Ra mắt chưa đầy nửa năm, những thảo luận xung quanh việc ứng dụng ChatGPT và những trí tuệ nhân tạo tương tự trong giáo dục đã trở thành một chủ đề nóng. Cách mạng công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo sẽ định hình sự phát triển của giáo dục đại học thế giới ra sao là một câu hỏi cần được giải đáp.
Trái ngược với các ứng dụng trò chuyện nhân tạo trước đó, ChatGPT của Open AI, ra mắt vào tháng 11 năm 2022, không chỉ tương tác ở mức độ thông thường mà còn hỗ trợ người dùng thực hiện những tác vụ phức tạp như soạn thảo văn bản, viết email, viết luận hay sáng tạo nội dung…
Trong vòng chưa đầy 5 tháng sau khi ra mắt, ứng dụng này đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu. Các thảo luận về lợi ích của nó cùng những quan ngại về đạo đức trong quá trình sử dụng trở nên nóng hơn bao giờ hết trong bối cảnh các ứng dụng tương tự sẽ được ra mắt nhanh chóng. Giáo dục đại học không đứng ngoài những thảo luận này.
Chat GPT và các ứng dụng tương tự có thể mang đến nhiều lợi ích to lớn trong hoạt động giáo dục. Nó có thể được sử dụng như một trợ giảng ảo – tương tác với sinh viên trong các bài giảng, trả lời các câu hỏi về tài liệu học tập và các vấn đề liên quan đến khóa học. Chat GPT cũng có thể được sử dụng như một trợ lý nghiên cứu ảo, hỗ trợ giảng viên và sinh viên làm việc hiệu quả hơn. Ngoài ra, ChatGPT còn giúp rèn luyện tư duy phản biện của người học: nó có thể tạo ra các văn bản thô để sinh viên sửa chữa, hoàn thiện. Đặc biệt, ChatGPT có thể giúp cá nhân hóa quá trình học tập. Nó cho phép mỗi sinh viên được tiếp xúc với những bài tập riêng biệt, phù hợp với khả năng và giúp rèn luyện cũng như khắc phục điểm mạnh và điểm yếu của từng người. Trong bối cảnh học thuật, ChatGPT là một công cụ hữu ích cung cấp các thông tin tổng quát, tóm tắt và giải nghĩa những khái niệm phức tạp, dài dòng.
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, ChatGPT đồng thời tạo ra những lo ngại về các vấn đề đạo đức và liêm chính học thuật. Tương tự các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) khác, Chat GPT vẫn còn nhiều hạn chế về độ chính xác và khả năng xử lý các thông tin phức tạp hoặc trừu tượng, thiếu “nhạy cảm” trong các vấn đề về văn hóa, và có nguy cơ trở thành một công cụ hỗ trợ gian lận trong học thuật. Sinh viên dễ dàng sử dụng ChatGPT để hoàn thiện bài luận trong các kỳ kiểm tra, đánh giá. Bên cạnh đó, việc lạm dụng ChatGPT có thể khiến sinh viên trở nên lười suy nghĩ và cùn mòn kỹ năng trình bày ý kiến cá nhân.
Các phản ứng trái chiều
Đối mặt với những ảnh hưởng nhanh chóng và sâu rộng của ChatGPT trong học tập và nghiên cứu khoa học, các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) và cộng đồng học thuật có các phản ứng khá trái chiều.
Trong bối cảnh các cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp đưa ra một hướng dẫn cụ thể nào về việc sử dụng ChatGPT và các công cụ AI tương tự, các cơ sở GDĐH đã có những quy định riêng nhằm thích nghi với tình hình mới.
Một số cơ sở GDĐH cấm sử dụng ChatGPT trong quá trình học tập. Trong một email hướng dẫn cán bộ, nhân viên và sinh viên, Đại học Hồng Kông đã quy định rõ việc cấm sinh viên sử dụng ChatGPT trong các bài tập trên lớp, bài kiểm tra, và các kì thi. Nếu bị phát hiện, sinh viên sẽ bị coi là đạo văn. Tuy nhiên, nội dung email đồng thời nêu rõ những quy định này chỉ mang tính chất tạm thời cho đến khi có những chính sách cụ thể về tích hợp các công cụ AI trong giảng dạy và học tập.
Tương tự, một số cơ sở GDĐH ở Ấn Độ và Hàn Quốc đã đưa ra các quy định cấm sử dụng ChatGPT ở các mức độ khác nhau. Ví dụ, Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) đã bắt đầu xây dựng các công cụ ngăn chặn việc sử dụng ChatGPT một cách “bất hợp pháp”. Mặt khác, tại các quốc gia này, vẫn có các cơ sở GDĐH ủng hộ việc sử dụng ChatGPT trong học tập. Ở một cách tiếp cận mềm mỏng hơn so với Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Sejong – một trong những trường lớn nhất Hàn Quốc – ủng hộ việc sử dụng ChatGPT, tuy nhiên nêu rõ rằng sử dụng ChatGPT để làm bài tập và viết bài luận là hành vi bị cấm và sinh viên sẽ bị điểm kém nếu bị phát hiện. Quan điểm này cũng phù hợp với quan điểm của lãnh đạo Bộ Giáo dục Hàn Quốc. Theo đó, việc quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là hướng dẫn và hỗ trợ sinh viên có kỹ năng và đạo đức để sử dụng ChatGPT một cách có trách nhiệm và khôn ngoan. Bộ Giáo dục Singapore và lãnh đạo một số trường đại học tại Ấn Độ và Nam Phi chia sẻ cùng quan điểm.
