Những vấn đề tồn tại sâu trong các hệ thống nghiên cứu bản địa cần phải được loại bỏ để đảm bảo cho nhà nghiên cứu ở các nước thu nhập thấp có thể khai thác những lợi thế của truy cập mở.
Xuất bản truy cập mở có thể giúp thúc đẩy dòng chảy các bài báo học thuật đến và đi từ các nhà nghiên cứu, đặc biệt là ở nơi hạn chế về nguồn lực. Nhưng đối với những nhà khoa học ở các nước thu nhập thấp, sự mất cân bằng quyền lực và thiếu minh bạch khiến họ khó tận dụng tối đa khả năng tiếp cận này.
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi nhằm đảm bảo phong trào truy cập mở thực sự giúp ích cho các nhà nghiên cứu ở các quốc gia thu nhập thấp – những nước thường có lịch sử bị chiếm đóng làm thuộc địa – sau khi một nghiên cứu chỉ ra rằng các khu vực này không được hưởng lợi nhiều như lẽ ra họ phải có.
Một nghiên cứu đã so sánh trích dẫn của các tài liệu truy cập mở với tài liệu trả phí đọc nhằm cho thấy việc cung cấp nghiên cứu miễn phí có thể ảnh hưởng như thế nào đến độ phổ biến của nghiên cứu đó trên toàn thế giới.
Đồng tác giả nghiên cứu – Cameron Neylon, người thực hiện truyền thông khoa học tại Đại học Curtin ở Perth, Australia, cho biết: “Điều quan trọng là cần phải nỗ lực chứng minh truy câp mở thực sự có những lợi ích như chúng ta vẫn đang khẳng định”.
Neylon và các đồng nghiệp của ông đã kiểm tra 420 triệu trích dẫn trong giai đoạn 2010–2019 cho 19 triệu kết quả nghiên cứu và phát hiện ra rằng các tài liệu truy cập mở thu được nhiều trích dẫn hơn những tài liệu trả phí. Ví dụ, các bài báo truy cập mở được xuất bản vào năm 2010 có trung bình 44 trích dẫn mỗi bài, so với chỉ 28 trích dẫn của các bài báo yêu cầu trả phí trong cùng năm. Hơn nữa, các bài viết truy cập mở được các tác giả trích dẫn ở nhiều quốc gia và lĩnh vực đa dạng hơn.
Trong số tất cả các bài báo truy cập mở được khảo sát, những bài báo có mặt trên các nền tảng khác ngoài nhà xuất bản, chẳng hạn như kho lưu trữ trên website trường đại học (được phân loại là truy cập mở xanh – green open access) có nhiều trích dẫn nhất.
Neylon cho biết, các nhà nghiên cứu ở những quốc gia có thu nhập thấp cũng vì vậy mà mà nhận thêm ít trích dẫn bổ sung bằng cách mở truy cập bài báo của họ. Các tác giả ở Bắc Âu nhận được nhiều nhất, trong khi những tác giả từ các nước châu Phi nằm trong số nhận được ít trích dẫn nhất.
Các kết quả tiết lộ rằng, mặc dù sự phổ biến của truy cập mở đã cho phép phổ biến rộng rãi các công bố mới, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định liệu các tác giả ở các nước thu nhập thấp có thực sự được hưởng lợi từ sự sẵn có ngày càng tăng này hay không.
Mở rộng quyền truy cập từ và tới các quốc gia có thu nhập thấp
Thập kỷ qua đã chứng kiến sự tiến bộ nhanh chóng trong xuất bản truy cập mở. Gần một nửa lượng nghiên cứu của thế giới trong năm 2020 hiện có sẵn để đọc hoặc tải xuống mà không cần trả phí, theo báo cáo Trạng thái truy cập mở toàn cầu (Global State of Open Access) năm 2021, dựa trên dữ liệu từ một số dịch vụ trắc lượng thư mục. Những người ủng hộ truy cập mở thường lập luận rằng các nhà nghiên cứu có nghĩa vụ đạo đức là chia sẻ tri thức với các đồng nghiệp của họ ở các quốc gia không có kinh phí để truy cập.
Truy cập mở cũng có vai trò trong việc cải thiện luồng nghiên cứu từ các nước nghèo hơn đến phần còn lại của thế giới.
Nhiều quốc gia thu nhập thấp có cơ sở hạ tầng xuất bản truy cập mở rộng rãi để các nhà nghiên cứu chia sẻ công trình của họ với những người khác. Chính phủ của một số quốc gia Mỹ Latinh đã tài trợ cho các tạp chí truy cập mở từ cuối những năm 1990, và gần đây, với sự gia tăng đột biến các tạp chí truy cập mở bản địa và các cổng xuất bản ở Indonesia, hơn 80% lượng nghiên cứu tại quốc gia này được cung cấp miễn phí.
