” thay vì xác định nhiều nhóm chủng tộc khác nhau). Và họ đã phát triển một plug-in để dự đoán giới tính dựa vào họ và tên tác giả khi tìm kiếm tên tác giả trên Google Scholar hoặc PubMed.

Các nhà nghiên cứu cũng ủng hộ việc đưa tuyên bố đa dạng trích dẫn [10] vào các bài báo khoa học để nâng cao nhận thức về sự bất bình đẳng trong trích dẫn, cũng như cam kết việc trích dẫn đảm bảo tỷ lệ giới tính, chủng tộc hoặc dân tộc của các tác giả trong phần tài liệu tham khảo. Cho đến nay, một phân tích của Nature cho thấy, 91 bài báo trong hơn 50 tạp chí và các máy chủ lưu trữ bản thảo trong hai năm qua đã có các tuyên bố như vậy; và Bassett là tác giả của gần một nửa số đó.

Những người khác đã phát triển các công cụ để tăng khả năng hiển thị bài báo của tác giả từ các nhóm có tác phẩm bị đánh giá thấp. Ví dụ như CiteHER Bibliography, một cơ sở dữ liệu về công trình của phụ nữ Da đen trong lĩnh vực máy tính (xem go.nature.com/35pwqzt). Nỗ lực này là một phần của blackcomputeHER , một tổ chức chuyên hỗ trợ phụ nữ Da đen trong lĩnh vực máy tính và công nghệ. Các cộng đồng gồm các nhà nghiên cứu ít được đại diện, chẳng hạn như 500 Nhà khoa học Nữ (500 Women Scientists) và BlackInNeuro, cũng đã xuất hiện trong vài năm qua.

Ngoài ra còn có những nỗ lực để ghi nhận những đóng góp ngoài việc trích dẫn thông thường. Lorisia MacLeod, một thủ thư dịch vụ học tập tại Thư viện Alberta ở Edmonton, Canada, đã nghĩ ra một kiểu trích dẫn mới vào năm 2018 để ghi lại tài liệu một cách thích hợp hơn và ghi nhận những lời dạy truyền miệng từ các cộng đồng bản địa [11]. Kiểu trích dẫn của MacLeod có thể trích dẫn những lời dạy truyền miệng, bao gồm tên của người đó, quốc gia hoặc cộng đồng của họ và các thông tin khác, chẳng hạn như nơi họ sống. Kể từ khi cô ấy giới thiệu chúng, kiểu trích dẫn này đã được đưa vào hướng dẫn trích dẫn của khoảng 25 tổ chức trên khắp Canada và Hoa Kỳ.

Ngày càng nhiều tạp chí khoa học đã nhận thấy sự chênh lệch trong việc xuất bản học thuật. Nhiều nhà xuất bản đã bắt đầu hoặc đang có kế hoạch yêu cầu các nhà nghiên cứu cung cấp thêm thông tin cá nhân, chẳng hạn như giới tính, chủng tộc hoặc dân tộc, và bất kỳ khuyết tật nào, khi gửi hoặc bình duyệt các bản thảo. Những nỗ lực này nhằm mục đích hiểu thêm về sự đại diện giữa các tác giả, người đánh giá và biên tập viên – và có thể giúp phân tích các thiên vị ​​trong quá trình xuất bản.

Nhưng về vấn đề trích dẫn thì mới chỉ có một số tạp chí bắt đầu có hành động cụ thể. Vào năm 2021, Journal of Cognitive Neuroscience đã giới thiệu chỉ số cân bằng trích dẫn giới tính và sử dụng phần mềm để theo dõi tỷ lệ giới tính trong danh sách tham khảo khớp với tỷ lệ tác giả của các bài báo trong tạp chí như thế nào. Vào tháng 12/2021, báo cáo cho thấy 30 nhóm tác giả đã sử dụng công cụ này [12] .

Cùng năm đó, nhà xuất bản Cell Press (một phần của Elsevier) đã mời các tác giả điền vào biểu mẫu chuẩn hóa “đa dạng và phổ quát” khi họ gửi bài báo, ở các nhà khoa học chia sẻ thông tin về việc các khía cạnh nghiên cứu của họ đã cân nhắc đến tính đa dạng hay chưa – bao gồm cả cân bằng giới tính trong danh mục tham khảo. Tháng 2/2022, Cell Press báo cáo rằng 26% nhóm tác giả đã điền vào biểu mẫu; trong số những người đã làm vậy, gần một phần ba đánh dấu vào ô cho biết họ “tích cực làm việc để thúc đẩy cân bằng giới trong danh mục tham khảo của chúng tôi”. (Một tỷ lệ nhỏ hơn, 9%, đã chọn đưa một tuyên bố vào bài báo nghiên cứu của họ dựa trên biểu mẫu này). Hiệp hội Kỹ thuật Y sinh ở Landover, Maryland, cũng đã giới thiệu một tuyên bố đa dạng trích dẫn tùy chọn cho các tạp chí của mình vào năm 2021.

