Thực hành nhận dạng và đối phó với tạp chí “săn mồi”: Những điều các nhà nghiên cứu cần biết trước khi nộp bản thảo

Ảnh: Wall Street Journal via Behance | CC BY-NC-ND 4.0

Định nghĩa của tạp chí “săn mồi” 

Thuật ngữ “săn mồi” được giới thiệu lần đầu bởi một thủ thư người Mỹ tên Jeffrey Beall, người đã thành lập và duy trì Beall’s List, một danh sách miễn phí chứa tên “các nhà xuất bản và tạp chí đã, đang, và có khả năng lớn sẽ trở thành nhà xuất bản hay tạp chí săn mồi”. Danh sách này đã được sử dụng và thảo luận rộng rãi trong các cộng đồng nghiên cứu, nhưng cũng gặp phải nhiều lời chỉ trích vì tiêu chí đánh giá chủ quan và gây ra thiệt hại cho danh tiếng của các nhà xuất bản truy cập mở (OA – Open Access) chân chính. Mọi người từ lâu đã tin một cách sai lầm rằng hành vi săn mồi là đặc trưng của các tạp chí OA, trong khi chúng cũng có thể được tìm thấy ở các nhà xuất bản thương mại truyền thống. Tuy nhiên, mối lo ngại về gian lận học thuật không chỉ giới hạn ở hành vi săn mồi của các nhà xuất bản thông qua việc săn lùng các nhà nghiên cứu, mà nó còn bao gồm hành vi sai trái của một số nhà nghiên cứu như đạo văn, giả mạo và bịa đặt dữ liệu. 

Những nỗ lực nhằm xác định những yếu tố tạo nên các tạp chí và nhà xuất bản săn mồi vẫn đang được thảo luận rộng rãi, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một sự đồng thuận chung. Theo Nature, các tạp chí và nhà xuất bản săn mồi được định nghĩa là “các tổ chức đặt lợi ích thương mại lên trên học thuật, có đặc điểm là chứa nhiều thông tin sai lệch hoặc gây hiểu nhầm: sai lệch từ các phương pháp biên tập và xuất bản, thiếu minh bạch, sử dụng các phương pháp chào mời mang tính công kích và bừa bãi”. Sự thay đổi liên tục của các hành vi săn mồi đã khiến việc phân biệt một tạp chí săn mồi với một tạp chí nghèo nàn về nguồn lực trở nên rất khó khăn. Chi phí thiết lập các tạp chí điện tử tương đối thấp nhờ sự trợ giúp của công nghệ đã làm tăng số lượng các tạp chí trực tuyến. Điều này dẫn đến việc một số tạp chí tuy không có ý định lừa dối tác giả, nhưng do ngân sách và nguồn lực hạn chế của cơ quan vận hành tạp chí,  vẫn bị đánh giá là đáng ngờ vì không tuân thủ bài bản các thông lệ biên tập và xuất bản. 

Mối đe dọa của nhà xuất bản/tạp chí săn mồi

Vấn đề tạp chí săn mồi có phạm vi ảnh hưởng toàn cầu và mỗi quốc gia đều chịu tác động của nó ở các cấp độ khác nhau. Một nghiên cứu đã xác định tỷ lệ các tạp chí săn mồi bằng cách sử dụng các danh sách như Beall’s List, DOAJ, Scimago, JCR. Nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù số lượng tăng trưởng theo cấp số nhân, nhưng tạp chí săn mồi chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong các cơ sở dữ liệu chủ chốt này. Ngược lại, ở Ấn Độ, hoạt động xuất bản săn mồi đã phát triển sang một quy mô rộng hơn nhiều lần. Một danh sách do Ủy ban Tài trợ Đại học – Hiệp hội Nghiên cứu và Đạo đức Học thuật, thường được gọi là UGC-CARE, công bố vào năm 2018 với mục đích chống lại mối đe dọa này. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho rằng các nhà nghiên cứu trẻ từ các nước đang phát triển được coi là những người có nhiều công bố nhất trên các tạp chí săn mồi. Tuy nhiên, bằng chứng thực nghiệm gần đây lại cho thấy rằng các bài báo trên các tạp chí đó được viết bởi các nhà nghiên cứu từ mọi cấp độ kinh nghiệm học thuật chứ không giới hạn ở các nhà nghiên cứu trẻ.

Những tạp chí săn mồi này làm hỏng hồ sơ học thuật, gây ra mối đe dọa cho độ tin cậy và tính toàn vẹn của nghiên cứu khoa học. Nó cũng làm hoen ố uy tín của các nhà nghiên cứu, những người có công bố trên các tạp chí như vậy có thể vẫn ngây thơ không biết về những hoạt động mang tiếng xấu của họ. Mặt khác, các tác giả có thể cố tình công bố trên các tạp chí bất hợp pháp này, đặc biệt ở những khu vực nơi đánh giá nghiên cứu dựa trên số lượng hơn là chất lượng, bởi đây là cách dễ dàng để nghiên cứu được xuất bản nhanh chóng mà không cần hoặc bình duyệt qua loa. Việc rút lại bài báo các tạp chí như vậy là rất khó khăn, tên của tác giả và tổ chức của họ sẽ liên kết vĩnh viễn với các nhà xuất bản săn mồi, làm tổn hại đến triển vọng nghề nghiệp trong tương lai của họ. Việc xuất bản trục lợi cũng tạo ra sự sụt giảm trong nguồn tài trợ nghiên cứu, khiến nguồn lực và tiền bạc bị lãng phí cho các kết quả nghiên cứu không có giá trị cho khoa học hoặc xã hội. Theo một nghiên cứu, 60% bài báo đăng trên các tạp chí trục lợi không nhận được trích dẫn nào trong khoảng thời gian 5 năm sau khi xuất bản, so với chỉ 9% trên các tạp chí được liệt kê trong Scopus. Ngược lại, những công bố “rác” này có thể được trích dẫn bởi nghiên cứu khác, tạo ra thông tin sai lệch và có hại trong một số trường hợp. Thực hành dựa trên các công bố sai lệch mang lại những hậu quả rất khó lường.

Danh sách các hành vi săn mồi phổ biến trong xuất bản học thuật

Các tạp chí trục lợi có thể được xác định bằng các dấu hiệu như việc sử dụng tiếng Anh và thiết kế trang web kém, tuyên bố phóng đại về trạng thái chỉ mục, các chỉ số ảnh hưởng, chỉ số trích dẫn của họ với mục đích đánh lừa tác giả. Một chiến lược phổ biến là miêu tả tạp chí có tính quốc tế và/hoặc có phạm vi đa ngành, đồng thời hứa hẹn sẽ bình duyệt và xuất bản nhanh chóng với hy vọng thu hút các tác giả đang chịu áp lực phải xuất bản trên một tạp chí quốc tế. Tất nhiên, để có thể xác định chính xác thì vẫn cần có thêm bằng chứng về chất lượng bài viết, độ uy tín của ban biên tập, danh tiếng và tính minh bạch của nhà xuất bản cũng như quy trình bình duyệt của tạp chí.

Để tránh xác định nhầm, các nhà nghiên cứu phải có đủ nhận thức về các hành vi săn mồi này và thực hành nhuần nhuyễn trước khi gửi bản thảo của mình cho các tạp chí. Một số hành vi săn mồi được ghi nhận cho đến nay bao gồm:

  • Không cố định: Các nhà xuất bản săn mồi tai tiếng tự đổi tên thương hiệu trong khi vẫn cung cấp các tạp chí tương tự. Ví dụ: OMICS, một nhà xuất bản và tổ chức các hội thảo săn mồi, có các thương hiệu xuất bản khác như Hilaris, ImedPub và Longdom.
  • Ăn cắp chất xám: Những nhà xuất bản này xuất bản lại hoặc đạo văn từ các bài báo từ các tạp chí uy tín và cho chúng là của mình. Hành vi này bao gồm tạo ra các kho lưu trữ bằng cách sao chép các bài báo và thay đổi ngày tháng để tạo hiểu nhầm rằng họ là người xuất bản trước các bài báo đó.
  • Tạp chí giả mạo: Trang web của tạp chí săn mồi được thiết kế sao cho giống hệt với một tạp chí uy tín khác, nhằm mục đích đánh lừa các tác giả rằng chúng là tạp chí đích thực và thu phí tác giả.
  • Các hội thảo đáng ngờ: Những tạp chí săn mồi thường tổ chức các hội nghị giả mạo. Các tác giả bị dụ dỗ trình bày tại các hội nghị được tổ chức ở các địa điểm quốc tế, sau đó thu phí hội nghị để xuất bản bài trình bày của tác giả như thỏa thuận. Những người tổ chức hội thảo và các thành viên ủy ban thường là người cũng thuộc ban biên tập của tạp chí, ngụ ý rằng có rất ít hoặc không có bình duyệt do xung đột lợi ích.
  • Mua bán vị trí tác giả: Những nhà xuất bản này không chỉ cung cấp dịch vụ công bố mà còn cung cấp quyền đồng tác giả cho những bài báo này. Các tác giả sẽ nhận được những lời hứa hẹn về việc công bố trên các tạp chí uy tín, được liệt kê trong các chỉ mục danh giá.

