Tây Ban Nha thay đổi cách thức đánh giá các nhà khoa học – dấu chấm hết cho “độc tài nghiên cứu”

Chính quyền nước này mong muốn áp dụng nhiều tiêu chí đầu ra nghiên cứu hơn trong việc đánh giá các nhà nghiên cứu tại hệ thống đại học công.

Hệ thống đánh giá các nhà khoa học vốn chịu nhiều chỉ trích của Tây Ban Nha, trong đó tiêu chí thăng tiến nghề nghiệp duy nhất lại nằm ở việc xuất bản các bài báo học thuật, sẽ sớm được cải tổ dựa trên những đề xuất mới đến từ Cơ quan Đánh giá chất lượng và Công nhận Quốc gia ̣(ANECA) của nước này.

Việc cải tổ, đã được thông báo vào đầu tháng này, sẽ lần đầu tiên thực hiện những biện pháp đánh giá đa dạng hơn bên cạnh các bài báo học thuật đối với các nhà nghiên cứu tại đại học công của Tây Ban Nha. Phần lớn các thành viên trong giới học thuật đều ủng hộ động thái thay đổi này, và họ cho rằng việc này sẽ giúp cho nền học thuật của Tây Ban Nha thoát ra khỏi cái bóng của hệ thống vốn luôn được miêu tả là thiết lập một “chế độ độc tài nghiên cứu”.

Hiện tại, ANECA đánh giá việc thực hiện nghiên cứu mỗi 6 năm một lần. Để được tăng lương ở mức tối thiểu nhất và thăng tiến trong công việc, các nhà khoa học phải chứng minh rằng họ đã xuất bản ít nhất là 5 bài báo trong suốt khoảng thời gian đó, và bài báo phải được đăng trên các tạp chí chất lượng, vốn được liệt kê trong ấn phẩm Các báo cáo trích dẫn tập san (JCR), một cơ sở dữ liệu được xuất bản thường niên bởi công ty phân tích Clarivate. Việc đạt được các mục tiêu trên cũng cho phép các nhà khoa học hướng dẫn các nghiên cứu sinh tiến sĩ, và được liệt tên vào danh sách các nhà nghiên cứu độc lập (principal investigators) tại trường đại học của họ, đồng nghĩa với việc họ sẽ được cung cấp nguồn ngân sách lớn hơn. 

Chính phủ Tây Ban Nha đã giới thiệu hệ thống này vào năm 1994, trong một nỗ lực thúc đẩy năng suất làm việc của các nhà nghiên cứu tại quốc gia này. Và họ đã đạt được điều đó: Tính tới năm 2021, Tây Ban Nha đứng thứ 11 toàn cầu trong đầu ra nghiên cứu khoa học, xuất bản hơn 100.000 bài báo hàng năm, theo như thông tin từ Bộ Khoa học và Đổi mới.

Nhưng nhiều học giả cho rằng hệ thống này đã có ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng công việc của họ và toàn bộ ngành khoa học nói chung. “Nó đã giải phóng một cỗ máy xuất bản không có điểm dừng”, đây là lời nhận xét của Ángel Delgado Vázquez, trưởng văn phòng Dịch vụ Hỗ trợ Học tập và Nghiên cứu tại Đại học Pablo de Olavide. Các nhà nghiên cứu hoàn toàn có thể làm việc một cách điên cuồng để đạt được kết quả, thậm chí một số đã từng cách hai ngày lại xuất bản một bài báo khoa học. Số khác lại chọn những con đường tắt, tức là xuất bản những bài báo có hàm lượng khoa học thấp hay giả mạo làm đồng tác giả; một số nhà khoa học đã thú nhận việc họ nhận những khoản thù lao từ các nhà nghiên cứu Ả Rập Xê-Út hay Ấn Độ để trở thành đồng tác giả trong những nghiên cứu mà họ không tham gia. Giới phê bình nhận định rằng hệ thống này cũng ủng hộ các nhà nghiên cứu ưu tiên việc xuất bản hơn là giảng dạy, đồng thời sử dụng các nguồn quỹ công để chi trả cho khoản phí xuất bản ngày càng đắt đỏ của một số tạp chí khoa học. 

Dưới ảnh hưởng của hệ thống mới này, ANECA mong muốn việc đánh giá sẽ cần phải cân nhắc bởi nhiều tiêu chí đầu ra nghiên cứu hơn, bao gồm “xuất bản khoa học, bằng sáng chế, nghiên cứu, công việc chuyên môn, công việc nghệ thuật, triển lãm, khai quật khảo cổ, và xây dựng dữ liệu thư mục”. Người đánh giá sẽ không chỉ cân nhắc duy nhất yếu tố tầm ảnh hưởng của tạp chí mà nhà nghiên cứu xuất bản bài báo của mình, mà họ cũng sẽ cần phải lưu tâm đến các chi tiết như liệu nghiên cứu này có được đối tượng độc giả không phải là giới học thuật biết tới thông qua các mục điểm tin hay tài liệu chính phủ hay không. Các bài báo cũng sẽ nhận đánh giá cao hơn khi được đồng thực hiện với các cộng đồng địa phương hay những tác giả nằm bên ngoài lĩnh vực học thuật. Và trong một nỗ lực giảm tải mức chi phí từ các quỹ công dành cho việc chi trả phí xuất bản, những người đánh giá giờ đây cũng sẽ phải quan tâm đến các bài báo được xuất bản trên các nền tảng phi thương mại và truy cập mở mà không thu phí tác giả, ví dụ như Open Research Europe.

Những thay đổi này sẽ là minh chứng cho nỗ lực cải tổ lại một hệ thống luôn ưu tiên “số lượng hơn chất lượng” và “để nhận ra rằng có nhiều cách khác nhau khi làm nghiên cứu khoa học”, theo như lời của Pilar Paneque, Giám đốc của ANECA. Bà cũng hy vọng rằng hệ thống mới này sẽ góp phần giảm thiểu vấn đề lừa đảo trong xuất bản. (Delgado Vázquez cho rằng hệ thống này sẽ “chắc chắn góp phần loại bỏ những hành vi trái đạo đức”).

Núria Benítez Monforte, quản lý nghiên cứu tại Viện Công nghệ Vi sinh và Khoa học Vi sinh Catalan, nhận định những đề xuất này là một “canh bạc lớn”. Nhưng nhiều cá nhân khác trong giới học thuật thậm chí còn cho rằng cần phải có những sự cải tổ mang tính quyết liệt hơn. Ví dụ, nhà khoa học thông tin Eva Méndez, thành viên Ủy ban Điều hành của Liên minh Phát triển Đánh giá Nghiên cứu, cho rằng chu trình đánh giá 6 năm cũng cần phải bị loại bỏ, bởi vì chúng “chỉ phục vụ cho việc làm giàu các nhà xuất bản học thuật có tên tuổi, vốn như đổ thêm dầu vào lửa đối với các nhà nghiên cứu trẻ”. 

ANECA hiện đang xem xét khoảng 600 ý kiến về những thay đổi đề xuất này, với mục tiêu hoàn thành hệ thống đánh giá mới vào cuối tháng. Nếu mọi việc suôn sẻ theo kế hoạch, hệ thống này sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm 2024.

Dịch từ Science

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 2

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh