Hành vi giả mạo, mạo danh tạp chí là một vấn đề tồn tại dai dẳng, làm tổn hại đến danh dự và đánh cắp phí xử lý bài viết, gây ảnh hưởng đến nhà xuất bản và cả các tác giả.
Cuối năm ngoái, Nhà xuất bản Đại học Liverpool (Liverpool University Press – LUP) tại Vương quốc Anh đã nhận được một email đáng quan ngại. Một tác giả đã liên hệ với các biên tập viên để hỏi về chi phí xuất bản bài báo trên một trong các tạp chí của họ – tạp chí International Development Planning Review (IDPR).
Điều này làm các biên tập viên nghi ngờ vì IDPR không thu bất kỳ khoản phí xuất bản nào. Email cũng chứa một liên kết đến trang web của IDPR, nhưng với URL không chính xác. Khi các biên tập viên nhấp vào nó, họ phát hiện ra một trang web giả mạo mang thương hiệu của tạp chí và một địa chỉ email mà họ chưa từng thấy trước đây. Tạp chí đã bị mạo danh.
Tạp chí cướp danh (hijacked journals) là một dạng tội phạm mạng trong đó bên thứ ba có ác ý tạo ra một trang web nhân bản để mạo danh một ấn phẩm hợp pháp. Sự giả mạo này sao chép các chi tiết quan trọng của tạp chí gốc, từ tiêu đề đến kho lưu trữ và số seri tiêu chuẩn quốc tế – một mã số nhận diện của ấn phẩm. Mục đích của việc cướp danh là nhanh chóng kiếm tiền bằng cách thu những khoản phí “xử lý bài viết” bất hợp pháp từ các nhà nghiên cứu. Mặc dù những kẻ đạo tặc này thường xuất bản các bài báo được gửi đến trang web lừa đảo, những nghiên cứu này không được bình duyệt cũng như không được coi là hợp pháp.
Cướp danh tạp chí không phải là một hiện tượng mới, nhưng nó không nhận được nhiều quan tâm như các hoạt động xuất bản săn mồi khác. Tuy vậy, tác động của chúng là rất đáng kể: các tạp chí cướp danh có thể gây tổn hại đến danh tiếng của nhà xuất bản, hút nguồn tài nguyên vốn đã hạn chế của các tạp chí chuyên biệt, “làm bẩn” hồ sơ khoa học và ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp của các nhà khoa học.
Những nhà nghiên cứu bị ảnh hưởng bởi việc cướp danh tạp chí nói với Nature Index rằng họ hy vọng sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo và giáo dục những ai chưa biết về hành vi này. Họ cũng lo ngại việc các công ty công nghệ và cơ sở dữ liệu khoa học thiếu tính khẩn cấp trong việc ứng phó hiệu quả với các vụ mạo danh được báo cáo.
Một vấn đề khó khăn
Anna Abalkina, một nhà nghiên cứu kinh tế tại Đại học Tự do Berlin (Free University of Berlin), đã theo dõi các tạp chí cướp danh suốt bốn năm qua. Cùng với tổ chức truyền thông Retraction Watch, bà giúp duy trì cơ sở dữ liệu về các vụ mạo danh, hiện ghi lại hơn 250 trường hợp và số lượng này vẫn tiếp tục tăng lên. Bà cho biết: “Hàng tháng đều có một số tạp chí hợp pháp bị mạo danh.”
Những trường hợp xảy ra đầu tiên từ năm 2011, nhưng chiến lược nhìn chung không thay đổi nhiều: tạo ra một trang web giả mạo đủ chỉn chu để lừa các nhà nghiên cứu trả phí xuất bản cắt cổ. Tạp chí IDPR giả, theo các nhà nghiên cứu được Nature Index liên hệ, tính phí từ 200 đến 2.000 USD cho mỗi bài báo.
Một hậu quả khác là lượng bài nộp tràn vào tạp chí hợp pháp. Đồng biên tập của IDPR, Dan Hammett, một nhà nghiên cứu địa lý nhân văn tại Đại học Sheffield (University of Sheffield), Vương quốc Anh, cho biết vào đầu tháng 12, tạp chí bắt đầu nhận được một lượng tăng dần các bài báo kém chất lượng mà thường không phù hợp với lĩnh vực của tạp chí. Hồi tháng 1, ông đã thấy “các bài đăng về các trận đấu cricket, về huấn luyện chó, về đủ loại ngẫu nhiên”.
Hammett cho biết, điều này gây áp lực đáng kể cho trợ lý biên tập duy nhất của tạp chí, người phải sàng lọc các bài nộp – công việc chiếm khoảng 50% thời gian của họ.
Không rõ làm thế nào mà các nhà nghiên cứu gặp phải tạp chí giả mạo. Một số nhà khoa học cho biết họ tìm thấy danh sách không chính xác vào cuối năm ngoái trong Scopus, một cơ sở dữ liệu học thuật được sử dụng rộng rãi. Cũng có thể Google đã hướng họ đến đó. Khi Nature Index tiến hành tìm kiếm ‘tạp chí IDPR’ vào đầu tháng 5, hai trong số năm kết quả hàng đầu vẫn dẫn đến trang web giả mạo, mặc dù trang web chính thức đã được liệt kê đầu tiên. Công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft không đưa danh sách tạp chí giả mạo vào trang kết quả đầu tiên.
LUP đã cố gắng xóa trang web bất hợp pháp khỏi kết quả tìm kiếm của Google bằng cách viết thư cho “gã khổng lồ công nghệ” vào tháng 2 với yêu cầu xóa trang web này. Nhưng nhà xuất bản viết trong bài đăng trên blog của mình rằng Google “không đặc biệt hữu ích” và phớt lờ những khẳng định rằng LUP sở hữu tạp chí và tất cả các bản quyền liên quan.
Vào ngày 2 tháng 7, LUP đã cập nhật rằng việc điều tra sâu hơn cho thấy tạp chí cướp danh đang được sử dụng để thao túng trích dẫn. Google cũng đã đồng ý xóa trang web lừa đảo. Tại thời điểm viết bài, trang web giả mạo vẫn xuất hiện ở hai trong số năm kết quả tìm kiếm hàng đầu.
Thiếu sự giúp đỡ
Khi nói đến việc bị cướp danh, việc vật lộn với các liên kết lừa đảo dường như là khó khăn chung. Đầu năm ngoái, tạp chí Scandinavian Journal of Information Systems (SJIS) đã bị mạo danh. Sune Dueholm Müller, một nhà khoa học thông tin tại Đại học Oslo (University of Oslo), tổng biên tập của tạp chí vào thời điểm đó, đã phát hiện ra rằng tin tặc đã thay đổi URL trên Scopus, dẫn các nhà nghiên cứu đến trang web giả mạo.
Müller cho biết ông đã dành nhiều tháng liên hệ với Scopus, cố gắng sửa đổi URL nhưng không nhận được phản hồi, khiến ông phải liên hệ với chủ tịch của Elsevier, nhà xuất bản Hà Lan điều hành Scopus, trên LinkedIn. Nhưng tổn thất đã đến với tạp chí. “Họ đã cố gắng xuất bản hàng trăm bài báo mang tên chúng tôi,” ông nói.
Scopus cuối cùng đã thay đổi liên kết. Một tuần sau đó, Scopus sửa lại chính sách của mình về các liên kết trang chủ, loại bỏ chúng hoàn toàn khỏi thư mục. Thời điểm này là một tháng sau khi Abalkina công bố nghiên cứu cho thấy ít nhất 67 tạp chí cướp danh được dẫn liên kết trên cơ sở dữ liệu kể từ năm 2013, trong đó 41 trang vẫn còn hoạt động tính đến tháng 9 năm ngoái.
Người phát ngôn của Scopus nói với Nature Index: “Sau khi xem xét cẩn thận vì những lo ngại nảy sinh, các liên kết trang chủ đã bị xóa khỏi Scopus vào năm ngoái”. Liên quan đến lời khẳng định của Müller về việc thiếu khẩn cấp trong việc sửa lại danh sách của SJIS, người phát ngôn cho biết: “Liên kết đến các trang web tạp chí không xác thực đã được điều tra. Nhận thức được sự leo thang của biên tập viên SJIS, chúng tôi đã liên hệ với anh ấy trước khi thực hiện thay đổi.”