Làm thế nào các nhà nghiên cứu có thể tránh được tạp chí và nhà xuất bản săn mồi?

Khi biết đến hành vi săn mồi của một số tổ chức, phản ứng đầu tiên của các nhà nghiên cứu có thể là chọn một danh sách theo dõi để họ có thể tìm thấy câu trả lời nhanh chóng và dễ dàng. Mục đích của những danh sách này là theo dõi và chỉ tên các nhà xuất bản và tạp chí săn mồi hoặc đáng ngờ, tuy nhiên, đây vẫn là một cách làm gây tranh cãi và liên tục gặp phải chỉ trích như thiếu độ tin cậy và minh bạch về các tiêu chí để xác định tạp chí săn mồi, dễ bị ảnh hưởng bởi thành kiến cá nhân. Thực tế, không có danh sách theo dõi duy nhất nào có thể đảm bảo nhận dạng được tất cả các tạp chí săn mồi hiện có.

Do những hạn chế này, điều quan trọng đối với các nhà nghiên cứu là không phụ thuộc vào bất kỳ danh sách theo dõi nào, đồng thời phát triển kỹ năng tự phát hiện các hành vi săn mồi. Các nhà nghiên cứu cũng được khuyến khích làm quen với các tài nguyên đáng tin cậy, chẳng hạn như DOAJ, một chỉ mục về các tạp chí truy cập mở trên đầy đủ trên tất cả các ngành và ngôn ngữ. Chỉ mục này tiếp nhận và xem xét trung bình 800 đơn đăng ký từ các tạp chí OA mỗi tháng và vào năm 2022, và chỉ 26% số tạp chí đã đăng ký được chấp nhận vào chỉ mục. DOAJ cam kết chống lại các hành vi xuất bản săn mồi và thu hút một nhóm chuyên gia đánh giá để giữ cho chỉ mục không bị các nhà xuất bản trục lợi, bảo vệ các nhà nghiên cứu khỏi vòng vây của những cơ sở thiếu liêm chính. Những tiêu chuẩn khắt khe này đã khiến DOAJ trở thành một nguồn đáng tin cậy, không chỉ cho cộng đồng khoa học mà còn cho bất kỳ ai muốn truy cập những thông tin tin cậy. 

Cho đến nay, có nhiều hướng dẫn để phát hiện các tạp chí có tính chất săn mồi. Tuy nhiên, dù có một số lượng lớn danh sách theo dõi được công bố trong tám năm qua, nhưng rất ít danh phân loại tạp chí dựa trên các tiêu chí cụ thể. Với rất ít hoặc không có các tiêu chí xác định hay bằng chứng cụ thể, danh sách theo dõi có thể không đủ tin cậy và đôi khi không thể đưa ra câu trả lời chắc chắn cho nhà nghiên cứu muốn xác định xem một tạp chí có phải tạp chí săn mồi hay không.

Bảng dưới đây trình bày một số khuyến nghị thực tế bắt nguồn từ kinh nghiệm chuyên môn của tác giả trong việc đánh giá các tạp chí và nhà xuất bản OA. Chúng có thể phục vụ như điểm tham chiếu cho các nhà nghiên cứu khi họ chọn một tạp chí để gửi bản thảo của mình. Để ngăn chặn các nhà xuất bản săn mồi sử dụng những đề xuất này để trốn tránh bị phát hiện, nhóm tác giả xin phép không đưa ra giải thích chi tiết cho các khuyến nghị này.

Khuyến nghịNhững dấu hiệu cảnh báo
1. Đọc phần phạm vi của tạp chí để xác nhận họ có xuất bản các bài báo đúng với lĩnh vực mà họ công bố khôngCác bài báo đến từ lượng lớn các chủ đề, lĩnh vực khác nhau
Quảng cáo là tạp chí quốc tế nhưng hầu hết bài báo được xuất bản bởi tác giả từ một quốc gia duy nhất nào đó hoặc các chủ đề chỉ về một khu vực nhỏ
Các tài liệu trích dẫn không liên quan đến phạm vi của tạp chí
2. Kiểm tra kỹ lưỡng tạp chí và nhà xuất bản để đảm bảo rằng đây là các cơ sở/tổ chức uy tín được ghi nhận bởi cộng đồng học thuậtThông tin sai lệch: chỉ số ảnh hưởng IF hiển thị từ một nguồn không rõ hoặc là giả
Hiển thị một địa chỉ “Tây” để ra dáng một nhà xuất bản quốc tế
Vị trí địa lý của nhà xuất bản khác với ban biên tập
Thiếu sự minh bạch trong các thông tin của nhà xuất bản về sở hữu cũng như mô hình kinh doanh
3. Điều tra ban biên tập của tạp chí để xác nhận xem có đúng họ là những chuyên gia trong lĩnh vực của tạp chí hay khôngChuyên môn của thành viên ban biên tập không giống với phạm vi của tạp chí
Thông tin của các thành viên ban biên tập không thể được kiểm chứng qua các cơ sở dữ liệu nhà khoa học thông dụng
Thiếu các thông tin về học vấn, kinh nghiệm nghiên cứu của các thành viên ban biên tập 
Khẳng định quy mô quốc tế nhưng không có đại diện quốc tế trong ban biên tập
4. Đánh giá chất lượng của trang web tạp chí. Một trang web uy tín sẽ có những thông tin rõ ràng, dễ định vị, và đầy đủ những thông tin cần thiết trên trang chủThông tin thiếu sót hoặc không rõ ràng về quy trình biên tập, mức phí, thông tin liên lạc, đạo đức nghiên cứu,…
Trang web chứa các quảng cáo không liên quan đến tạp chí
5. Đọc phần hướng dẫn cho tác giả và chú ý vào các chính sách bình duyệt của tạp chí, kiểm tra chất lượng bài báo và độ liên quan đến lĩnh vực của bạnQuảng cáo về thời gian bình duyệt nhanh
Xuất bản những bài báo với chất lượng đáng ngờ, như không thuộc lĩnh vực tạp chí hoặc đạo văn
6. Kiểm tra các dịch vụ dành cho tác giả khácTổ chức các hội thảo với lời hứa hẹn sẽ xuất bản trên chính tạp chí của họ
Đưa ra lời mời biên soạn bản thảo cho tác giả với cam kết chắc chắn xuất bản trên chính tạp chí của họ

Các nguồn tài nguyên có sẵn khác cho các nhà nghiên cứu

Hướng dẫn hoặc danh sách kiểm tra cụ thể của trường đại học hoặc viện nghiên cứu

Nhiều thư viện và thủ thư của trường đại học đưa ra các hướng dẫn cho các nhà nghiên cứu của họ hoặc một danh sách theo dõi để tham khảo nhằm, giúp họ hiểu và xác định các nhà xuất bản săn mồi, ví dụ, danh sách kiểm tra Be iNFORMEd từ thư viện trung tâm y tế của Đại học Duke để đánh giá chất lượng của một tạp chí, và danh mục của Open Access Journal Quality Indicators được phát triển bởi hai thủ thư từ thư viện của Đại học Bang Grand Valley.

Công cụ từ các tổ chức khác

  • DOAJ duy trì một danh sách các tạp chí tự nhận mình thuộc DOAJ;
  • Retraction Watch cung cấp danh sách cập nhật các tạp chí nhái;
  • Think. Check. Submit là một công cụ để các nhà nghiên cứu xác định các tạp chí uy tín;
  • Think. Check. Attend là một công cụ hướng dẫn các nhà nghiên cứu lựa chọn liệu một hội nghị học thuật tin cậy để tham dự và gửi bản tóm tắt của họ tới;
  • Latindex, một cơ sở dữ liệu chỉ mục cho khu vực Mỹ Latinh, gồm các hướng dẫn cho các nhà nghiên cứu địa phương tránh xuất bản trên các tạp chí săn mồi;
  • B!SON là công cụ giới thiệu tạp chí sử dụng siêu dữ liệu từ DOAJ để cung cấp cho các nhà nghiên cứu danh sách các tạp chí OA phù hợp cho ấn phẩm của họ dựa trên mức độ phù hợp về chủ đề.

Tài liệu tham khảo khác

  • Phiên bản 2022 của các nguyên tắc minh bạch của Ủy ban Đạo đức Xuất bản (Committee on Publication Ethics – COPE) xây dựng các tiêu chuẩn xuất bản và biên tập tốt nhất để các nhà xuất bản và biên tập viên tuân thủ;
  • Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Đối tác Liên học viện (Interacademy Partnership – IAP) về việc chống lại các tạp chí và hội thảo săn mồi;
  • Một ebook có tựa đề The Predator Effect: Understanding the Past, Present and Future of Deceptive Academic Journals (Tác động của săn mồi: Tìm hiểu về quá khứ, hiện tại và tương lai của các tạp chí săn mồi) của tác giả Simon Linacre;
  • Tài liệu thảo luận của COPE về xuất bản săn mồi bao gồm phần giới thiệu và các giải pháp tiềm năng để giải quyết vấn đề này.

Dịch từ UKSG Insights

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 1

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh