Các chỉ số trắc lượng thư mục (bibliometrics) như Impact Factor (IF) hay chỉ số h-index đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến nghiên cứu khoa học, nhưng vai trò của chúng vượt xa môi trường học thuật, len lỏi vào nhiều khía cạnh xã hội khác. Bình luận về một nghiên cứu về trắc lượng thư mục trên báo chí Ý, Eugenio Petrovich, cho thấy vai trò quan trọng của những con số trong việc điều phối nghiên cứu học thuật trong phạm vi công cộng.
Số liệu và ý nghĩa xã hội
Các con số, dưới dạng các chỉ số, thước đo và bảng xếp hạng, đang ngày càng “thống trị” thế giới giáo dục đại học và các trường đại học. Tuy nhiên, cũng giống như trong bất kỳ lĩnh vực nào khác của xã hội, sẽ thật ngây thơ nếu coi các con số trong giáo dục đại học như những bằng chứng trung lập, tách biệt khỏi đời sống xã hội của con người và các tổ chức. Thực tế, các con số sẽ luôn gắn liền với các diễn ngôn, hệ tư tưởng, động lực quyền lực, chính sách, và cả các yếu tố chính trị. Ý nghĩa và tác động của chúng không chỉ nằm trong bản thân các con số mà còn ở cách chúng được diễn giải và sử dụng. Vì vậy, chúng luôn trong trạng thái được thương thảo và tái định nghĩa trong xã hội.
Gần đây, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu khám phá cách thức mà các con số được thương thảo trong bối cảnh xã hội của giáo dục đại học. Đặc biệt, những con số được tạo ra từ trắc lượng thư mục, như Impact Factor hay chỉ số h-index, đã được phân tích kỹ lưỡng nhằm hiểu rõ hơn cách chúng ảnh hưởng đến hành vi của các nhà khoa học và học giả, và xa hơn, đến chính quá trình xuất bản tri thức. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào các bối cảnh và thực hành khoa học nội bộ, ngầm giả định rằng các biểu tượng xã hội của trắc lượng thư mục chủ yếu được hình thành bởi các nhà khoa học và những bên liên quan. Trên thực tế, mặc dù các khái niệm thư mục học thuộc về một lĩnh vực khá chuyên biệt, thường chỉ giới hạn trong nhóm nội bộ, vẫn có những trường hợp chúng ngoài phạm vi học thuật, lan tỏa đến các nhóm đối tượng và bối cảnh khác trong xã hội.
Trắc lượng thư mục trong các thảo luận trên báo chí- trường hợp ở Ý
Eugenio Petrovich, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Khoa Kinh tế và Thống kê của Đại học Siena đã phân tích 583 bài báo trên bốn tờ báo lớn của Ý từ 1990 đến 2020. Nghiên cứu cho thấy ý nghĩa của chỉ số trắc lượng thư mục được đề cập trong báo chí theo những cách sau:
- Công cụ thúc đẩy công bằng học thuật
Trong những năm 1990, IF được nhắc đến trong các vụ bê bối tuyển dụng ở đại học. Các ứng viên bị loại thường dùng IF để so sánh hiệu quả nghiên cứu của mình với người trúng tuyển, từ đó công khai yêu cầu minh bạch và công bằng. IF được mô tả như một công cụ khách quan nhằm khuyến khích tính minh bạch và giảm thiểu nạn gia đình trị trong học thuật. - Dấu hiệu đảm bảo chất lượng khoa học
IF thường được báo chí sử dụng như một “tem bảo hành” cho độ tin cậy của thông tin khoa học. Trong đại dịch COVID-19, chỉ số h-index thậm chí còn được dùng để đánh giá uy tín của các chuyên gia tư vấn cho chính phủ. Dù dù ít khi đề cập đến những hạn chế của chỉ số này. Báo chí sử dụng h-index như một thước đo đơn giản, dù không đầy đủ, để phân loại mức độ chuyên môn của họ. - Thống kê không chuyên từ cộng đồng
h-index xuất hiện trên báo chí Ý năm 2008 thông qua bảng xếp hạng “Nhà khoa học Ý hàng đầu” (Top Italian Scientists) – một sáng kiến tư nhân không chính thức. Bảng xếp hạng này giúp báo chí dễ dàng tiếp cận các số liệu để tạo dựng các bài viết về khoa học, nhưng lại không có sự kiểm duyệt hay hỗ trợ từ các tổ chức khoa học uy tín.
Kết luận
Nghiên cứu chỉ ra rằng các chỉ số thư mục không chỉ thuộc về thế giới học thuật mà còn len lỏi vào các bình diện xã hội, ảnh hưởng đến cách công chúng nhìn nhận khoa học và giáo dục. Hiểu được sự tương tác này đòi hỏi phải vượt ra khỏi môi trường nội bộ, mở rộng góc nhìn sang toàn bộ xã hội, nơi các con số luôn được tái tạo ý nghĩa thông qua những tranh luận và thương thuyết.
Lược dịch từ LSE Blog
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.