Müller đã liên hệ với nhóm hỗ trợ của Google Scholar vào tháng 11 và tháng 12 năm ngoái và cho biết ông không nhận được phản hồi. Các ấn phẩm giả mạo từ SJIS cướp danh vẫn được liệt kê trên trang web tại thời điểm viết bài. Bộ phận hỗ trợ của Google và Google Scholar không phản hồi về yêu cầu bình luận. Ông cũng nêu vấn đề với Gmail, dịch vụ mà những kẻ đạo tặc sử dụng để liên lạc với các nhà khoa học và PayPal, dịch vụ được sử dụng để thu các khoản thanh toán, cũng như một số cơ quan thực thi pháp luật, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Müller đã nói chuyện với một số người bị ảnh hưởng bởi vụ cướp danh tạp chí của ông và thấy được tác động đối với các nhà nghiên cứu. Ông đề cập đến một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại một trường đại học ở Thái Lan, người đã vô tình công bố tác phẩm của mình trên tạp chí cướp danh. Khi người quản lý văn phòng Tiến sĩ liên hệ với Müller để xác nhận xem bài báo của học viên đã được xuất bản hay chưa, ông phải thông báo với họ rằng phiên bản bị đánh cắp không phải là một ấn phẩm hợp pháp. Kết quả là nghiên cứu sinh này không thể tốt nghiệp. “Thật đau lòng”, Müller nói, “Tôi chắc chắn 100% rằng những người này đã rơi vào bẫy.”
Hammett cũng lo ngại về các nhà nghiên cứu mới bắt đầu sự nghiệp, đặc biệt là những người ở các nước thu nhập thấp, bị lừa nộp bài cho các tạp chí giả mạo. Ông nói: “Nó có thể ảnh hưởng sâu sắc đối với việc tuyển dụng, thăng chức, phát triển nghề nghiệp,…”
Chống lại việc cướp danh tạp chí
Làm thế nào các nhà nghiên cứu, nhà xuất bản và biên tập viên có thể tránh được việc cướp danh tạp chí? Abalkina cho biết, bước đầu tiên là các nhà xuất bản và biên tập viên tạp chí phải dành thời gian để xây dựng một trang web mạnh mẽ, an toàn. Bà nhắc đến một tạp chí, Seybold Report, không có bất kỳ sự hiện diện trực tuyến nào khi nó trở thành mục tiêu của những kẻ đạo tặc năm lần. Tạp chí hiện đã ra mắt một trang web. Abalkina cũng khuyên các nhà xuất bản nên liên hệ với Retraction Watch để giúp cập nhật cơ sở dữ liệu tạp chí cướp danh và khuyến khích các nhà nghiên cứu sử dụng nó như nguồn tham khảo.
Hammett cho biết các tạp chí nhỏ hơn có thể đăng ký các tên miền khác nhau chuyển hướng đến một URL duy nhất, khiến những kẻ đạo tặc khó đăng ký một URL giả thuyết phục, nhưng ông thừa nhận rằng điều này có thể tốn kém. Ông nói thêm rằng cần đảm bảo các nền tảng và cơ sở dữ liệu liên kết ngược lại với các tạp chí phải được cập nhật. Một trong những vấn đề mà IDPR gặp phải là tạp chí này không giám sát và cập nhật URL của mình trên nền tảng của bên thứ ba, điều đó có nghĩa là những kẻ đạo tặc đã đăng ký trang web lừa đảo mà không bị phát hiện.
Ngoài ra, các công cụ chống lại hành vi xuất bản săn mồi có thể hỗ trợ các nhà nghiên cứu. Ví dụ, trang web Think Check Submit cung cấp một danh sách để đánh giá chất lượng tạp chí trước khi gửi bản thảo. Việc tích hợp danh sách kiểm tra vào quy trình nghiên cứu có thể mang lại những lợi ích nhất định.
Müller cho biết việc giao tiếp một cách cởi mở và minh bạch sau một vụ cướp danh cũng giúp nâng cao nhận thức. Mặc dù Hammett không tin rằng có thể làm được nhiều để ngăn chặn các vụ cướp danh, nhưng điều quan trọng là tiên phong và việc giải quyết một vụ cướp danh sẽ không ảnh hưởng đến uy tín của một tạp chí. Ông nói: “Điều này không nên khiến mọi người ngừng gửi bài đến đúng tạp chí, nhưng tôi hy vọng nó sẽ khiến mọi người suy nghĩ kỹ về việc kiểm tra xem họ đang gửi bài ở đâu”.
Dịch từ Nature
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.