Cơ sở dữ liệu SCImago là một công cụ hữu ích để đánh giá hoạt động khoa học, tuy nhiên, một số hiểu nhầm trong việc sử dụng có thể dẫn đến những đánh giá sai lệch.
1. SCImago là Scopus
SCImago không phải là Scopus. Scopus là cơ sở dữ liệu (CSDL) thuộc Nhà Xuất Bản Elsevier, trong khi SCImago là một dự án nghiên cứu thuộc ĐH Granada, Tây Ban Nha. Scimago lấy lại CSDL từ Scopus nhưng có một số điểm khác biệt nhất định như sau:
Đầu tiên, trong quá trình chuyển thông tin giữa hai CSDL, vì thông dữ liệu quá lớn nên có một số thông tin có thể bị sai lệch. Scopus và SCImago có thể cập nhật dữ liệu ở những thời điểm khác nhau. Điều này có thể dẫn đến sự chênh lệch về số lượng bài báo, số lượng trích dẫn, hay chỉ số h-index của một tác giả hay tạp chí tại một thời điểm nhất định.
Thứ hai, dữ liệu từ Scimago đôi khi bị trễ so với Scopus. Ví dụ 1 journal đã bị discontinued khỏi Scopus nhưng Scimago có thể chưa cập nhật. Tháng 10, 2023 ghi nhận tạp chí International Journal of Instruction đã bị discontinued khỏi Scopus, nhưng đến tháng 12 cùng năm, SCImago mới ghi nhận trạng thái này trên trang web của họ.
Cuối cùng, SCImago có thể đưa ra các chỉ số riêng, khác với Scopus. Ví dụ Q1-Q4 của SCImago khác với Scopus, vì nó được tính trên SJR, khác với CiteScore của Scopus (SJR và CiteScore là các chỉ số tương đương như Impact Factor của WOS nhưng cách tính khác nhau).
2. Ở Việt Nam chỉ cần dùng SCImago hoặc Scopus là đủ
Ở Việt Nam, trong hoạt động khoa học, phải dùng đồng thời cả hai CSDL trên. Chỉ dùng một trong hai sẽ dẫn đến một số sai lầm trong quyết định. Cụ thể:
Nếu chỉ dùng SCImago thì có khả năng ta sẽ tính (công nhận, thưởng) cho bài báo xuất bản ở một tạp chí đã bị discontinued khỏi Scopus rồi (như đã nói ở trên) mà không biết. Trong khi quy định tại Việt Nam (Hội đồng Giáo sư Nhà nước, NAFOSTED và nhiều quỹ khác cũng như các trường Đại học) phần lớn vẫn phải xem xét bài báo có được Scopus chỉ mục hay không. Vì vậy, việc các nhà quản lý khoa học vẫn cần phải kiểm tra xem bài báo đã được Scopus chỉ mục hay chưa rồi mới ra quyết định là chuyện bình thường (nếu chỉ xem journal có bài báo đó có thông tin trên SCImago hay Scopus chưa là không đủ). Mà để kiểm tra việc này, bắt buộc chúng ta cần có tài khoản trả phí của Scopus.
Nếu chỉ dùng Scopus, ta lại không tra được nhiều kết quả riêng gắn với Scimago, nhất là kết quả về Q. Nguyên nhân là tại Việt Nam, phần lớn là các quy định lấy Q của Scimago làm căn cứ, chứ không dùng Q của Scopus. Đến đây, một số nhà khoa học sẽ băn khoăn tại sao không dùng Q của Scopus luôn cho tiện. Viêc này thực tế là có lý do lịch sử. Cách đây vài năm Scopus chưa công khai trang web của mình cho các tài khoản miễn phí có thể xem được thông tin Tạp chí (trong đó có thông tin Q của Scopus). Trong khi SCImago lại là dự án mở và công khai, thuận tiện cho việc tra cứu Q dựa trên bảng màu (màu xanh tương ứng với Q1, và của Q4 là màu đỏ). Vì vậy, tại Việt Nam và một số quốc gia, chúng ta có xu hướng dùng Q của SCImago làm căn cứ. Sau này, vì lý do lịch sử và tiện lợi, Q của Scimago vẫn tiếp tục được sử dụng. Cá nhân tác giả, dù hiện nay tra Q được cả ở Scimago lẫn Scopus, nhưng chúng tôi vẫn ủng hộ việc dùng Q của Scimago hơn vì tính tiện lợi, dễ tra cứu hơn như đã nói ở trên. Bên cạnh đó còn là tính chính xác, chúng tôi đánh giá công thức tính SJR của SCImago có phần vượt trội hơn CiteScore của Scopus.
Tóm lại, cả Scimago và Scopus đều cần sử dụng. Chúng ta cần có kiến thức để dùng đúng cách hai CSDL này cho các mục tiêu cụ thể. Hơn thế nữa, các trường/viện cũng nên có tài khoản “xịn” của Scopus chứ không nên chỉ dùng bản miễn phí hoặc dùng “chùa” của người khác.
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 3
Chưa có đánh giá.