Trong tháng 2 vừa qua, cuốn sách chuyên khảo “Giáo dục và khoa học mở: Cẩm nang dành cho nhà nghiên cứu và giảng viên” đã được Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội chính thức phát hành. Một trong 4 tác giả của cuốn sách này là Vũ Nguyễn Quang Duy, sinh viên ngành Nhật Bản học, Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN. Điều đặc biệt, cuốn sách được xuất bản đúng trong thời gian Duy đang đi học trao đổi 1 năm tại Trường Đại học Tsukuba, theo chương trình học bổng toàn phần của Chính phủ Nhật Bản (MEXT).
Cổng thông tin ĐHQGHN đã có cuộc trao đổi với Vũ Nguyễn Quang Duy về những trải nghiệm ý nghĩa và thú vị này.
– Chào Quang Duy, trong năm học 2023-2024 này Duy đã có nhiều thành tích đặc biệt. Anh vừa là đồng tác giả một cuốn sách chuyên khảo có chủ đề rất thời sự về giáo dục và khoa học mở, vừa là một trong các sinh viên đầu tiên của Trường Đại học Việt Nhật được nhận học bổngcủa MEXT. Anh có thể chia sẻ về những trải nghiệm thú vị này của tôi?
– Tôi bắt đầu tham gia biên soạn cuốn “Giáo dục và Khoa học mở: Cẩm nang dành cho nhà nghiên cứu và giảng viên” từ tháng 10/2022 khi đang là sinh viên năm 3 tại Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN. Khi đó tôi thực tập trong nhóm nghiên cứu của TS. Phạm Hùng Hiệp, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao Tri thức, Trường Đại học Thành Đô, đồng thời là đồng Trưởng nhóm nghiên cứu Khoa học Giáo dục và Chính sách, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN. Trong nhóm tác giả ngoài tôi và thầy Hiệp, còn có ThS. Nguyễn Linh Chi, sinh viên Khoa Tâm lý K59, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN và PGS.TS. Phan Thị Thanh Thảo, Trường Đại học Thành Đô. Từ tháng 9/2023 khi đến Nhật Bản trao đổi tại Trường Đại học Tsukuba, tôi vẫn tiếp tục làm việc từ xa với nhóm. Và thật tuyệt vời khi đến tháng 2/2024 vừa qua, cuốn sách đã được chính thức xuất bản. Chỉ hơi tiếc là tôi không có ở Hà Nội để được tham dự buổi ra mắt sách.
– Anh có thể giới thiệu thiệu đôi chút về nội dung cuốn sách này?
Như tiêu đề, đây là một quyển sách có dạng “cẩm nang”, tức hướng đến việc cung cấp cho người đọc những kiến thức có thể thực hành ngay. Giáo dục mở và khoa học mở không còn là chủ đề quá mới mẻ ở Việt Nam nhưng số người biết và thực hành chúng cho thật đúng, thật bài bản vẫn còn rất ít. Ví dụ, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các tạp chí truy cập mở đều là những tạp chí “săn mồi”, kém chất lượng, trong khi thực tế có rất nhiều tạp chí truy cập mở uy tín. Ngoài ra, việc sử dụng các tài nguyên giáo dục trên internet cũng cần sự chú ý từ giảng viên, sinh viên đến các quy tắc/quy định bản quyền để tôn trọng và đảm bảo các quyền hợp pháp của tác giả.
Nhóm tác giả hy vọng cuốn sách này sẽ giúp người đọc, đặc biệt là người đang làm việc trong lĩnh vực học thuật có những kiến thức nền tảng về khoa học mở và giáo dục mở, có thể ứng dụng vào việc học tập, nghiên cứu thường ngày.
– Với cá nhân Quang Duy, Anh học được gì khi tham gia biên soạn cuốn sách này?
Điều đầu tiên tôi học được chính là kiến thức chuyên môn từ chính nội dung cuốn sách, vì đây là chủ đề cũng mới và trước đây tôi chưa từng có cơ hội tiếp xúc. Tuy nhiên, qua quá trình viết sách, tôi dần hiểu hơn về những chủ đề được đề cập trong sách, cũng như nhận thấy tầm quan trọng của khoa học và giáo dục mở với nhà nghiên cứu, giảng viên và cả sinh viên.
Thứ hai, tôi tích lũy được kinh nghiệm làm dự án dài hơi, theo nhóm nhiều người, lúc trực tiếp, lúc online. Hiện tôi vẫn đang là sinh viên và vẫn phải đáp ứng đầy đủ trách nhiệm học tập trên trường, cũng như phân bổ thời gian cho các hoạt động ngoại khóa khác mà tôi tham gia. Hơn nữa, trong giai đoạn tôi sang Nhật Bản trao đổi, các công việc điều diễn ra từ xa, không thể trao đổi trực tiếp như lúc còn ở nhà. Có những lúc tôi không hoàn thành công việc đúng hạn và gây ảnh hưởng tiến độ. Tuy nhiên dưới sự giúp đỡ của các thầy cô trong nhóm mà tôi đã có thể hoàn thành các phần việc một cách hoàn chỉnh. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng sau này, khi học ở bậc học cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ, rồi làm nghiên cứu viên, giảng viên chuyên nghiệp, việc phải làm việc đa nhiệm, nhiều dự án cùng lúc, trong các điều kiện công việc không lý tưởng là điều rất bình thường. Và rõ ràng kinh nghiệm từ dự án sách này là rất quý báu đối với tôi, một sự chuẩn bị tốt cho tương lai.
– Vậy đâu là điểm Quang Duy cảm thấy thú vị nhất khi tham gia biên soạn cuốn sách này?