Những phản ứng trái chiều tương tự còn được quan sát thấy tại một số quốc gia châu Âu.
Tại Đan Mạch và Thụy Điển, một số cơ sở GDĐH ra quyết định cấm sử dụng Chat GPT trong các kì thi. Tuy nhiên, các quy định này nhận về nhiều chỉ trích trong bối cảnh các ứng dụng AI đang tiếp tục nở rộ và trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống.
Tại Iceland, một khung hướng dẫn mở về sử dụng AI đang được phát triển dưới sự hợp tác của tất cả các cơ sở GDĐH. Theo đó, việc sử dụng AI trong học tập phải tuân theo các quy tắc như đối với việc sử dụng các nguồn tài liệu kham thảo và các hỗ trợ khác. Việc lạm dụng AI bị coi là một hành vi sai trái trong học thuật.
Liên minh Châu Âu đã bắt tay vào chuẩn bị một bộ quy tắc về AI trong giáo dục. Dựa vào đó, các cơ sở GDĐH có thể cụ thể hóa hơn nữa những quy tắc về sử dụng AI cũng như các công nghệ mới trong tương lai cho giảng viên và sinh viên.
Lộ trình thích ứng
Một số quan điểm đánh giá rằng những phản ứng hiện nay với ChatGPT là thái quá. Trong quá khứ, sự ra đời của những tiến bộ khoa học và công nghệ đột phá – như máy tính và hệ thống mạng internet kết nối toàn cầu – luôn thay đổi cách vận hành của toàn bộ đời sống kinh tế – xã hội, và các cơ sở GDĐH không thể đứng ngoài những biến động này.
Sự xuất hiện đột ngột của ChatGPT đã giới thiệu một bước tiến to lớn của AI và dù muốn hay không, nó sẽ định hình lại sự phát triển của GDĐH toàn cầu. Tuy mới chỉ là bước sơ khởi và các kết quả của ChatGPT chỉ được xây dựng dựa trên các phương pháp thống kê chứ chưa có sự hiểu biết sâu sắc về thế giới hay những chủ đề của văn bản được tạo ra, nhưng ChatGPT đã tạo tiền đề để nhân loại chuẩn bị cho một tương lai, nơi máy móc thật sự có trí thông minh. Trong bối cảnh đó, các cơ sở GDĐH cần có một lộ trình để thích ứng.
Một trong những vai trò quan trọng nhất của GDĐH là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế thông qua việc chuẩn bị kỹ năng làm việc cho sinh viên. Bởi vậy, hỗ trợ sinh viên sử dụng hiệu quả các ứng dụng AI, bao gồm ChatGPT, trở thành một phần trong quá trình đào tạo tại các cơ sở GDĐH khi mà những ứng dụng này đang dần được tích hợp và thích ứng trong các công cụ hỗ trợ công việc. Theo thông báo của Microsoft, một trong những nhà đầu tư của Open AI, ChatGPT sẽ được tích hợp vào Microsoft365 và trở thành một công cụ hỗ trợ trong hệ điều hành Microsoft. Khi đó, ChatGPT và những ứng dụng tương tự sẽ trở thành một công cụ phổ biến trong cuộc sống hằng ngày.
Bên cạnh đó, thay vì chỉ giúp sinh viên có kỹ năng ghi nhớ, áp dụng và sáng tạo ra kiến thức mới dựa trên các kiến thức sẵn có, các cơ sở GDĐH cần phát triển kỹ năng sử dụng hiệu quả thông tin và giải quyết vấn đề. Các ứng dụng AI có thể phát huy tác dụng ở điểm này. Chúng cung cấp những tình huống có thể xảy ra trong thế giới thực, giúp sinh viên có nhiều trải nghiệm hơn và rèn luyện các kỹ năng của họ. Ngoài ra, AI còn cung cấp cho sinh viên các trải nghiệm thực tế ảo, cho phép họ tiếp xúc và học hỏi lẫn nhau trong môi trường giả định thực tế.
Kiểm tra, đánh giá trong GDĐH cũng cần có sự thay đổi. Thay vì sử dụng các phương pháp đánh giá truyền thống nhằm kiểm tra khả năng ghi nhớ của sinh viên, các phương pháp mới cần kiểm tra kỹ năng ứng dụng kiến thức đã học. Đánh giá các dự án thử nghiệm của sinh viên sẽ không chỉ giúp đánh giá kỹ năng sử dụng kiến thức và còn khuyến khích quá trình sáng tạo của sinh viên.
Liên quan đến các vấn đề đạo đức và liêm chính học thuật, các cơ sở GDĐH cần có các chính sách và hướng dẫn rõ ràng về việc sử dụng AI trong học tập và nghiên cứu khoa học. Phương pháp tiếp cận nhân văn sẽ là chìa khóa để sinh viên chuẩn bị cho những biến động diễn ra trong tương lai. Khuyến khích sinh viên suy nghĩ, sáng tạo, chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân khi sử dụng các công cụ AI miễn phí sẽ giúp họ có những hiểu biết sâu sắc hơn về liêm chính khoa học và đạo đức học thuật.
Tổng hợp từ University World News
Đăng lại từ Báo Khoa học và Phát triển
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.