Viết bình duyệt (peer review) –  Một quá trình học hỏi và cải thiện: 12 bước thực hiện

Phản biện đồng nghiệp, hay còn gọi là bình duyệt, không chỉ giúp duy trì chất lượng và sự toàn diện của các văn bản khoa học, mà còn là chìa khóa cho sự phát triển của các nhà nghiên cứu. Bên cạnh việc mang tới những cơ hội để theo kịp những nghiên cứu gần nhất và trau dồi kỹ năng phân tích phê bình, việc viết bình duyệt còn giúp bạn nhìn ra các sai sót phổ biến trong các bài nghiên cứu và nâng cao cơ hội trở thành một tác giả thành công trong lĩnh vực công bố. Jo Wilkinson – Quản lý Truyền thông tại Publons – đã đặt câu hỏi cho một nhóm các nhà nghiên cứu: Làm thế nào để họ đảm bảo sự nghiêm ngặt và tính chặt chẽ của một bài bình duyệt? Câu trả lời của họ được tổng hợp thành 12 bước dưới đây, phù hợp với cả những người viết bình duyệt lần đầu và những người muốn trau dồi kỹ năng viết của mình.

Viết một bài bình duyệt không phải chuyện đơn giản. Khi đặt bút viết những dòng đầu tiên trong bài đánh giá, bạn đang mang theo trọng trách bảo vệ độc giả khỏi những thông tin sai lệch, đồng thời hỗ trợ họ khai phá những đột phá mới đáng công nhận trong các nghiên cứu. Cũng vào lúc này, bạn cần phải có những lời đánh giá mang tính xây dựng đối với nghiên cứu của những đồng nghiệp, mà bạn biết rõ rất nhiều trong số đó là kết tinh của máu, mồ hôi, nước mắt và hàng năm trời gian khổ của họ.

Dù vậy, quá trình bình duyệt cũng không nhất thiết phải trở nên khó khăn hay căng thẳng – hoặc, khiến bạn cảm thấy bản thân thật thất bại làm sao. Đây là một quá trình có tính cấu trúc chặt chẽ; bạn càng làm nhiều, bạn càng có thể học hỏi và cải thiện kỹ năng của mình, và thời gian qua đi, bạn sẽ ngày càng quen thuộc và tự tin với nó.

Hình ảnh minh hoạ: Notes via flickr | CC BY-NC-ND 2.0

Bình duyệt không chỉ giúp duy trì chất lượng và sự toàn diện của các bản thảo trong lĩnh vực của bạn, mà nó còn là một công việc quan trọng trong sự phát triển của bạn với tư cách là một nhà nghiên cứu. Đây cũng là một cách tuyệt vời để theo dõi những nghiên cứu mới nhất, gây ấn tượng với biên tập viên của những tạp chí hàng đầu, cũng như trau dồi kỹ năng phân tích, phê bình của chính bạn. Quá trình bình duyệt sẽ dạy bạn cách đánh giá một bản thảo, nhìn ra những sai sót phổ biến trong các bài báo khoa học, và nâng cao cơ hội trở thành một tác giả thành công trong lĩnh vực công bố.

Để phát huy tối đa lợi ích của  quy trình bình duyệt, bạn cần ghi nhớ một vài mẹo và kỹ thuật thực hành cần thiết ngay từ những bước đầu tiên. Trong bài viết này, Jo Wilkinson đã thảo luận với một nhóm các nhà nghiên cứu về câu hỏi: Làm sao để họ đảm bảo sự nghiêm ngặt và tính chặt chẽ của một bài bình duyệt? Câu trả lời của họ được tổng hợp thành 12 bước dưới đây, phù hợp với cả những người viết bình duyệt lần đầu và những người muốn trau dồi kỹ năng viết của mình.

Các nhà nghiên cứu được phỏng vấn đã có kinh nghiệm phản biện 577 bản thảo cho 101 tạp chí khác nhau, đồng thời có mặt trong 7 hội đồng biên tập. Họ bao gồm: Ana Marie Florea, nhà nghiên cứu chính và nhà khoa học cấp cao tại Viện Bệnh lý thần kinh, Heinrich-Heine-Universität Düsseldorf; James Cotter, nhà sinh lý học về hoạt động thể chất và môi trường, đồng thời là Phó Giáo sư tại Trường Giáo dục thể chất, Đại học Otago; và Robert Faff, Giáo sư ngành Tài chính và Giám đốc nghiên cứu tại đại học Queensland.

12 bước để viết một bài bình duyệt

  1. Hãy đảm bảo bản thảo này đúng với chuyên môn của bạn.
  2. Truy cập trang web của tạp chí và tìm đọc hướng dẫn chi tiết dành cho người phản biện. Hãy kiểm tra xem bản thảo được gửi tới đã được chỉnh sửa phù hợp với format của tạp chí hay chưa, cũng như phần tài liệu tham khảo đã được chuẩn hoá hay chưa (trong trường hợp các biên tập viên chưa thực hiện phần này).
  3. Đọc lướt bài báo để nắm được ý tưởng chung. Gạch chân những từ khoá và lập luận đáng chú ý, sau đó tóm tắt thành những ý chính. Những điều này sẽ giúp bạn “tự chỉnh” tư duy theo bài nghiên cứu trong những bước tiếp theo. 
  4. Hãy chọn cho mình một nơi thật yên tĩnh, sau đó đọc bản thảo một cách nghiêm túc. Hãy đảm bảo rằng bạn có đọc các bảng biểu, số liệu và tài liệu tham khảo đi kèm. Đồng thời, hãy tự đặt ra những câu hỏi: Bản thảo này có một tiêu đề phù hợp và một câu hỏi nghiên cứu giá trị không? Các bài báo quan trọng then chốt có được tham khảo không? Động lực nghiên cứu của tác giả và ý tưởng đằng sau đó là gì? Các dữ liệu và công cụ đã phù hợp và chính xác chưa? Liệu có điều gì mới không? Tại sao lại là ý tưởng này? Có thể cân nhắc về bản thảo này dưới góc độ nào nữa?
  5. Hãy ghi chú lại về những chỉnh sửa lớn (major), vừa phải (moderate) và nhỏ (minor) cần được thực hiện với bài báo này. 
  6. Hãy tạo một danh sách để đánh giá dễ dàng hơn. Ví dụ: Những nghiên cứu được tham khảo có thực sự đưa ra các khẳng định như trong bài báo này trình bày không?
  7. Hãy đánh giá ngôn ngữ và ngữ pháp của bài báo, đồng thời đảm bảo rằng nó “hợp” với phong cách của tạp chí. Giọng văn đã trôi chảy chưa – giữa các câu chữ có sự liên kết không? Bản thảo đã mạch lạc chưa – những từ ngữ và cấu trúc được sử dụng có chính xác và hiệu quả không?
  8. Hãy kiểm tra những công bố trước đó của các tác giả trong bài báo đang được bình duyệt và cả những tác giả trong cùng lĩnh vực nghiên cứu để chắc chắn rằng những kết quả của nghiên cứu này chưa từng được công bố trước đó.
  9. Hãy xác nhận rằng không có một sai sót phổ biến nào có trong bài báo.
  10. Sau đó, hãy tóm tắt lại những nhận định đó cho biên tập viên (đánh giá tổng quan, ghi nhận đóng góp của nghiên cứu, ưu nhược điểm của nghiên cứu, khả năng được chấp nhận). Bạn cũng có thể thuật lại đóng góp của bản thảo/bối cảnh cho tác giả (nhằm làm rõ rằng bạn có đang có cùng góc nhìn với tác giả hay không), sau đó ưu tiên và đối chiếu những chỉnh sửa lớn và góp ý nhỏ trong bản feedback. Hãy cố gắng tổng hợp những điều này một cách thật logic, nhóm những thứ liên quan lại dưới cùng một tiêu đề, đồng thời đánh số để dễ dàng tham khảo.
  11. Hãy đưa ra những gợi ý chỉnh sửa bản thảo cụ thể để qua đó các tác giả có thể dễ dàng hiểu được và làm theo. Nhìn chung, một bài đánh giá hoàn chỉnh sẽ dài khoảng hai đến ba trang (tối đa là bốn trang).
  12. Gửi đánh giá của bạn cho biên tập viên.

Gia Linh lược dịch từ LSE Impact Blog

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 4

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh