Theo dữ liệu từ Nature Index, việc các tác giả của Trung Quốc công bố các công trình không có sự hợp tác với các đồng nghiệp quốc tế ngày càng phổ biến. Năm ngoái, việc Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ về lượng đóng góp cho các bài báo nghiên cứu lĩnh vực Khoa học Tự nhiên theo dữ liệu của Nature Index đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với cơ sở dữ liệu này cũng như nền khoa học Trung Quốc. Từ khi cơ sở dữ liệu này được ra mắt vào năm 2014, tỷ lệ đóng góp (Share) của Trung Quốc – một hệ số của Nature Index tính đến tỷ lệ tác giả đến từ một địa điểm cụ thể trên mỗi bài báo – đã liên tục tăng lên. Năm 2022, lần đầu tiên Trung Quốc dẫn đầu thế giới với tỷ lệ đóng góp đạt 19.373, tăng hơn 21% so với năm trước, vượt Hoa Kỳ với tỷ lệ 17.610.
Điều này càng thể hiện rõ ràng hơn khi phân tích Tỷ lệ đóng góp của Trung Quốc chia cho Số lượng (Count) – một hệ số của Nature Index đếm số bài báo có ít nhất một tác giả từ một quốc gia nhất định – nhận thấy Trung Quốc đang đóng góp ngày càng nhiều cho các nghiên cứu khoa học chất lượng cao, và phần lớn nghiên cứu đó đang được tiến hành với ít sự hợp tác quốc tế hơn. Số liệu năm 2022 cho thấy: Tỷ lệ đóng góp/Số lượng của Trung Quốc đang tăng, từ 72% năm 2015 lên 82% năm 2022 (tỷ lệ 100% sẽ cho thấy không có sự hợp tác quốc tế nào). Trong khi tỷ lệ của hầu hết các cường quốc khoa học khác đã giảm xuống. Ví dụ, trong cùng khoảng thời gian đó, Mỹ giảm từ 75% xuống còn 70%, và Đức từ 56% xuống 50%. Trong một số tạp chí và lĩnh vực khoa học, xu hướng thậm chí còn rõ rệt hơn. Ví dụ, Tỷ lệ đóng góp/Số lượng của Trung Quốc trên tạp chí Analytical Chemistry là 96% vào năm 2022.
Hậu quả của đại dịch
Xu hướng giảm hợp tác quốc tế của Trung Quốc, được theo dõi bởi Nature Index đã diễn ra trong vài năm gần đây, và càng trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19.
Ông Denis Simon, nguyên phó hiệu trưởng Đại học Kunshan, cho rằng xu hướng này khởi phát từ trước đại dịch, nhưng không thể phủ nhận tác động của COVID-19. Lý do là Trung Quốc áp đặt hạn chế đi lại khắt khe và kéo dài, khiến các nhà khoa học Trung Quốc khó tiếp cận đối tác quốc tế. Điều đó dẫn đến các chính sách ở Trung Quốc thay đổi theo hướng ít coi trọng hợp tác quốc tế hơn đối với sự nghiệp nghiên cứu của các nhà khoa học. Ví dụ, yêu cầu hợp tác quốc tế từng được áp dụng trong quy trình đánh giá bổ nhiệm các nhà nghiên cứu, tuy nhiên quy định này đã bị bãi bỏ trong đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Hội đồng Học bổng Trung Quốc – một tổ chức phi lợi nhuận do Bộ giáo dục Trung Quốc điều hành – cũng tạm ngừng tài trợ trong thời gian đại dịch. Theo ông Fei Shu – cố vấn đánh giá nghiên cứu tại Đại học Calgary, Canada – việc này khiến lượng học giả Trung Quốc sang các nước phương Tây giảm mạnh và cần thời gian để phục hồi.
Mặc dù các cách thức hỗ trợ hợp tác trực tuyến đã phát triển mạnh mẽ trong đại dịch, nhưng theo bà Caroline Wagner – người nghiên cứu về hợp tác khoa học quốc tế tại Đại học Bang Ohio, Columbus – các cuộc gặp gỡ trực tiếp vẫn rất cần thiết để xây dựng mối quan hệ hợp tác. Điều này được chỉ ra trong nghiên cứu của bà, rằng 90% hợp tác quốc tế bắt đầu bằng các cuộc gặp gỡ trực tiếp, khi mọi người gặp nhau tại các hội nghị, trung tâm nghiên cứu, hoặc trong các chương trình đi thỉnh giảng. Ông Richard Freeman – nhà kinh tế tại Đại học Harvard, Cambridge, Massachusetts – cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của mối quan hệ cá nhân, đặc biệt trong các hợp tác Mỹ – Trung Quốc. Một nghiên cứu chỉ ra có tới 78,5% bài báo hợp tác Mỹ – Trung Quốc có ít nhất một tác giả Trung Quốc từng học tập hoặc làm việc tại Mỹ. Vì vậy, sự gián đoạn do đại dịch chắc chắn sẽ tác động lớn đến sự hợp tác trong một thời gian dài, theo bà Wagner.