Susan Murray, người đứng đầu Tạp chí Châu Phi Trực tuyến (African Journals OnLine), cho biết hiện nay có hàng nghìn tạp chí truy cập mở đặt trụ sở tại các quốc gia có thu nhập thấp. Tuy nhiên, nếu không thay đổi một số khía cạnh cố hữu của các hệ thống nghiên cứu bản địa, thì khó có thể hiện thực hóa các lợi ích đầy đủ của truy cập mở cho các nhà nghiên cứu ở các nước thu nhập thấp. Murray lưu ý rằng những nhà nghiên cứu ở đó thường bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi sự bất bình đẳng về quyền lực và nguồn lực so với các đối tác của họ ở các nước có thu nhập cao – một vấn đề có thể trở nên trầm trọng hơn bởi hệ thống khuyến khích và khen thưởng ở nơi họ công tác.
Một vấn đề khác là các nhà khoa học ở các nước thu nhập thấp, vì nỗ lực cho sự thăng tiến trong sự nghiệp của họ, có thể chọn tập trung vào các chủ đề nghiên cứu được biên tập viên của các tạp chí uy tín có trụ sở tại các quốc gia giàu có quan tâm, dẫn đến việc làm lệch đi chương trình nghiên cứu. Điều này cũng làm suy yếu các hệ thống chia sẻ kiến thức đang tồn tại ở các nước có thu nhập thấp và có thể ngăn cản việc phân phối những nghiên cứu hiệu quả, phù hợp đến những người cần chúng.
Murray cho rằng: “Quan trọng là phải thay đổi điều này” để đảm bảo rằng chương trình nghiên cứu của các quốc gia thu nhập thấp tập trung sự chú ý vào nhu cầu, thách thức, ưu tiên và lợi ích của họ, như biến đổi khí hậu, suy dinh dưỡng và các bệnh truyền nhiễm. Nếu không có nghiên cứu trong, cho và từ các quốc gia này – cùng với các kênh tiếp cận độc giả của kết quả đầu ra – thì những vấn đề này sẽ vẫn tồn tại”.
Hỗ trợ nhiều hơn từ các nước thu nhập cao
Elizabeth Marincola, cố vấn khoa học mở của Quỹ Khoa học vì Châu Phi ở Nairobi (Science for Africa Foundation), cho biết thách thức đối với các tổ chức cho phép các lựa chọn chi phí thấp – như các tạp chí và nền tảng không tính phí tác giả hoặc độc giả – là chúng thường được tài trợ tập trung hoặc được vận hành dựa trên tình nguyện. Bà chia sẻ: “Thật khó để duy trì tốc độ và tính nhất quán của quá trình biên tập và bình duyệt khi sử dụng mô hình này. Nhưng thực tế rằng chúng đang thu hút được sự chú ý là điều tích cực đối với các quốc gia có thu nhập thấp”.
Marincola cho biết, tốc độ là một yếu tố quan trọng để đảm bảo rằng nghiên cứu từ các quốc gia có thu nhập thấp được tiếp cận rộng rãi hơn, bởi vì nếu chất lượng nghiên cứu ổn định thì sẽ được xuất bản càng nhanh và càng nhận được nhiều trích dẫn. Cô cho biết thêm, điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực khoa học đời sống, khi nghiên cứu có xu hướng biến đổi nhanh chóng.
Sự thay đổi chính sách đáng kể của một trong những nhà tài trợ lớn nhất thế giới cho nghiên cứu ở các quốc gia thu nhập thấp có thể giúp các báo cáo được chia sẻ nhanh hơn. Vào tháng 4, Quỹ Bill và Melinda Gates, có trụ sở tại Seattle, Washington, đã công bố những thay đổi đối với các yêu cầu xuất bản truy cập mở, trong đó có một yêu cầu là từ năm 2025 trở đi, bản thảo của những tác giả nhận trợ cấp từ tổ chức sẽ được đăng trước trên máy chủ truy cập mở. Tổ chức này cũng sẽ không còn tài trợ phí xử lý bài báo (article-processing charges – APCs) cho các bài báo được xuất bản trên các tạp chí bình duyệt.
Ngoài ra còn có các báo cáo mới nhất từ Nam Mỹ và Indonesia gợi ý rằng một số tạp chí truy cập mở đang thảo luận về việc giới thiệu APCs. Juan Pablo Alperin, người nghiên cứu xuất bản tại Đại học Simon Fraser ở Vancouver, Canada, cho rằng điều này thật rắc rối vì những khoản phí này không công bằng, và ông đặt câu hỏi về tầm quan trọng của lợi ích về trích dẫn đối với các nhà nghiên cứu.
Alperin cho biết: “APCs có thể xuất hiện như một giải pháp hấp dẫn dành riêng cho các tạp chí, nhưng sự phát triển nhanh chóng của chúng cuối cùng sẽ làm suy yếu hệ sinh thái truy cập mở miễn phí của cộng đồng nhà xuất bản và độc giả sôi động và đa dạng ở các nước phát triển. Với nguồn vốn hạn chế, các tổ chức hiện đang hỗ trợ các chương trình xuất bản sẽ chuyển hướng nguồn lực sang các APCs đang ngày càng phát triển, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với năng lực xuất bản địa phương.”
Dịch từ Nature
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.