Lịch sử của việc chỉnh sửa bài viết Wikipedia là một nguồn tài nguyên chưa được khám phá trong việc đánh giá sự phát triển của kiến thức khoa học theo thời gian.
Các tác giả cho rằng Wikipedia có thể là một nguồn giá trị giúp theo dõi tri thức khoa học khi nó lan truyền vào diễn ngôn công cộng.
Rona Aviram và Omer Benjakob, tác giả của nghiên cứu với tiêu đề “Wikipedia as a tool for contemporary history of science: A case study on CRISPR” (tạm dịch: Wikipedia như là một công cụ cho lịch sử khoa học đương đại: Một nghiên cứu trường hợp về CRISPR” được công bố vào ngày 13 tháng 9 năm 2023 trên tạp chí Plos One, đã phân tích hàng ngàn bản chỉnh sửa của các bài viết Wikipedia liên quan đến công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR, phục vụ như một nghiên cứu trường hợp về cách thức các phát hiện khoa học ảnh hưởng đến nội dung trên trang bách khoa toàn thư trực tuyến này.
Tiến sĩ Aviram – một nhà nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu và Liên ngành (Center for Research and Interdisciplinarity – CRI) có trụ sở tại Pháp và Học viện công nghệ Technion Israel ở Haifa, cùng với ông Benjakob – đồng nghiệp ở CRI và là nhà báo điều tra, đã tìm ra rằng khoa học đóng vai trò quan trọng trong quá trình các bài viết của Wikipedia thay đổi qua thời gian.
Họ cho rằng, sự phát triển của các bài viết trên Wikipedia – cách người dùng chỉnh sửa văn bản, loại bỏ cách diễn đạt cũ và thậm chí là chèn các đường link khi họ thêm nội dung mới – là một nguồn tài nguyên lớn còn chưa được khai thác rộng rãi đối với các nhà nghiên cứu để họ ghi lại “sự phát triển không ngừng của tri thức” và cách mà tri thức khoa học “tích lũy và chuyển thành diễn ngôn công cộng”.
Mặc dù đã có khá nhiều nghiên cứu xem xét việc những trích dẫn nào được đưa vào Wikipedia, các nhà nghiên cứu nói rằng phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu của họ đi sâu hơn, bằng việc nhìn vào cách văn bản tự thay đổi theo thời gian.
Benjakob giải thích rằng, “Tưởng tượng rằng chúng ta có thể thấy tất cả những chỉnh sửa của một nhà nghiên cứu trên giấy. Nó tương đương với những gì chúng tôi đang làm”. Ông so sánh phương pháp này như một “MRI của sự đồng thuận khoa học” – một mặt cắt của tri thức tương tự cách mà chụp cộng hưởng từ hiển thị hình ảnh chi tiết của các cơ quan nội tạng.
Với khả năng theo dõi cùng một văn bản theo thời gian đến mức câu từ, Wikipedia đã cung cấp “một cái gì đó khác biệt” so với các phương pháp đánh giá khoa học truyền thống, tiến sĩ Aviram nói thêm.
Trong những năm kể từ khi bà trình bày nghiên cứu đầu tiên sử dụng Wikipedia của các nhà khoa học, thái độ học thuật đối với việc sử dụng trang web như một công cụ đã thay đổi. Tiến sĩ Aviram kể lại rằng: “Tôi đã đứng lên sân khấu và câu đầu tiên tôi nói là ‘Tôi có một lời thú nhận: Tôi sử dụng Wikipedia’, một thứ vốn bị đánh giá tiêu cực. Một nửa số người sẽ nói kiểu: “Chúng tôi không làm điều đó ở đây’.”
Nhưng ngay cả khi các học giả đã bắt đầu ưa chuộng công cụ này thì các vấn đề kỹ thuật vẫn là một trở ngại lớn. Ví dụ như các chú thích trên Wikipedia thường không được định dạng đúng cách, điều đó khiến việc thu thập dữ liệu trở nên khó khăn, bà nhận xét.
Hai tác giả cũng cho rằng nghiên cứu này chỉ mới khai thác bề nổi của những gì trang web này có thể cung cấp vì nó chỉ giới hạn ở nội dung tiếng Anh; không tính đến trang “thảo luận” (talk page) của Wikipedia, nơi thúc đẩy cuộc tranh luận giữa các người dùng hoặc kho tàng hình ảnh trực quan được công bố thông qua trang web chị em của nó là WikiCommons.
Tiến sĩ Aviram cho biết bà rất muốn mở rộng sự hợp tác với các nhà nghiên cứu khác trong lĩnh vực này – và tự tin rằng sẽ có người tham gia. “Tôi muốn lan truyền thông điệp này: chúng tôi đang tìm kiếm các cộng tác viên và chia sẻ các công cụ của mình,” bà nói. “Điều này có thể có tác động rất lớn đến việc nghiên cứu.”
Dịch từ Times Higher Education
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 1014
Chưa có đánh giá.