Xu hướng lớn hơn
Cả bà Wagner và ông Freeman cũng đều nhận thấy xu hướng giảm hợp tác – đặc biệt là hợp tác Mỹ – Trung Quốc, ngay cả trước đại dịch trong các nghiên cứu riêng của họ, sử dụng các cơ sở dữ liệu lớn hơn nhiều so với Nature Index. Theo ông Freeman, nguyên nhân một phần là do sự dịch chuyển về xuất bản trong và ngoài nước của Trung Quốc. Cụ thể, trong giai đoạn 2018 – 2022, số lượng bài báo hợp tác quốc tế tăng nhưng ít hơn số lượng bài báo chỉ do nhà nghiên cứu Trung Quốc thực hiện. Điều này cho thấy, khoa học nội địa Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn nhiều so với hợp tác quốc tế. Sự gia tăng đó, cùng với chất lượng cao của các ấn phẩm trong nước, khiến hợp tác quốc tế ít cần thiết hơn. Đồng thời, hợp tác nội bộ cũng trơn tru và thuận lợi hơn trong bối cảnh đại dịch và căng thẳng chính trị hiện nay, ông Simon nhận định.
Ngoài ra, hệ thống đánh giá khoa học của Trung Quốc cũng chỉ vinh danh tác giả đứng đầu, nên các nhà khoa học ít mặn mà hợp tác với nước ngoài, cũng như tham gia vào các dự án của đối tác khác, mà thay vào đó, sẽ tập trung vào các dự án của riêng họ, theo ông Shu. Ở cấp độ Nhà nước, Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích công bố nghiên cứu trên các tạp chí trong nước thay vì quốc tế, ông Simon đưa ra.
“Chiến tranh lạnh mới”
Căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia phương Tây cũng ảnh hưởng đến việc hợp tác. Nhiều quốc gia nghi ngờ nhà khoa học Trung Quốc tham gia đánh cắp công nghệ và nghiên cứu tiên tiến trong 5-6 năm trở lại đây.
Tương tự, sáng kiến Trung Quốc (The US China Initiative) của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động 2018 dẫn tới nhiều vụ tố cáo gian lận các nhà nghiên cứu không công khai mối quan hệ với Trung Quốc khi xin tài trợ, mặc dù sau đó nhiều cáo buộc đã được bãi bỏ. Đầu năm 2022, Canada cấm tài trợ nghiên cứu liên quan đến các nhà khoa học có liên hệ an ninh, quốc phòng với các quốc gia mà họ coi là mối đe doạ, tương tự với các chính sách của Đức.
Sự nghi ngờ này dẫn đến quy trình xin thị thực dài và phức tạp, khiến các nhà khoa học Trung Quốc ngần ngại khi tới các nước phương Tây. Các vấn đề chính trị đang tác động nặng nề đến hợp tác khoa học, được ví như “Chiến tranh lạnh mới” trong 4-5 năm qua, ông Shu nhận định.
Ông Simon cũng cho rằng không khí căng thẳng chính trị đang làm nguội sự hợp tác. Các nhà khoa học Trung Quốc lo ngại bị chỉ trích oan, do đó, việc hợp tác quốc tế không đáng để chịu rủi ro. Đầu năm 2022, ông từ chức để phản đối các chính sách hạn chế hợp tác Trung Quốc của Đại học Bắc Carolina. Theo Times Higher Education, ông gặp quá nhiều rào cản hành chính khi tổ chức chuyến công tác nghiên cứu tới Trung Quốc, bị cấm đưa sinh viên đến thăm quốc gia này, và trường đại học đã cố gắng đóng cửa cuộc thảo luận chính sách không chính thức mà ông sắp xếp giữa các đồng nghiệp và nhân viên đại sứ quán Trung Quốc. Nhà trường từ chối bình luận nhưng khẳng định cam kết bảo vệ tính toàn vẹn nghiên cứu, và nghiêm túc về các lo ngại chính đáng đối với nghiên cứu học thuật của Mỹ, khỏi những ảnh hưởng không đúng đắn từ nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn hoan nghênh hợp tác với Trung Quốc. Sự cân bằng có thể đang dịch chuyển từ các cường quốc khoa học phương Tây sang các nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc – một chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu nhằm cải thiện thương mại – hầu hết thành viên là các nước châu Á, Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ. Kết quả hợp tác có thể được công bố trên các tạp chí đa dạng hơn, phù hợp với mục tiêu mở rộng tầm ảnh hưởng khoa học trên toàn thế giới của Trung Quốc. Quốc gia này cũng đã ký thỏa thuận hợp tác khoa học – công nghệ với 116 quốc gia, cũng như các nước thu nhập trung bình, thấp ở Nam Mỹ và châu Phi, theo bà Wagner.
Mặc dù vậy, xu hướng này vẫn có thể đảo ngược. Quan hệ Trung Quốc – phương Tây có thể cải thiện dần trong tương lai, bằng chứng là, sáng kiến Trung Quốc đã chấm dứt, Mỹ – Trung gia hạn thỏa thuận hợp tác khoa học – công nghệ, dù chỉ trong 6 tháng. Bà Wagner và ông Simon cho biết đồng nghiệp của họ ở Trung Quốc vẫn mong muốn tiếp tục hợp tác với các đồng nghiệp quốc tế. Chủ tịch Trung Quốc Tập Bình cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong bức thư gửi diễn đàn đổi mới ở Trung Quốc. Ông Simon bổ sung, Trung Quốc vẫn cam kết mạnh mẽ với khoa học quốc tế; cùng với việc duy trì mối quan hệ với các quốc gia khác, ngay cả khi mối quan hệ với Mỹ có phần suy giảm.
Lược dịch từ Nature
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 2
Chưa có đánh giá.