Thực ra là có 2 điểm, đều liên quan đến nguyên tắc và cách thức làm việc của nhóm biên soạn. Thứ nhất, trong suốt quá trình biên soạn sách, trưởng nhóm biên soạn luôn thẳng thắn giao việc, không châm chước với bất cứ ai. Thứ hai là nguyên tắc minh bạch khi bắt đầu dự án. TS. Hiệp nói thứ tự tác giả sẽ tương ứng với đóng góp thật của các thành viên, cuối cùng thì khi thấy sách được in ra, tên tôi đứng số 2 sau chị Linh Chi. tôi hiểu là dù trong quá trình biên soạn sách, có những lúc kết quả của tôi không thật tốt, nhưng tổng kết lại, tôi được ghi nhận ở vị trí số 2, trước cả cô Thảo và thầy Hiệp – những người định hướng và chỉ dẫn. Tôi thật sự cảm kích và tự hào khi nhận được cơ hội tham gia vào dự án, và đây cũng là một sự động viên rất lớn cho bản thân tôi.
– Quay trở lại với việc học của Quang Duy tại Nhật Bản, Anh trù tính thế nào về mục tiêu chính trong thời gian ở Nhật Bản?
Việc đầu tiên tôi phải làm là cải thiện tiếng Nhật. Tôi đã học tiếng Nhật được nhiều năm và có thể hiểu được tiếng Nhật ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, tôi gặp rất nhiều trở ngại trong việc sử dụng tiếng Nhật như một công cụ giao tiếp. Ở trường đại học Tsukuba, hay trong cuộc sống hàng ngày, tôi buộc phải sử dụng tiếng Nhật để giao tiếp, điều này sẽ giúp tôi có thêm cơ hội sử dụng và nâng cao khả năng tiếng Nhật của tôi.
Mục tiêu thứ hai là nghiên cứu xã hội Nhật Bản. Cá nhân tôi có nhiều chủ đề nghiên cứu quan tâm và cũng thích nghiên cứu, đặc biệt là về lĩnh vực giáo dục. Thông qua chương trình này, tôi có cơ hội trực tiếp sống trong xã hội Nhật Bản, để nghiên cứu và phát triển chủ đề của tôi.
Cuối cùng là trải nghiệm. Du học là thời gian tuyệt vời nhất để trải nghiệm. Nhật Bản là đất nước có nền văn hóa phát độc đáo, dung hòa giữa yếu tố hiện đại và truyền thống. Sẽ rất thú vị nếu tôi có thể trải nghiệm Nhật Bản từ nhiều góc độ khác nhau. Tôi thực sự mong rằng trong thời gian ở đây, tôi có thể có được những trải nghiệm quý giá và đa dạng về đất nước, văn hóa và con người Nhật Bản.
– Quang Duy có gặp phải những thách thức khi đến Nhật Bản không?
Học tiếng Nhật và tìm hiểu về Nhật Bản tại Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN đã giúp tôi có được cái nhìn toàn diện về Nhật Bản. Vì thế tôi chưa trải qua quá nhiều cú sốc văn hóa kể từ khi đến đây. Sự giúp đỡ nhiệt tình từ những người bạn Nhật Bản cũng như từ nhà trường, giảng viên và người hướng dẫn giúp hành trình của tôi suôn sẻ. Tôi rất biết ơn sự giúp đỡ nhiệt tình và mong tiếp tục được gắn kết cùng mọi người trong chặng đường tiếp theo.
– Quang Duy muốn tận dụng kinh nghiệm du học như thế nào? Tầm nhìn và mục tiêu cho tương lai của anh là gì?
Với những gì tôi học được ở Tsukuba, tôi có thể tiếp tục phát triển và sử dụng chúng để chuẩn bị cho việc học cao hơn sau khi tốt nghiệp đại học. Ngoài ra, đối với đề tài của tôi, tôi sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về xã hội Nhật Bản, đặc biệt là ở khía cạnh giáo dục, qua đó tôi có thể tiếp tục có những nghiên cứu sâu hơn theo hướng này.
Ngoài ra, điều tôi thích nhất ở Đại học Tsukuba chính là môi trường quốc tế. Số lượng sinh viên quốc tế đông đảo đã giúp tôi không chỉ có cơ hội tiếp xúc với văn hóa Nhật Bản mà còn được tiếp xúc với các nền văn hóa khác thông qua những sinh viên quốc tế. Kinh nghiệm quốc tế này sẽ giúp ích cho tôi rất nhiều trong tương lai. Tôi có tầm nhìn rộng mở hơn, tiếp cận mọi việc theo góc nhìn đa văn hóa, liên văn hóa. Trong tương lai, tôi mong có nhiều cơ hội làm việc với mọi người trên khắp thế giới. Những trải nghiệm hiện tại sẽ là nền tảng tốt để tôi có thể khám phá thế giới bên ngoài Nhật Bản.
Một số thành tích nổi bật của Vũ Nguyễn Quang Duy GPA: 3.66/4.00 Học bổng khuyến khích học tập 6/6 học kỳ tại Trường Đại học Việt Nhật. Học bổng toàn phần Chính phủ Nhật Bản cho chương trình Ngôn ngữ, Văn hóa Nhật Bản. Danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp ĐHQGHN năm 2022. Ủy viên BTV Đoàn Thanh niên Trường Đại học Việt Nhật. Chủ tịch Ban Điều phối các Hoạt động Sinh viên, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Việt Nhật. Sáng lập và Chủ tịch CLB Học thuật và Nghiên cứu Khoa học VJU-ARC. Tham gia chương trình trao đổi Sakura Science tại trường Đại học Waseda, Nhật Bản. Tình nguyện viên mùa 2 chương trình tình nguyện giáo dục Hyundai Jump School. |
Đăng lại từ Trang nhất Đại học Quốc gia Hà Nội
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.