Từ chuyện bài thơ “Bắt nạt” trong sách giáo khoa lớp 6
Những ngày gần đây, truyền thông và mạng xã hội đang có nhiều tranh luận về bài thơ “Bắt nạt” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh, được sử dụng trong môn Ngữ văn 6 thuộc bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống. Xin mở ngoặc, đây là một trong 3 bộ sách giáo khoa (SGK) đang được giảng dạy tại một số trường học trên cả nước, được thực hiện theo chủ trương “xã hội hóa”.
Quan sát những ý kiến chỉ trích của bên không ủng hộ cũng như những ý kiến giải thích của bên ủng hộ bài thơ, tôi đều cảm thấy thiếu và dường như cả 2 bên đều đang có những cách tiếp cận chưa thật phù hợp. Cụ thể, cả 2 bên đều dường như chỉ nhìn nhận bài thơ từ góc độ “nội dung” chứ không phải từ góc độ “năng lực người học”. Những ý kiến chỉ trích chủ yếu xoay quanh các nội dung như vần gieo chưa đạt, từ ngữ không chau chuốt, nội dung không hay, ví dụ, hình ảnh khiên cưỡng… Ở chiều ngược lại, những ý kiến ủng hộ cũng lại chủ yếu phản bác các chỉ trích kể trên như gieo vần thế là cũng được, từ ngữ được dùng phù hợp với tuổi teen, nội dung ổn, ví dụ, hình ảnh vẫn phù hợp…
Với cách tiếp cận này thì nếu tiếp tục, cuộc tranh luận sẽ mãi mãi không bao giờ có hồi kết. Bởi từ góc độ “nội dung”, đúng hay sai, hay hoặc dở, thực ra chỉ có ý nghĩa chủ quan. Bởi hay/đúng với người này, thì có khi lại là dở/sai với người khác. Muốn kết luận đúng hay sai, như tôi đã viết ở trên, bắt buộc chúng ta phải tiếp cận từ góc độ “năng lực”.
Cụ thể, từ góc độ “năng lực”, chúng ta không chỉ nên nhìn vào bản thân bài thơ, mà cần nhìn rộng hơn, vào nhiều tài liệu khác, bao gồm Chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn lớp 6, sách hướng dẫn giáo viên, các bài liên quan xung quanh bài thơ, các câu hỏi/bài tập/thực hành được đưa ra với bài thơ này cũng như bài xung quanh và nhất là kiến thức, kỹ năng mà người dạy mong muốn người học sẽ đạt được sau bài học. Tôi không có điều kiện tiếp xúc hết tất cả những tài liệu kể trên, nhưng trong khả năng có thể, xin đưa ra đây 1 số nội dung có thể tiếp cận.
Thứ nhất, tại Hình 1 ở dưới, chúng ta có thể thấy bài thơ “Bắt nạt” là một phần của Bài học lớn hơn có tên gọi “Tôi và các bạn”, là bài đầu tiên trong chương trình Ngữ văn 6. Các bài khác trong cùng Bài học lớn này, được dạy trước bài “Bắt nạt” bao gồm:
(i) Bài “Đường đời đầu tiên”, trích trong Dế Mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài, nói về tình bạn giữa Dế Mèn và Dế Choắt và chuyện Dế Choắt bị bắt nạt; (ii) Bài “Nếu cậu muốn có một người bạn…” , trích trong Hoàng Tử bé của Xanh-tơ Ê-xu-pu-ri, nói về câu chuyện kết bạn giữa Hoàng tử bé và chú cáo.
Như vậy, rõ ràng Bài thơ “Bắt nạt” này, nếu muốn đánh giá đúng/sai thì cần phải nhìn nhận xem sự kết hợp của nó có phù hợp với 2 bài còn lại không, đóng góp thế nào cho yêu cầu chung của cả bài “Tôi và các bạn”. Cá nhân tôi cho rằng, ở ngay bài đầu tiên ở lớp học đầu tiên của cấp trung học cơ sở, việc môn ngữ văn đưa vào các bài học liên quan đến tình bạn và những chuyện không hay có thể xảy ra với tình bạn (như bắt nạt) là hoàn toàn phù hợp với độ tuổi, nhu cầu, tâm lý của học sinh.
Bây giờ, để có thể nhìn nhận kỹ hơn, hãy thử xem các phần câu hỏi, bài tập sau bài thơ “Bắt nạt” được tác giả sách đưa ra như thế nào (Hình 2). Rõ ràng, như 5 câu hỏi được đưa ra, tác giả sách giáo khoa đã có ý đồ rất rõ ràng trong việc kiểm tra kiến thức, kỹ năng, quan điểm của học sinh từ mức thấp đến cao qua từng câu hỏi. Cụ thể, câu 1 và 2 đang kiểm tra mức độ đọc/hiểu của học sinh; câu hỏi 3 và 4 yêu cầu học sinh phải có năng lực suy luận và phải có kiến thức ngoài bài học; câu hỏi 5 là câu hỏi mở, từ đó có thể bộc lộ được quan điểm cá nhân của học sinh. Trong những ngày qua, nhiều người phản đối bài thơ “Bắt nạt”, cho rằng cách xử lý khi bị bắt nạt của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh là không hay (thách ăn mù tạt, nhảy hip-hop), nếu họ chịu tìm hiểu kỹ và đọc câu hỏi số 5 này cũng như xem các bài liên quan khác, có lẽ, họ đã không phản đối như vậy.