Ban biên tập một số tạp chí đã xuất bản các bài viết khuyến khích độc giả của họ nghiên cứu nhiều hơn về sự thiên vị trong trích dẫn và kêu gọi các tác giả đọc rộng rãi hơn. Nhà xuất bản Wiley nói rằng họ đang thực hiện các biện pháp để nâng cao nhận thức về sự thiên vị trong trích dẫn, chẳng hạn như khuyến nghị các tạp chí của mình đưa ra các hướng dẫn tự đánh giá tính bao hàm, bao gồm cả sự đa dạng về trích dẫn. Các nhà xuất bản khác, bao gồm Springer Nature và Sage nói rằng họ đang xem xét những thay đổi tương tự.

Đồng thời, các nhà khoa học vẫn đang đưa ra sáng kiến ​​để mọi người thấy rõ hơn những vấn đề này – và suy nghĩ về các giải pháp. Kumar, cùng với sinh viên cũ của cô, Naveena Karusala, người đang theo học tiến sĩ khoa học máy tính tại Đại học Washington ở Seattle, đã tổ chức các hội thảo về công lý trích dẫn tại các hội nghị trong lĩnh vực của họ. Họ đặc biệt tập trung vào các cuộc họp hướng tới các học giả nam bán cầu. “Chúng tôi nghĩ rằng đây sẽ là một cách tốt để thu hút mọi người thảo luận lâu dài và bắt đầu xây dựng một cộng đồng xung quanh ý tưởng này,” Karusala nói.

Những chỉ trích

Hầu hết các nhà khoa học tham gia vào những nỗ lực cân bằng trích dẫn nói rằng họ đã trải qua nhiều phản ứng dữ dội. Bassett nói rằng sau khi thuyết trình, luôn có một vài người đưa ra những bình luận chỉ trích. Những phản biện mang giọng điệu phân biệt chủng tộc hay phân biệt giới tính rõ ràng như “người da trắng hoặc đàn ông đơn giản là họ viết những bài báo tốt hơn”, rất hiếm, còn lại đa số mọi người nói rằng họ chỉ trích dẫn những bài viết tốt hoặc họ không để ý đến chủng tộc hay giới tính của tác giả. Bassett nói những lập luận này là có vấn đề, bởi vì chúng chỉ ra rằng mọi người không tích cực cố gắng nhận ra và giải quyết sự thiên vị của mình – hoặc họ không sẵn sàng đào sâu hơn các tài liệu trong lĩnh vực của họ để đa dạng hóa các trích dẫn của của mình.

Nhiều người chỉ trích phong trào cho rằng mặc dù họ nhận ra sự tồn tại của bất bình đẳng trích dẫn, nhưng họ gặp phiền phức bởi các biện pháp thúc ép họ phải trích dẫn nhiều hơn các tác giả ở một số nhóm. Một số khác thì lo ngại về ý tưởng tự suy ra giới tính hoặc chủng tộc của những tác giả trong tài liệu tham khảo.

Có ý kiến cho rằng việc điều chỉnh danh sách tài liệu tham khảo để công bằng hơn có thể dẫn đến sự gia tăng số lượng của những trích dẫn hời hợt, thay vì phải có sự tham khảo thực sự với những nghiên cứu được trích dẫn. Việc quan trọng hơn là cần cung cấp cho các học giả đang được đánh giá thấp cơ hội để lập những mối quan hệ chất lượng.

Nhiều học giả còn cho rằng vấn đề sâu xa nhất là việc đánh giá và trao giải thưởng cho nhà nghiên cứu đang quá dựa vào các chỉ số về số lượng trích dẫn. Rõ ràng rằng các yếu tố văn hóa và xã hội ảnh hưởng đến việc tác phẩm nào được trích dẫn, cho nên thách thức thực sự là làm giảm sự ảnh hưởng của trích dẫn như đến việc đánh giá chất lượng của từng nhà khoa học.

Nhiều người trong số những người tham gia vào các nỗ lực trích dẫn-công bằng đồng ý rằng việc sử dụng các chỉ số trích dẫn hiện tại cần phải được thay đổi. Nhưng bởi vì mọi người vẫn sử dụng các chỉ số trích dẫn trong đánh giá, việc khuyến khích từng người thay đổi quy trình của họ sẽ cần nỗ lực rất lớn.

Những người ủng hộ công lý trích dẫn cũng nhấn mạnh rằng phong trào không chỉ đơn giản mang sự đa dạng vào phần tài liệu tham khảo. Nhóm Cite Black Women khẳng định: “Chúng tôi không chỉ đề cập đến tài liệu tham khảo. Chúng tôi đang đề cập đến sự thừa nhận. Chúng tôi đang đề cập về sự tham gia. Chúng tôi đang nói về sự công nhận giá trị của mọi ý tưởng. Nếu bạn chỉ đưa phụ nữ Da đen vào bibliography nhưng bạn không thực sự cho phép những ý tưởng đó ảnh hưởng đến cách bạn nghĩ và nhìn nhận thế giới thì bạn chỉ đang tham gia một cách hời hợt, không phải là sự thay đổi thực chất và nền tảng.”

Cuối cùng, công lý trích dẫn đòi hỏi phải tiếp cận đa hướng, với nỗ lực tìm kiếm sự công bằng trong tất cả các phần của hệ thống truyền thông học thuật, từ tài trợ và bình duyệt đến tuyển dụng và phân bổ giải thưởng. Trích dẫn là một phần – nhưng là một phần quan trọng – của hệ thống phải được thực hiện cùng với tất cả những thay đổi khác xung quanh công bằng và giao tiếp học thuật.

Cuối cùng, việc chú ý đến công trình của các học giả ít được đại diện sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho những cá nhân đó, mà còn có tác động rộng rãi trong cả cộng đồng của họ. Ví dụ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các nhà phát minh là phụ nữ có nhiều khả năng phát triển các sản phẩm dành cho phụ nữ hơn [13[ – vì vậy càng có nhiều đại diện ở các lĩnh vực nào thì càng có nhiều người có khả năng được hưởng lợi từ lĩnh vực đó.

Monroe-White nói: “Nếu bạn thực sự tin rằng khoa học sẽ hưởng lợi khi những bộ óc tốt nhất đang đóng góp cho nền khoa học, thì bạn phải để tất cả những bộ óc đều có cơ hội được đóng góp. Nếu bạn không cho phép tất cả những ý tưởng tham gia vào khoa học, thì khoa học sẽ không bao giờ đạt được mức tốt nhất.”

Tài liệu tham khảo

1. Rossiter, Margaret W. (1993). The Matthew Matilda effect in science. Social studies of science, 23(2), 325-341.

2. Ferber, Marianne A., & Brün, Michael (2011). The gender gap in citations: Does it persist?Feminist Economics17(1), 151-158.

3. Caplar, Neven, Tacchella, Sandro, & Birrer, Simon (2017). Quantitative evaluation of gender bias in astronomical publications from citation countsNature astronomy1(6), 0141.

4. Dworkin, J. D., Linn, K. A., Teich, E. G., Zurn, P., Shinohara, R. T., & Bassett, D. S. (2020). The extent and drivers of gender imbalance in neuroscience reference listsNature neuroscience23(8), 918-926.

5. Teich, E. G., Kim, J. Z., Lynn, C. W., Simon, S. C., Klishin, A. A., Szymula, K. P., … & Bassett, D. S. (2022). Citation inequity and gendered citation practices in contemporary physicsNature Physics18(10), 1161-1170.

6. King, M. M., Bergstrom, C. T., Correll, S. J., Jacquet, J., & West, J. D. (2017). Men set their own cites high: Gender and self-citation across fields and over timeSocius3, 2378023117738903.

7. Bertolero, M. A., Dworkin, J. D., David, S. U., Lloreda, C. L., Srivastava, P., Stiso, J., … & Bassett, D. S. (2020). Racial and ethnic imbalance in neuroscience reference lists and intersections with genderBioRxiv, 2020-10.

8. Kozlowski, D., Larivière, V., Sugimoto, C. R., & Monroe-White, T. (2022). Intersectional inequalities in scienceProceedings of the National Academy of Sciences119(2), e2113067119.

9. Milard, Béatrice, & Tanguy, Ludovic (2018). Citations in scientific texts: do social relations matter?Journal of the Association for Information Science and Technology69(11), 1380-1395.

10. Dworkin, Jordan, Zurn, Perry, & Bassett, Danielle S. (2020). (In) citing action to realize an equitable futureNeuron106(6), 890-894.

11. MacLeod, Lorisia (2021). More than personal communication: Templates for citing indigenous elders and knowledge keepersKULA5(1), 1-5.

12. Postle, Bradley R., & Fulvio, Jacqueline M. (2021). One-year update from the Editor-in-ChiefJournal of Cognitive Neuroscience34(1), 1-3.

13. Koning, Rembrand, Samila, Samila, & Ferguson, John-Paul P. (2021). Who do we invent for? Patents by women focus more on women’s health, but few women get to inventScience372(6548), 1345-1348.

Dịch từ Nature

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh