Ngày 05/07/2025, tại Trường Đại học Thành Đô đã diễn ra chương trình tập huấn với chủ đề “Giảng dạy và Thiết kế bài giảng với AI: Trao quyền cho giảng viên trong thời đại Trí tuệ nhân tạo”. Sự kiện do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao Tri thức (REK) – Trường Đại học Thành Đô phối hợp tổ chức cùng các chuyên gia quốc tế đến từ Trường Đại học Oulu (Phần Lan), trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu giữa hai đơn vị.
Chương trình tập huấn nhằm mục tiêu nâng cao năng lực sư phạm số cho giảng viên đại học trong bối cảnh AI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong giáo dục. Tập huấn thu hút sự tham gia của gần 100 giảng viên đến từ Trường Đại học Thành Đô, cũng như các trường đại học, học viện khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Hiểu – Áp dụng – Phản tư: Giảng viên thời đại AI cần gì?
Mở đầu chương trình, các chuyên gia đến từ Đại học Oulu đã chia sẻ những kiến thức nền tảng về Trí tuệ Nhân tạo và tác động của nó đến quá trình dạy và học. Các nội dung xoay quanh ba trụ cột chính: hiểu rõ bản chất AI, học cách xây dựng lệnh (prompt engineering) phục vụ giảng dạy, và phản tư về tính đạo đức và bao trùm trong ứng dụng AI vào lớp học.
Theo TS. Andy Nguyễn – Phó Giáo sư tại Đại học Oulu (Phần Lan), việc tích hợp AI vào giáo dục không chỉ là tận dụng công cụ công nghệ mà còn là chuyển đổi tư duy giáo viên, từ người truyền đạt kiến thức sang người tổ chức và hỗ trợ quá trình học tập của người học. Ông nhấn mạnh rằng giáo viên cần phát triển tư duy linh hoạt, phản biện và sáng tạo để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.
Không chỉ lý thuyết – Trải nghiệm thực hành cùng chuyên gia
Khác với những buổi hội thảo mang tính lý thuyết thuần túy, chương trình tập huấn dành phần lớn thời gian cho hoạt động thực hành trực tiếp. Các giảng viên được chia thành nhóm nhỏ, cùng thiết kế các bài giảng tích hợp công cụ AI như ChatGPT, Magic School hay Napkin. Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia từ Đại học Oulu, các giảng viên đã cùng nhau xây dựng kế hoạch bài giảng, tổ chức nội dung học tập, và phản tư về vai trò người học trong môi trường lớp học tăng cường bằng AI.
Một điểm nhấn đặc biệt của chương trình là hoạt động xây dựng lệnh (prompt) nhằm hỗ trợ các nhiệm vụ giảng dạy cụ thể – từ thiết kế câu hỏi, sáng tạo tình huống dạy học đến xây dựng học liệu theo các mức độ nhận thức. Các nhóm tham dự đã trình bày sản phẩm và nhận phản hồi trực tiếp từ chuyên gia, tạo nên bầu không khí học tập tích cực và gắn kết.
Bên cạnh nội dung đào tạo, chương trình cũng là một phần của dự án nghiên cứu hợp tác giữa Viện REK – Trường Đại học Thành Đô và Phòng Nghiên cứu Công nghệ Giáo dục và Học tập (LET) – Đại học Oulu, nhằm tìm hiểu khả năng ứng dụng AI trong môi trường giáo dục đại học tại Việt Nam. Ở phần cuối chương trình, các giảng viên tham gia một phiên phản tư, đóng góp ý kiến, quan điểm cá nhân về AI trong giảng dạy, góp phần giúp các nhà nghiên cứu hiểu sâu hơn về chủ đề này.
Sự kiện tập huấn “Giảng dạy với AI” không chỉ là một chương trình nâng cao năng lực chuyên môn, mà còn là điểm khởi đầu cho một hành trình chuyển đổi sâu sắc trong tư duy giáo dục. Qua đó, giảng viên đại học không chỉ được trang bị công cụ mà còn được khơi gợi tinh thần sáng tạo, trách nhiệm và chủ động học hỏi để dẫn dắt người học trong kỷ nguyên mới của trí tuệ nhân tạo.
Qua sự kiện, trường Đại học Thành Đô thể hiện cam kết trong việc đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số một cách toàn diện, đặt đội ngũ giảng viên vào vị trí then chốt trong quá trình đổi mới giáo dục. Nhà trường hướng đến xây dựng một hệ sinh thái học tập tiên tiến, nơi công nghệ AI và con người phối hợp hài hòa để kiến tạo những trải nghiệm dạy – học truyền cảm hứng, hiệu quả và lâu dài.
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 1
Chưa có đánh giá.