Thế nào được coi là viết khoa học?

Tôi bắt đầu năm 2020 với ý nghĩ mình là một cây bút khoa học. Sau khi trải qua năm vừa rồi, tôi không còn chắc về điều đó nữa.

Khi đại dịch bắt đầu nhen nhóm vào cuối năm 2019, tôi đang còn dạo chơi ở các sườn đồi để tìm kiếm rắn đuôi chuông được gắn máy phát vô tuyến (radio-tagged), bị giật điện bởi một con cá trê phóng điện và nâng niu chú rùa đầu to mới nở trong lòng bàn tay. Khi 2020 bắt đầu và virus corona bắt đầu hành trình hủy diệt của nó trên toàn thế giới, tôi vẫn còn đang bận rộn quan sát bướm đêm di cư, và bị đấm vào ngón tay út bởi một con tôm bọ ngựa nhỏ nhưng vô cùng mạnh mẽ. Loài người chúng ta chia sẻ cùng một thực tế với những sinh vật này, nhưng trải nghiệm nó theo những cách hoàn toàn khác nhau. Con rắn chuông có thể cảm nhận được nhiệt độ cơ thể của những con mồi của chúng. Con cá trê có thể phát hiện những vùng có điện mà những con vật khác vô tình tạo ra. Bướm đêm và rùa đều có thể cảm nhận được từ trường trái đất và sử dụng năng lực này để định hướng đường đi của mình. Con tôm bọ ngựa có thể nhìn được những dạng thức ánh sáng mà chúng ta không thể nhìn thấy, và xử lý màu sắc theo cách thức mà ta chưa thể hiểu được hoàn toàn. Mỗi loài vật đều sở hữu những nhóm giác quan độc đáo của riêng chúng. Mỗi giác quan ấy đều riêng tư với một lát cắt nhỏ trong toàn bộ những hình ảnh, mùi hương, âm thanh và những kích thích khác vốn luôn tràn ngập hành tinh này.

Kế hoạch của tôi là viết một cuốn sách về những trải nghiệm giác quan đó, một cuốn hướng dẫn du lịch đưa mọi người tới tham quan tâm trí của một con dơi, một con chim và một con nhện. Những hành trình như vậy, “không phải để thăm thú những miền đất lạ mà để ngắm nhìn chúng qua con mắt của người khác”, như Marcel Proust từng nói, là “hành trình đúng nghĩa duy nhất”. 

Đáng tiếc, nó cũng nhanh chóng trở thành hành trình duy nhất tôi có thể tạo ra. Khi đại dịch lan rộng, các chuyến đi quốc tế không còn là một lựa chọn khả dĩ. Di chuyển, từ một hoạt động hàng ngày, trở thành một ký ức phai mờ. Nhà hàng, quán bar và các không gian công cộng đều bị đóng cửa. Các cuộc tụ họp xã hội có quy mô ngày càng nhỏ hơn, ít được tổ chức hơn và phải tuân thủ những quy định dãn cách, phòng bệnh. Thế giới của tôi thu nhỏ lại trong vài dãy nhà, nhưng thế giới giác quan của các loài động vật thì vẫn rộng mở, kỳ diệu như thế giới của Narnia, dễ dàng truy cập được thông qua hành động viết. Khi tôi phải dừng công việc viết sách của mình để tiếp nhận những công việc báo cáo về đại dịch, thế giới ấy cũng đóng lại.

Về lý thuyết, 2020 đáng ra phải là một năm tiên phong cho những cây bút khoa học. Một con virus làm đảo lộn thế giới và khiến cả nhân loại phải chú ý. Những câu chuyện về dịch tễ, miễn dịch học, siêu lây nhiễm, miễn dịch cộng đồng, bão cytokine, vắc-xin mRNA trở thành những món ăn thường nhật trên bàn ăn tối. Những chuyên gia y tế công cộng (cả những chuyên gia ‘dởm’) thu hút được hàng ngàn theo dõi trên mạng xã hội. Anthony Fauci trở thành một cái tên quen thuộc của gia đình. Câu chuyện lớn nhất năm vừa rồi – và thậm chí có lẽ là câu chuyện quan trọng nhất trong cả thập kỷ này – là câu chuyện khoa học, và những cây bút khoa học dường như đang trong một thời điểm lý tưởng để kể về nó.

