Bạn chuẩn bị đi học nghiên cứu sinh tại 1 nước tiên tiến với học bổng hoành tráng. Bạn đang lâng lâng sung sướng. Mà bạn có không lâng lâng thì người xung quanh cũng sẽ… đẩy bạn lên mây. Bao nhiêu lời chúc mừng từ bạn bè, gia đình, họ hàng, đồng nghiệp làm mũi bạn như đang nở ra 1 tý, ngực bạn như đang ưỡn thêm 1 tý và chân bạn như đang có 2 quả tên lửa để đẩy bạn lên cao, cao mãi…
Nhưng trong những ngày chuẩn bị lên đường, những lúc sắp xếp đồ đạc 1 mình, hoặc ngồi một mình trước máy tính, có thể bạn cũng lại đang… run sợ, hoặc ít nhất là thấp thỏm, lo lắng. Ôi, 3 hay 4 năm học tới không biết mình phải làm như thế nào? Mình thi IELTS được 7.5 nhưng từng đó liệu đã đủ để viết cả luận án 200 trang; phương pháp mình mới học được 1 chút, biết chạy 1-2 model, liệu đã đạt yêu cầu? Liệu giáo có ép mình xuất bản thật nhiều không? Nếu giáo ép mà mình không làm được thì sao? Nghĩ đến đó là bạn đã vã hết cả mồ hôi. Nhưng nỗi lo này biết chia sẻ với ai? Khi mà giờ đi đâu cũng chỉ nghe thấy lời chúc mừng, tung hô. Rồi thì bao nhiêu việc khác nó ập vào: chia tay, chia chân, đi ăn nốt mấy món ngon đặc sản, rồi mua thêm đồ; chưa kể mấy trung tâm tư vấn học bổng còn đang đặt kín lịch nhờ bạn đến chia sẻ kinh nghiệm thành công với đàn em nữa chứ.
Nhưng những “ảo giác” đó không thay đổi được 1 thực tế: đó là 1 núi việc đang chờ bạn trong 3-4 năm trước mắt mà bạn – thực lòng mà nói – đang không quá tự tin. Nhưng phải chuẩn bị những gì thì bạn cũng lại không biết.
Và hôm nay, tôi chỉ xin “mách” bạn 1 thứ thôi. Có nhiều thứ cần chuẩn bị, nhưng 1 trong những thứ quan trọng nhất, đó là “tâm thế”. Và như tiêu đề, tôi khuyên bạn hãy tự trang bị cho mình 1 tâm thế như người mắc bệnh nan y đi gặp bác sỹ (ở trường hợp này, giáo của bạn, thầy của bạn ở trường mới chính là bác sỹ đấy). Tâm thế đúng sẽ định hình hành vi đúng cho bạn trong suốt quá trình học PhD. Để tôi thử phân tích vài điểm:
Thứ nhất, bị bệnh nan y tức là 1 là sống – 2 là chết. Người học PhD cũng vậy, 1 là tốt nghiệp – 2 mất hết sự nghiệp, lỡ hết các cơ hội khác, mất niềm tin từ gia đình, người thân (thậm chí từ vị trí niềm tự hào của cả dòng họ, trở thành nhân vật bỏ đi).
Thứ hai, bị bệnh nan y tức là phải ưu tiên hết vào việc chữa bệnh. Trước đây sở thích gì mà không phù hợp với việc chữa bệnh là phải bỏ. Ăn vặt – bỏ; tập thể thao – bỏ; chơi bời – bỏ; thức khuya – bỏ… Tóm lại cần thiết là phải bỏ, là phải thay đổi thói quen, hành vi hàng ngày của mình. Học PhD cũng vậy, cái gì ảnh hưởng đến việc tốt nghiệp, hoàn thành việc học là phải bỏ và điều chỉnh ngay và luôn.
Thứ ba, bị bệnh nan y là phải rất kiên nhẫn. Nếu không đã không phải nan y, chỉ là bệnh xoàng thôi. Học PhD cũng vậy, không kiên nhẫn, bình tĩnh đi từng bước mà cứ thích nhảy cóc, đốt cháy giai đoạn là chỉ có hỏng thôi. Chúng ta có 3-4 thậm chí 5 năm để giải quyết duy nhất 1 vấn đề nghiên cứu cơ mà, tại sao phải vội vã.
Thứ tư, bị bệnh nan y tức là phải tin tưởng, phối hợp với bác sỹ, tuân theo phác đồ điều trị với bác sỹ. Tương tự như vậy, học PhD thì phải tin tưởng, phối hợp với giáo, tuân theo lộ trình học tập mà giáo đã giao. Làm gì có bệnh nhân nào tự lên phác đồ điều trị cho mình; thế nhưng nhiều NCS lại cứ thích cãi giáo, giáo bảo làm 1 đằng, xong làm 1 nẻo; rồi than giáo không hỗ trợ, không tôn trọng tự do học thuật.
Đấy, kể sơ sơ 4 điểm. Hy vọng giúp ích được gì đó cho các bạn chuẩn bị học đang bắt đầu vào học PhD. Cũng cần nói thêm: cũng như bệnh nan y, không phải ai cũng chiến thắng bệnh tật kể cả khi đã làm đúng từ đầu đến cuối. Học PhD cũng vậy, kể cả bạn đã làm đúng từ đầu đến cuối, và cũng đã rất nỗ lực, việc không tốt nghiệp được hoặc tốt nghiệp không đúng hạn là điều bình thường. Hãy chuẩn bị cả tâm thế trong trường hợp xấu nhất để chả may, khi nó rơi vào mình cũng đón nhận bình tĩnh.
À, thực ra cũng có 1 điểm khác biệt giữa chữa bệnh nan y và học PhD. Đó là chả may khi 1 bệnh nhân không qua khỏi, thì những người khác sẽ làm 1 lễ viếng trang trọng, tưởng nhớ người bệnh, ca ngợi những đóng góp của người bệnh trong cuộc sống và công việc khi còn đương thời. Nhưng nếu bạn trượt PhD thì chả ai làm gì cho bạn đâu, chỉ có bạn gặm nhấm thất bại một mình mà thôi!
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.