Bên cạnh đó, còn một khía cạnh mà dường như đã không được thảo luận đầy đủ trong những ngày qua, đó là vấn đề quyền tự chủ của giáo viên và nhà trường trong việc lựa chọn ngữ liệu thay thế (mà Dự thảo Thông tư mới nhất của Bộ GD&ĐT có đề cập đến nội dung này). Thật vậy, theo lộ trình áp dụng của Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, một điểm khác biệt căn bản so với trước kia là giáo viên và nhà trường hiện nay có nhiều quyền tự chủ hơn trong việc lựa chọn ngữ liệu và nội dung bài học. Điều đó có nghĩa là, trong quá trình giảng dạy, nếu giáo viên thấy một ngữ liệu nhất định (ví dụ ở đây là bài thơ “Bắt nạt”) không phù hợp, hoặc đơn giản là không thích, việc tìm một ngữ liệu khác thay thế được cho là phù hợp hơn, hay hơn là điều hoàn toàn được phép, trong quyền tự chủ của giáo viên và nhà trường.
Nói cách khác, khi đổi mới, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh mà chỉ còn là một ngữ liệu quan trọng trong quá trình dạy và học mà thôi.
Đến việc thực hiện Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 về chương trình, SGK giáo dục phổ thông
Sau nhiều thảo luận, cuối cùng ngày 18/9/2023 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 về giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Theo đó trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần tiến hành biên soạn một bộ SGK, bên cạnh các bộ SGK hiện hành. Đây thực chất là việc nhắc lại yêu cầu của Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK mà đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Ở góc độ triển khai, việc có một bộ SGK “mẫu” mang tính thống nhất của nhà nước, do Bộ GD&ĐT phát hành, miễn phí bản quyền cho toàn xã hội, triển khai cụ thể Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một giải pháp đang được xem là phù hợp với tình hình thực tế, nhất là trong bối cảnh các bộ sách sẵn có trên thị trường đã bị chỉ ra có khá nhiều “hạt sạn”.
Hiện nay, chính sách “xã hội hóa” khuyến khích tư nhân tham gia biên soạn SGK đã “mở toang cánh cửa” dẫn tới quyền tiếp cận ngữ liệu giảng dạy đối với khu vực tư, vốn trước đây chỉ thuộc nhà nước. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh “xã hội hóa” không phải là “tư nhân hóa” dù có một số đặc điểm giống “tư nhân hóa”. Nếu không có chính sách can thiệp phù hợp, chủ trương này có thể biện lợi dụng để biến thành thương mại hóa, ảnh hưởng đến việc giáo dục học sinh cấp phổ thông trên cả nước trên nhiều phương diện như đảm bảo chất lượng, quyền tiếp cận SGK giá rẻ, minh bạch thông tin….
Trong trường hợp này, có thể coi Nghị quyết 686 là “lệnh bài” giúp Bộ GD&ĐT có thể tập trung nguồn lực tốt nhất và những con người giỏi nhất để biên soạn một bộ SGK mới hoặc sử dụng chính nguồn tài nguyên sẵn có của một doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước là Nhà xuất bản Giáo dục. Chúng ta cũng cần nhớ lại thời điểm 2020, vì không thể tập hợp đủ lực lượng nên Bộ GD&ĐT đã không thể tự biên soạn một bộ SGK của Nhà nước như kế hoạch ban đầu mà Nghị quyết 88/2014/QH13 đã đề ra.
Nếu thực thi nghiêm túc, điều này cũng sẽ giúp cho việc thực thi những vấn đề liên quan mà bấy lâu nay chưa được quan tâm, triển khai đúng mức, như đã phân tích ở đầu bài:
- Làm sao để giáo viên, phụ huynh, học sinh và cả cộng đồng hiểu rằng muốn phát triển theo định hướng phát triển năng lực thì ngữ liệu, nội dung sách chỉ là một phần, việc sử dụng ngữ liệu, nội dung đó như thế nào, đặt trong kịch bản dạy và học như thế nào mới là điều đáng quan tâm.
- Làm sao để giáo viên và nhà trường tự tin và có thể thực sự tự chủ trong việc lựa chọn ngữ liệu phù hợp trong bộ sách giáo khoa chuẩn của Bộ, cũng như từ các nguồn khác (bộ SGK khác, tài liệu tự biên soạn…) miễn là phù hợp với Chương trình chung để thực sự tạo ra bài giảng giúp nâng cao phát triển năng lực cho học sinh.
Trong một sân chơi ngày càng bình đẳng, với sự góp mặt của khu vực tư nhân trong biên soạn SGK, nhà nước vẫn cần đảm bảo vai trò quan trọng của mình trong việc giám sát và hoàn thiện ngữ liệu giảng dạy đối với ngành giáo dục. Trên thế giới, cũng không ít quốc gia cũng áp dụng thành công mô hình nhiều bộ SGK của tư nhân, bên cạnh một bộ SGK “mẫu” của Nhà nước, như tinh thần của Nghị quyết 686/NQ-UBTVQH15 mà chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm.
Phạm Hiệp
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 2
Chưa có đánh giá.