Khi được thực hiện đúng cách, kể những câu chuyện khoa học sẽ rèn luyện các cây bút cách thức làm sáng rõ những vấn đề phức tạp, gìn giữ sự đa dạng góc cách của chuyện, hiểu được rằng mọi điều mới đều được xây dựng dựa trên những cơ sở cũ, và biết cách khám phá những điều mới lạ trong khi vẫn nhận thức được ranh giới kiến thức của mình. Những cây bút khoa học giỏi nhất đều hiểu rằng khoa học không phải là một cuộc diễu hành của các sự thật (fact) và đột phá, mà là một con đường gập ghềnh từ từ loại bỏ những điều không chắc chắn; rằng các công bố đã được phản biện không phải là chân lý và ngay cả những tạp chí uy tín cũng tràn ngập những nội dung vô nghĩa; rằng mọi nỗ lực khoa học đều bị cản trở bởi những đặc điểm rất con người, chẳng hạn như sự ngạo mạn. Tất cả những đặc tính này đáng ra phải trở nên vô giá trong bối cảnh thiên tai toàn cầu, khi mà những lời giải thích rõ ràng ngày càng trở nên cấp thiết, thông tin sai lệch thì đầy rẫy và không có đủ nguồn lực để trả lời.

Nhưng đại dịch không chỉ là một câu chuyện khoa học. Nó là một khủng hoảng đã bẻ cong và làm đảo lộn tất cả các khía cạnh cuộc sống. Khi con virus đang tấn công các tế bào, nó cũng bao vây cả xã hội, len lỏi vào những kẽ nứt và khai thác mọi yếu điểm nó tìm được. Và nó đã tìm được rất nhiều. Để giải thích được tại sao Hoa Kỳ, một quốc gia giàu có và phát triển về y sinh lại chống chọi kém như vậy trước đại dịch COVID-19, ta không chỉ cần phải hiểu những vấn đề virus học, mà còn cả về lịch sử phân biệt chủng tộc và diệt chủng, nhà dưỡng lão, lịch sử về thái độ đối nghịch với y tế và sức khỏe, những đặc quyền quốc gia, những thuật toán thống trị mạng xã hội, cũng như những vấn đề nhân cách của vị tổng thống thứ 45 của đất nước này. Khi đại dịch bắt đầu, kinh nghiệm viết lách khoa học của tôi, và là một người đã thực sự viết các báo cáo về đại dịch, đã trở nên rất hữu ích, nhưng cũng chỉ tới một mức độ nhất định. Trong suốt thời gian vừa rồi, nhiều đồng nghiệp của tôi đã than vãn về nhiều nhà báo rằng họ đã viết về đại dịch này mà không có tìm hiểu vững về kiến thức chuyên môn. Nhưng liệu thực sự có ai có đủ chuyên môn để nói về một đại dịch, mà ở một mức độ nào đó, đã trở thành một câu chuyện khổng lồ bao phủ rất nhiều khía cạnh?

Rudolf Virchow, người từng nghiên cứu về dịch bệnh phát ban năm 1848, hiểu cực kỳ rõ về tầm ảnh hưởng toàn diện này của các dịch bệnh lây nhiễm. Virchow không biết gì về tác nhân gây bệnh sốt phát ban, nhưng ông đã chỉ ra một cách chính xác rằng dịch bệnh chỉ có thể bùng phát diện rộng trong môi trường nghèo đói, suy dinh dưỡng, có điều kiện làm việc nguy hiểm và bất bình đẳng kéo dài do các chính trị gia kém năng lực và giới quý tộc cẩu thả gây ra. Virchow từng viết rằng, “Y học là một lĩnh vực khoa học xã và chính trị thì không khác gì y học ở quy mô lớn.”

