Trong nghiên cứu định tính, việc xây dựng mối quan hệ và tình bạn với người tham gia thường được coi là một cách để tiếp cận và thu thập dữ liệu. Tuy nhiên, như Helen Kara đã thảo luận, việc sử dụng mối quan hệ bạn bè như một công cụ mang tính lợi ích có thể gây ra những vấn đề đạo đức nghiêm trọng cho các nhà nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu định tính khi học về phương pháp phỏng vấn thường được dạy cách vận dụng kỹ năng giao tiếp để tạo mối quan hệ với người tham gia. Một câu hỏi đã được Jean Duncombe và Julie Jessop đặt ra trong 20 năm qua liên quan đến vấn đề này: Liệu việc các nhà nghiên cứu giả vờ thân thiết với người tham gia chỉ để thu thập dữ liệu có vi phạm đạo đức?
Một mặt, việc sử dụng kỹ năng giao tiếp để đạt được điều mình muốn từ người khác là điều phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Điều này áp dụng cho dù chúng ta muốn vay tiền từ một tổ chức tín dụng, lấy đơn thuốc từ bác sĩ hay phản hồi một khiếu nại – trong vô số tình huống, việc thể hiện bản thân lịch sự và thân thiện nhất có thể, từ đó giúp chúng ta đạt được kết quả mong muốn. Vì vậy, có thể cho rằng việc sử dụng những phương pháp hàng ngày này trong nghiên cứu cũng có ý nghĩa.
Mặt khác, các cuộc gặp gỡ trong nghiên cứu lại khác với các cuộc gặp gỡ hàng ngày. Điều này đặc biệt áp dụng cho nghiên cứu định tính, khi một nhà nghiên cứu có thể dành một khoảng thời gian đáng kể để dành cho người tham gia.
Nhiều người mà chúng ta muốn có được thứ gì đó trong cuộc sống hàng ngày là những người đang cung cấp cho chúng ta hàng hóa và dịch vụ, vì vậy một yếu tố giao dịch được tích hợp vào cuộc gặp gỡ, hoặc họ đã có mối quan hệ cá nhân với chúng ta thông qua quan hệ họ hàng, tình bạn hoặc thành viên cộng đồng. Vì vậy, mối quan hệ mà chúng ta xây dựng trong những tình huống đó đã có một cơ sở rõ ràng được cả hai bên hiểu. Điều này không áp dụng trong cuộc gặp gỡ nghiên cứu, nơi chúng ta thường yêu cầu người tham gia dành thời gian và thông tin của họ để đổi lấy lợi ích tiềm năng cho một nhóm dân số giả định mà họ đại diện.
Ngoài ra, mặc dù được đồng thuận, chúng ta cần ý thức được rằng các khách thể thường đồng thuận tham gia nghiên cứu vì lý do của chính họ chứ không phải vì lý do của nhà nghiên cứu. Và, nếu lý do đó là để có được một chút tình bạn và sự tử tế của con người, điều mà họ đang thiếu trong cuộc sống của mình, thì việc xây dựng mối quan hệ bắt đầu trở nên đáng quan ngại.
Hãy tưởng tượng bạn đang sống với mức trợ cấp tối thiểu và một loại bệnh mãn tính khiến bạn không thể ra khỏi giường. Bạn đã mất liên lạc với đa số bạn bè, và gia đình bạn sống rất xa. Bạn bị chứng lo âu và cảm thấy rất cô đơn. Những người chăm sóc đến ba lần một ngày rất nhanh nhẹn và chuyên nghiệp, nhưng họ không có thời gian để trò chuyện, và bạn không muốn làm phiền họ. Sau đó, một nhà nghiên cứu gọi điện, nói rằng cô ấy đang đánh giá chất lượng dịch vụ chăm sóc bạn nhận được và hỏi liệu cô ấy có thể đến thăm bạn để hỏi một vài câu hỏi. Bạn rất vui mừng vì đã nhiều năm kể từ khi bạn có khách đến thăm và cô ấy nghe có vẻ rất tốt bụng và thân thiện trên điện thoại. Khi cô ấy đến thăm, bạn kể cho cô ấy nghe tất cả mọi thứ về bản thân và cuộc sống của bạn. Cô ấy có vẻ thực sự quan tâm, và cười cho những trò đùa của bạn, và cũng kể cho bạn vài điều về cuộc sống của cô ấy. Bạn chưa cảm thấy thân thiết với ai như vậy trong nhiều năm. Khi cô ấy đã hỏi xong tất cả các câu hỏi của mình, bạn hỏi một câu của riêng bạn: xin cô ấy vui lòng đến thăm bạn một lần nữa. Cô ấy nhìn xuống sàn và nói rằng cô ấy rất muốn, nhưng cô ấy không thể hứa, vì còn công việc và gia đình. Bạn muốn đề nghị cô ấy mang theo con mình, nhưng bạn biết câu trả lời sẽ là “không”, vì vậy bạn để cô ấy đi, đợi cửa trước đóng lại, và lắng nghe sự trống rỗng của ngôi nhà.
Duncombe và Jessop chỉ ra rằng những vấn đề này còn phổ biến hơn trong nghiên cứu theo chiều dọc, nơi ranh giới giữa tình bạn thực và giả có thể trở nên mờ nhạt. Hai nhà nghiên cứu cũng chia sẻ trải nghiệm khi người tham gia bắt đầu đối xử với họ như bạn bè, và sự khó chịu nảy sinh khi họ không phản hồi lại những cảm xúc ấy.
Dự án TRUST do EU tài trợ đã phát triển một Bộ Quy tắc Ứng xử Toàn cầu cho Nghiên cứu trong Bối cảnh Nguồn lực Hạn chế. Bộ quy tắc này dựa trên bốn giá trị được rút ra từ nghiên cứu của họ với quy mô trên toàn thế giới: tôn trọng, công bằng, trung thực và quan tâm. Mục tiêu của nó là để chống lại tình trạng “lách luật đạo đức”: Khi nghiên cứu được coi là chưa phù hợp với quy chuẩn đạo đức ở một quốc gia có thu nhập cao, nó sẽ được tiến hành ở một quốc gia có thu nhập thấp hơn để không còn bị chi phối bởi hội đồng đạo đức nghiên cứu.
Việc các nhà nghiên cứu sử dụng kỹ năng giao tiếp để xây dựng mối quan hệ với người tham gia như một phương tiện để đạt được mục đích nghiên cứu là một hành vi vi phạm đạo đức nghiên cứu. Thể hiện sự tôn trọng đối với người tham gia nên là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt nếu nó được thể hiện một cách công bằng, trung thực và quan tâm.
Lược dịch từ LSE
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 2
Chưa có đánh giá.