Học tập hỗn hợp (Blended Learning) là một hình thức tổ chức việc giảng dạy và học tập trong đó có sự kết hợp giữa các yếu tố trực tuyến và trực tiếp. Cách đây không lâu, đại dịch COVID-19 đã khiến các trường học trên toàn thế giới bước vào một phòng thí nghiệm khổng lồ, nơi hàng loạt mô hình học tập hỗn hợp khác nhau được thử nghiệm. Những trải nghiệm này đã cung cấp những thông tin quý giá về mô hình học tập độc đáo này.
Điều lớn nhất chúng ta học được rằng học tập hỗn hợp không chỉ là một giải pháp tạm thời trong đại dịch mà nó là một nhân tố then chốt mở ra nhiều lựa chọn, cung cấp sự linh hoạt, sự tham gia, cá nhân hóa, và sức bền trong hoạt động dạy và học trong tương lai. Bằng việc kết nối giữa các yếu tố trực tuyến và trực tiếp, mô hình này gợi ra nhiều cơ hội để chúng ta chuyển sang một hệ thống giáo dục hiện đại hơn.
Điều này đã truyền cảm hứng cho nhóm tác giả đề xuất một khung lý thuyết cho học tập hỗn hợp. Khung lý thuyết này không chỉ chứa các bài học quý báu từ các quốc gia về việc thực thi học tập hỗn hợp và từ xa, mà còn nhấn mạnh 6 yếu tố cần thiết để ứng dụng học tập hỗn hợp trên phạm vi toàn quốc, bao gồm: tầm nhìn chung, tài nguyên số và công nghệ thông tin, đào tạo giáo viên, dạy và học, hỗ trợ học tập cho học sinh, và kiểm tra/đánh giá.
Lợi ích và khó khăn của học tập hỗn hợp
Một trong những lợi ích cơ bản nhất của học tập hỗn hợp chính là nó cho phép sự linh hoạt lớn hơn khi cung cấp một lượng lớn lựa chọn phương tiện cho người học. Học sinh/Sinh viên có thể truy cập các khóa học và tham gia các hoạt động học tập theo tốc độ của bản thân. Cách tiếp cận này có thể đặc biệt có ích với những học sinh cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn bình thường để có thể nắm rõ những khái niệm và kỹ năng. Học tập hỗn hợp giúp giữ người học tham gia nhiều hơn vào sự học của mình kể cả khi họ đang không ở trường học. Đối với nhà giáo, học tập hỗn hợp có thể cung cấp nhiều cơ hội hợp tác và phát triển chuyên môn hơn.
Tuy nhiên, học tập hỗn hợp không phải là một “viên đạn bạc”. Những thách thức có thể kể ra bao gồm việc thích ứng chương trình và đánh giá, việc chuẩn bị giảng viên để ứng dụng mô hình này một cách hiệu quả, và những bất công bằng trong việc tiếp cận các cơ sở vật chất cũng như không đồng đều vì kỹ năng thông tin có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. Sự căng thẳng giữa việc duy trì tiêu chuẩn chung và cá nhân hóa bài giảng dựa trên tiến trình phát triển của mỗi học sinh cũng là một vấn đề lớn. Ngoài ra, những trở ngại như thời gian giới hạn của một năm học, sự vô định, và sự phản đối với thay đổi cũng là những điểm đáng cân nhắc.
Cách ứng dụng học tập hỗn hợp ở cấp độ hệ thống
Học tập hỗn hợp không đơn thuần là “chọn và trộn” giữa các yếu tố trực tuyến và trực tiếp, mà nó đòi hỏi sự tích hợp kỹ lưỡng giữa các bài giảng trực tiếp và những tài nguyên số để cá nhân hóa sự học dựa trên trình độ của người học và bối cảnh. Nó bao gồm việc sử dụng hợp lý các phương pháp học đồng thời (synchronous) và bất đồng thời (asynchronous), cũng như những hoạt động học tập trực tiếp (in-person) và từ xa (remote). Để đưa học tập hỗn hợp vào một hệ thống vĩ mô, có 6 yếu tố then chốt cần được đáp ứng:
1. Chia sẻ tầm nhìn
Cần có một tầm nhìn rõ ràng để hướng dẫn các cơ sở giáo dục, cũng như làm rõ các mối quan hệ để hỗ trợ việc thiết kế, tích hợp, giám sát, và cải thiện các chương trình học tập hỗn hợp chất lượng cao. Những chương trình này cần theo sát các chính sách quốc gia, việc dạy và học cần thiết trong lớp học, để cổ vũ những thực hành tốt trong việc triển khai học tập hỗn hợp hiệu quả. Một tầm nhìn quốc gia có thể cho phép tất cả các bên liên quan định hướng hành động của mình đến một mục tiêu chung.
2. Công nghệ thông tin và tài nguyên số
Một mình sự hiện diện của công nghệ không đủ để mang đến những thay đổi cho hệ thống giáo dục. Để thành công, công nghệ nên tăng cường các hoạt động dạy và học, cũng như giải phóng giảng viên để có thêm thời gian cho việc kết hợp các hoạt động tương tác trong lớp học. Trong đó, giảng viên và sinh viên cần có quyền tiếp cận những cơ sở hạ tầng số tin cậy.
3. Huấn luyện đội ngũ giảng viên
Công nghệ cần thiết cho học tập hỗn hợp, tuy nhiên, nó cũng đơn thuần chỉ là một công cụ. Sự thành công của học tập hỗn hợp phụ thuộc vào khả năng của giảng viên trong việc có thể sử dụng một cách có ý nghĩa những công nghệ sẵn có, thiết kế một trải nghiệm học tập lấy người học làm trung tâm, giám sát sự tham gia và tiến trình phát triển của người học, cũng như thay đổi các hoạt động học tập khi cần thiết.
4. Dạy và học
Học tập hỗn hợp có thể cung cấp cơ hội học tập cá nhân hóa và khiến người học tham gia vào việc học hơn cả những gì khả thi trong lớp học truyền thống. Tuy nhiên, chất lượng của trải nghiệm dạy và học còn quan trọng hơn cả hình thức mà bài học ấy được truyền tải. Giảng viên cần sự chuẩn bị và huấn luyện phù hợp để có thể thực hiện học tập hiệu quả. Ngược lại, các hoạt động học tập cũng có thể được điều chỉnh cho phù hợp với từng hoàn cảnh, độ tuổi, khả năng, và yêu cầu cụ thể của từng người học.
5. Hỗ trợ người học
Học sinh/Sinh viên cần những hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật để phát triển những kỹ năng cần thiết khi sử dụng công nghệ cho việc học, cũng như những hướng dẫn để có thể học tập một cách độc lập theo tốc độ của bản thân trong những thời gian và hoàn cảnh khác nhau. Trường học cần phải cho phép người học sự lựa chọn giữa các hình thức trong quá trình học tập của mình, nhằm ngăn chặn cảm giác cô lập, và tăng cường việc tự định hướng trong học tập.
6. Giám sát và đánh giá
Học tập hỗn hợp sử dụng các hình thức đánh giá thường xuyên và định kỳ để theo dõi quá trình tiến bộ của người học và tạo nên những kế hoạch học tập cá nhân hóa. Đánh giá thường xuyên đặc biệt quan trọng vì nó cho phép giảng viên xác định cấp độ của người học và đưa ra những phản hồi thường xuyên, tạo điều kiện cho người học phát triển. Việc giám sát cần được thích ứng và cải tiến liên tục ở cấp độ hệ thống.
Cách triển khai học tập kết hợp hiệu quả trong giáo dục
Việc triển khai hiệu quả phương pháp học tập kết hợp không chỉ đòi hỏi công nghệ mà còn đòi hỏi sự phát triển khả năng nhận thức của người học, và khả năng này có thể được nâng cao nhờ việc sử dụng công nghệ một cách hiệu quả. Thang phân loại của Bloom phác thảo sáu cấp độ khả năng nhận thức làm cơ sở cho các mục tiêu học tập. Điều này cũng có thể giúp giáo viên kết hợp phương pháp học tập kết hợp vào hoạt động giảng dạy của mình bằng cách chọn các công cụ và hoạt động kỹ thuật số phù hợp cho từng cấp độ nhận thức.
Điều quan trọng khi ứng dụng ở cấp độ quốc gia là cho phép áp dụng từng bước các mô hình học tập kết hợp để các trường có thể khám phá, thử nghiệm và suy ngẫm về các lựa chọn phù hợp nhất với họ. Triển khai học tập kết hợp ở các giai đoạn phát triển khác nhau sẽ là một cách hiệu quả để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.
Bảng: Các giai đoạn triển khai học tập hỗn hợp ở cấp độ quốc gia
Giai đoạn 1 | Đánh giá nhu cầu và khả năng của hệ thống giáo dục, bao gồm kỹ năng của giáo viên, không gian vật chất và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. |
Giai đoạn 2 | Xác định các mô hình giáo dục kết hợp, chẳng hạn như cấp học nào sẽ được ưu tiên cho việc học trực tiếp; thiết kế nội dung học tập kết hợp; và lên kế hoạch huấn luận giáo viên. |
Giai đoạn 3 | Triển khai phương pháp học tập kết hợp cho từng cấp học; phát triển các hội thảo để nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo; thiết kế các khóa học với phương pháp học tập kết hợp được đưa vào chương trình giảng dạy; và đảm bảo quyền truy cập vào hướng dẫn và công cụ. |
Giai đoạn 4 | Đánh giá các phương thức học tập kết hợp khác nhau và điều chỉnh cho phù hợp thường xuyên; đánh giá tác động của công nghệ mới; và xây dựng các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng. |
Để triển khai hiệu quả phương pháp học tập kết hợp ở quy mô quốc gia, hệ thống giáo dục cần có không gian để thử nghiệm những gì hiệu quả trong những hoàn cảnh nào và hoàn thành các mục tiêu nhỏ trước khi chuyển sang những mục tiêu đầy tham vọng hơn. Không phải tất cả học sinh hoặc giáo viên đều ủng hộ phương thức học tập này ngay từ đầu. Chìa khóa là phát triển lộ trình áp dụng dần dần các mô hình học tập kết hợp, đảm bảo rằng các bên liên quan hiểu được sự thay đổi này. Mặc dù quá trình này có thể gặp nhiều khó khăn nhưng lợi ích có thể sẽ được đền đáp trong trung và dài hạn, đặc biệt khi xét đến nhu cầu xây dựng hệ thống giáo dục có khả năng thích ứng với những thách thức toàn cầu trong tương lai.
Dịch từ World Bank blog
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.