Quan điểm này đã được rất nhiều nhà khoa học cùng thời ca ngợi, nhưng đã dần bị bỏ quên khi lý thuyết mầm bệnh xuất hiện. Trong nỗ lực trở nên khách quan và trung lập về quan điểm chính trị, các nhà khoa học dành sự chú ý của mình vào những tác nhân sinh học thay vì những yếu tố xã hội đã khiến dịch bệnh sinh sôi. Khoa học xã hội và khoa học y sinh bị chia tách thành nhiều ngành khác nhau. Lĩnh vực y học và sức khỏe cộng đồng xử lý bệnh tật như những cuộc chiến giữa con người và mầm bệnh, trong khi các nhà xã hội học và nhân chủng học thì đối mặt với bối cảnh rộng lớn hơn giống điều mà Virchow đã nhận định. Khoảng cách giữa các lĩnh vực này đã dần thu hẹp hơn vào những năm 1980, nhưng vẫn rất lớn. Và COVID-19 đã hạ cánh chính xác vào giữa khoảng cách ấy. Trong suốt năm 2020, Hoa Kỳ đã bận rộn nghiên cứu thuốc và vắc-xin để thoát khỏi dịch bệnh, cùng với đó là những tranh cãi về khẩu trang và giãn cách xã hội. Rốt cục, khẩu trang và giãn cách xã hội là những biện pháp duy nhất giúp kiểm soát dịch bệnh trong suốt năm đó, được gọi là “những can thiệp phi dược phẩm” (non-pharmaceutical intervention). Trong khi đó, các can thiệp xã hội như nghỉ ốm có lương và bảo hiểm y tế toàn dân, vốn có thể giúp những người lao động thiết yếu bảo vệ sinh kế của họ mà không phải chịu rủi ro về sức khỏe, hầu như không được xem xét.

Nếu nói đại dịch là một câu chuyện khoa học, thì nó cũng là một câu chuyện về những hạn chế  của khoa học. Những dạng thức khuyến khích học thuật tiêu cực trong đó thưởng cho việc công bố trong các tạp chí có chỉ số tác động cao đã từ lâu đẩy lĩnh vực này tới những công trình cẩu thả, không thể tái lặp; trong đại dịch, các nhà khoa học đã làm ngập tràn kho tài liệu với những nghiên cứu không làm đến nơi đến chốn và từa tựa nhau. Các chuyên gia đã kêu gọi mọi người “lắng nghe khoa học”, cứ như thể “khoa học” là bộ sưu tập các sự thật chứ không phải là một thực thể vô định hình, năng động, được sinh ra từ tâm trí tập thể của hàng nghìn người liên tục tranh luận và bất đồng về những dữ liệu có thể được diễn giải theo nhiều cách. Việc những bệnh mãn tính như rối loạn chuyển hóa máu và viêm não tủy vốn từ lâu không được chú ý có nghĩa là khi hàng nghìn người mắc bệnh COVID-19 liên tục gặp các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng (long-hauler), khoa học hầu như không có gì để hỗ trợ họ. Mong muốn ngây thơ để khoa học vượt lên trên chính trị có nghĩa là nhiều nhà nghiên cứu đã không chuẩn bị để đối phó với một cuộc khủng hoảng toàn cầu mà cốt lõi của nó là cả khoa học và chính trị. Whitney Robinson, một nhà dịch tễ học đã nói với tôi rằng, “Có một đối thoại đang diễn ra về việc liệu chúng ta nên quan tâm tới cả việc vận động xã hội hay chỉ nên ‘chú tâm vào khoa học’. “Chúng ta luôn nói về việc mọi người sẽ tiếp nhận những phát hiện mình và thực hiện chúng như thế nào. Chúng ta cũng gửi những phát hiện đó và kiến ​​thức đã tăng lên! Nhưng với COVID, đó là một lời nói dối! “

Những trải nghiệm của Virchow với dịch bệnh đã làm ông trở nên cực đoan hóa, từ một người được gọi là “cha đẻ của bệnh học” trở thành một nhà vận động cho cải cách xã hội và chính trị. COVID-19 cũng đã khiến nhiều nhà khoa học trải qua sự thay đổi tương tự. Nhiều vấn đề mà COVID-19 làm lộ ra đã quá quen thuộc với các nhà khoa học khí hậu, những người vui mừng chào đón các nhà dịch tễ học mới bị sang chấn vào hàng ngũ của họ. Trong bối cảnh đại dịch, các cuộc tranh luận cũ về việc liệu khoa học (và viết khoa học) có tính chính trị hay không giờ đây dường như đã trở nên lạc hậu. Khoa học chắc chắn là có tính chính trị, mặc cho việc các nhà khoa học có muốn nó như vậy hay không, bởi vì nó là một doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ với con người. Nó thuộc về xã hội. Nó được đan xen với xã hội. Nó là của xã hội.

Khi tôi bắt đầu viết về COVID-19 vào năm 2020, rõ ràng là phương thức viết khoa học thông thường sẽ hoàn toàn không đủ. Phần lớn báo chí có nội dung rất rời rạc: Những câu chuyện lớn được chia nhỏ thành các thành phần nhỏ để có thể nhanh chóng chuyển thành content. Đối với viết khoa học, điều đó có nghĩa là coi các bài báo khoa học riêng lẻ như một đơn vị nguyên tử bất khả xâm phạm và mỗi một lần chỉ viết về một nghiên cứu. Nhưng đối với một khủng hoảng toàn diện, cách tiếp cận này chỉ dẫn đến một đống mảnh ghép lộn xộn, khó hiểu và liên tục thay đổi. Thay vào đó, những gì tôi cố gắng làm là hợp nhất những mảnh ghép đó lại. Tôi đã viết một loạt các bài viết dài về các vấn đề lớn, cố gắng tổng hợp một lượng lớn thông tin và cung cấp cho độc giả một tảng đá vững chắc để họ có thể quan sát dòng thông tin ào ạt lướt qua mà không bị chìm trong đó. Tôi coi đại dịch không chỉ là một câu chuyện khoa học. Tôi đã phỏng vấn các nhà xã hội học, nhân chủng học, sử học, ngôn ngữ học, bệnh nhân, v.v. Và tôi thấy rằng công việc viết lách mà tôi hướng tới cũng như vậy. Đại dịch đã làm rõ rằng khoa học không thể tách rời khỏi phần còn lại của xã hội, và mối liên hệ đó hoạt động theo cả hai chiều. Khoa học va chạm với mọi thứ; mọi thứ đều liên quan đến khoa học. Các bức tường giữa các khía cạnh dường như vỡ vụn. Lúc này, tôi thấy mình đang tự hỏi, thậm chí cái gì được coi là viết khoa học?

Từ lâu đã có một quan điểm về viết khoa học trong đó coi nó là công việc mở tháp ngà và làm cho những nội dung khó hiểu của nó có thể tiếp cận được với công chúng. Nhưng đây là một góc nhìn kỳ lạ, đầy rẫy những hệ lụy rắc rối. Nó mặc nhiên cho rằng khoa học bị coi thường và không được đánh giá cao, và rằng độc giả phải được thuyết phục về tầm quan trọng và giá trị của nó. Nó đánh đồng khoa học với các tạp chí khoa học, trường đại học và các cơ quan nghiên cứu lớn, một so sánh trì độn và tù túng. Và việc coi khoa học như một thực thể đặc biệt mà ‘dân thường’ đang bắt đầu được mời tham gia cũng có phần nào nghe thật thượng đẳng.Khoa học to lớn hơn nhiều những thư viện công bố, hay những quan điểm của những tiến sĩ và giáo sư. Viết khoa học cũng nên được coi là rộng lớn như vậy. Cuối cùng gì, cái gì có thể được coi là viết khoa học? là một câu hỏi mà chúng ta không nên trả lời. Một tự sự của một người phụ nữ về bệnh tật của cô ấy. Một lịch sử văn hóa về một màu sắc. Một mô tả về một ngôi làng có hàng xóm là một công ty tên lửa. Đó là những bài viết mà tôi và các cộng sự đã lựa chọn cho tuyển tập Những bài viết khoa học và tự nhiên hay nhất Hoa Kỳ 2021 (Best American Science and Nature Writing), và cũng là những minh chứng cho thấy khoa học đã đan xen một cách cực kỳ phức tạp vào cuộc sống của ta – phức tạp tới mức thế nào là viết khoa học nên là một thứ khó để định nghĩa.

Dịch từ The Atlantic

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh