Định nghĩa
Vấn đề nghiên cứu là tiêu chí chủ đạo giúp xác định chủ đề và hướng đi của bài nghiên cứu. Những vấn đề trong vòng nghiên cứu đặt ra cơ hội cho nhà nghiên cứu được chính thức đặt bút nghiên cứu (để kiểm chứng giả thuyết của mình), cũng như đặt ra những giới hạn nhất định cho bài nghiên cứu ấy.
Vấn đề nghiên cứu sau đó sẽ trở thành chủ đề để nhà nghiên cứu có thể trao đổi và tìm hiểu nguồn thông tin học thuật từ những học giả và các nhà xuất bản, là phương tiện giúp nhà nghiên cứu thu nạp được kho tri thức uyên bác về các lĩnh vực liên quan.
Lựa chọn vấn đề nghiên cứu
Đừng cho rằng xác định vấn đề để nghiên cứu là một công việc dễ dàng. Nhà nghiên cứu nên bắt đầu tự đưa ra những câu hỏi ngay từ những giai đoạn đầu. Thông thường sẽ có ba cách để tiếp cận vấn đề nghiên cứu: 1) Giảng viên hướng dẫn gợi ý một chủ đề tổng quát phù hợp, từ ấy nhà nghiên cứu phát triển và nghiên cứu về một khía cạnh cụ thể; 2) Nhà nghiên cứu chọn một đề tài khả thi và phù hợp với điều kiện hiện tại từ danh sách các chủ đề mà giảng viên hướng dẫn đưa ra; hoặc, 3) Nhà nghiên cứu lựa chọn chủ đề cho bài nghiên cứu dưới sự cho phép của giảng viên hướng dẫn.
Phần 1 của bài Lựa chọn chủ đề nghiên cứu tập trung vào hướng dẫn trường hợp nhà nghiên cứu/sinh viên được cung cấp sẵn một chủ đề nghiên cứu
Bước 1: Xác định khái niệm và thuật ngữ cấu thành nên chủ đề nghiên cứu. Giả sử giảng viên muốn cả lớp tập trung vào vấn đề nghiên cứu sau: “Liên minh châu Âu có phải là một tổ chức an ninh đáng tin cậy với khả năng góp phần đương đầu với lực lượng khủng bố toàn cầu hay không?” Các khái niệm chính cần tìm hiểu trong vấn đề này bao gồm: Liên minh châu Âu, khủng bố toàn cầu, sự tín nhiệm [Gợi ý: Tập trung vào các danh từ riêng, danh từ hoặc cụm danh từ, và động từ chỉ hành động của chủ thể trong phần mô tả nhiệm vụ].
Bước 2: Tìm hiểu các tài liệu liên quan để giúp định hình cách tiếp cận phương pháp nghiên cứu phù hợp và phân tích vấn đề.
Nhà nghiên cứu có thể tìm kiếm các tài liệu liên quan thông qua các sách giáo trinh, tìm kiếm bài báo trên các cơ sở dữ liệu học thuật như Google Scholar, Scopus, Web of Science,…
Khi đã tìm được một số tài liệu phù hợp với chủ đề đã chọn, đừng quên dành thời gian đọc qua các tài liệu tham khảo do tác giả cung cấp ở phần chú thích cuối trang, chú giải hoặc mục lục tham khảo. Đây là cách để xác định các nghiên cứu quan trọng và cần được ưu tiên tham khảo trước, vì những tựa đề tài liệu mà được trích dẫn nhiều lần thì cũng đồng nghĩa với độ quan trọng và cần thiết của chúng càng cao trong việc xây dựng nền tảng để hiểu vấn đề nghiên cứu.
Tip: Khi tìm thấy một bài báo hữu ích từ một tạp chí nào đó, hãy sao chép và dán tiêu đề vào Google Scholar, sau đó thì đặt dấu ngoặc kép xung quanh. Sau khi hiện kết quả dữ liệu các bài đọc, tìm phần “trích dẫn” đi kèm một con số. Phần này cho thấy độ uy tín của tài liệu khi hiển thị số lần nội dung ấy được các nhà nghiên cứu khác trích dẫn từ lúc mới xuất bản. Đây là một cách hay và thuận tiện để tìm kiếm những nghiên cứu gần đây và có liên quan về chủ đề mình đã chọn. Danh sách tài liệu tham khảo của bài báo đó cũng là một nguồn tốt để tìm kiếm thêm các bài báo liên quan.
Bước 3: Vì các tài liệu nghiên cứu khoa học xã hội thường nhằm mục đích khuyến khích bạn xây dựng ý tưởng và lập luận của riêng mình, nên hãy tìm kiếm những tài liệu có thể giúp mở rộng, sửa đổi hoặc cải thiện, giúp quan điểm quan điểm và lập luận ban đầu của bạn thêm sắc bén. Ví dụ, nếu như bạn muốn nói đến việc EU chưa đủ sẵn sàng để tiếp nhận nhiều trách nhiệm hơn trong việc đảm bảo an ninh toàn cầu vì vẫn còn tình trạng nợ nần nặng nề ở nhiều quốc gia thuộc EU, thì hãy tập trung vào các nguồn đã khẳng định và chứng minh điều này, cũng như những nguồn bác bỏ quan điểm này.
Các tài liệu liên quan đóng vai trò hỗ trợ nhà nghiên cứu trong việc hình thành hướng phân tích:
- Phản biện, bình luận — Bạn sẽ dễ gặp tình huống tìm được những nguồn tài liệu liên quan đến chủ đề mà mình đã chọn nhưng lại không đồng tình với lập luận và quan điểm của tác giả. Do đó, bạn có thể sử dụng các tài liệu này như một công cụ giúp phản biện, cung cấp bằng chứng chứng minh từ các tài liệu nghiên cứu để khẳng định các quan điểm được đưa ra trước đó là chưa thỏa đáng, và chỉ ra tại sao quan điểm của bạn lại phù hợp hơn dựa trên cách diễn giải những bằng chứng của bạn.
- Nguồn ý tưởng — mặc dù đương nhiên nhà nghiên cứu sẽ có kỳ vọng đưa ra các ý tưởng, quan điểm mới nguyên bản, việc sử dụng các tài liệu rồi mở rộng, chỉnh sửa và diễn giải lại theo cách hiểu của bản thân vẫn là chấp nhận được. Bạn chỉ cần lưu ý trích nguồn đầy đủ.
- Nguồn thông tin cho bối cảnh lịch sử – Việc đọc các tài liệu liên quan cũng đóng vai trò giúp bạn hình thành cách bắt đầu phân tích tài liệu của mình bằng cách đặt các vấn đề và sự kiện vào bối cảnh thời gian thích hợp. Điều này giúp chứng minh rằng chủ đề bạn đang nghiên cứu là phù hợp với sự phát triển học thuật của lĩnh vực, cũng như đóng vai trò là phương tiện so sánh những vấn đề, sự kiện xưa và nay, đồng thời nêu bật những cá nhân, địa điểm và sự kiện quan trọng có vai trò thiết yếu đối với vấn đề nghiên cứu.
- Nguồn kiến thức liên ngành – Một lợi thế của việc sử dụng cơ sở dữ liệu để bắt đầu nghiên cứu chủ đề của bạn là chúng cung cấp các ấn phẩm thuộc nhiều lĩnh vực học thuật khác nhau. Một cách khác để bắt đầu hình thành phương pháp nghiên cứu chủ đề chính là xem xét vấn đề ấy từ góc nhìn của những lĩnh vực khác nhau. Giả sử nếu vấn đề liên quan đến việc cải cách chính sách nhập cư, thì hãy thử xem xét sự khác biệt trong hướng đi và cách phân tích của các nghiên cứu từ các xuất bản xã hội học so với nghiên cứu trên các tạp chí luật. Mục đích của việc nghiên cứu nhiều nguồn tài liệu chính là cung cấp phương tiện tiếp cận một chủ đề từ nhiều góc độ thay vì chỉ tìm hướng giải quyết vấn đề cho duy nhất một lĩnh vực.
Lưu ý: Hãy ghi chú cẩn thận ở mọi giai đoạn làm việc hoặc sử dụng hệ thống quản lý trích dẫn như Endnote. Nhà nghiên cứu đôi lúc sẽ cho rằng rằng họ có thể nhớ hết những gì bản thân đã tìm kiếm và vị trí họ để chúng ở đâu, nhưng điều đó sẽ dễ gây nhầm lẫn hoặc quên lãng sau một khoảng thời gian. Hầu hết các cơ sở dữ liệu đều có chức năng lịch sử tìm kiếm cho phép bạn xem lại các tìm kiếm trước đó miễn là bạn chưa thoát ra khỏi phiên của mình. Tuy nhiên nếu như bạn khởi động lại, tất cả dữ liệu cũ sẽ bị xóa.
Bước 4: Nếu bạn hiểu và có thể liên kết các kết quả có được khi tìm kiếm những tài liệu liên quan từ những thông tin ban đầu, thì bạn đã sẵn sàng để bắt tay vào công việc xây dựng một dàn ý chi tiết hơn. Điều này sẽ đặt nền tảng cho việc tìm kiếm và xem xét đúng trọng tâm hơn đối với các tài liệu nghiên cứu khác sau này.Nếu bạn không chắc liệu mình đã thực sự hiểu và có thể vận dụng được các kết quả tìm kiếm tài liệu liên quan hay chưa thì trong quá trình lên ý tưởng cho dàn ý, bạn có thể sẽ nhận ra những lỗ hổng chưa hợp lý trong cách bạn muốn tiếp cận nghiên cứu. Điều này cho thấy bạn còn thiếu sót trong việc thu thập các thông tin cơ bản để có thể phân tích về vấn đề nghiên cứu của mình.
Phần 2 của bài Lựa chọn chủ đề nghiên cứu tập trung vào hướng dẫn trường hợp nhà nghiên cứu/sinh viên tự lựa chọn chủ đề nghiên cứu của mình
Dịch từ Library Guides | Texas State University
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 4
Chưa có đánh giá.